Góp phần tham mưu hoàn thành tốt công tác quản lý Nhà nước của ngành Y tế

Ngày 5/9, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Y tế tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm hình thành và phát triển Thanh tra Y tế. 

Phát biểu tại buổi lễ, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, trong suốt thời gian qua, Thanh tra Y tế đã có những đóng góp quan trọng, giúp Bộ Y tế làm tốt công tác quản lý Nhà nước về y tế; chủ động tham mưu công tác tiếp công dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, xác minh tài sản, thu nhập…

Ôn lại truyền thống của Thanh tra ngành Y tế, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, sau 60 năm kể từ khi tổ chức thanh tra đầu tiên trong ngành Y tế được thành lập (Ban Thanh tra thuộc Bộ Y tế 1964) và sau 33 năm hình thành hệ thống Thanh tra Nhà nước về y tế (Thanh tra Bộ Y tế và Thanh tra Sở Y tế 1991), Thanh tra Y tế đã có những bước phát triển, không chỉ có cán bộ làm công tác thanh tra tại Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở Y tế mà còn có thêm lực lượng làm công tác thanh tra chuyên ngành…

Thanh tra ngành Y tế đã chủ động tham mưu, giúp làm tốt công tác quản lý Nhà nước về công tác thanh tra Y tế, tiếp công dân; xử lý đơn thư; giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng chống tham nhũng, kiểm soát tài sản, thu nhập; xây dựng kế hoạch thanh tra và triển khai đầy đủ theo kế hoạch góp phần hoàn thành công tác quản lý Nhà nước của ngành Y tế.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Thanh tra Y tế đã đạt được trong thời gian qua. Ảnh: TM

“Các cuộc thanh tra được thực hiện tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về thanh tra, bám sát những vấn đề nổi cộm của ngành Y tế được quan tâm. Hoạt động của Thanh tra Bộ đã góp phần đáng kể vào việc hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý Nhà nước thuộc ngành Y tế và các lĩnh vực liên quan khác được bổ sung, từng bước hoàn chỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thanh tra và xử lý vi phạm”, Chánh Thanh tra Bộ Y tế nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, trong thời gian qua, Thanh tra ngành Y tế đã tham mưu Bộ Y tế xây dựng trình Chính phủ ban hành, ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thanh tra y tế và các quy trình thanh tra theo từng lĩnh vực; tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng hệ thống tổ chức, công tác cán bộ và hoạt động của Thanh tra Y tế trong cả nước; đồng thời là công cụ pháp lý quan trọng phục vụ công tác thanh tra, xử lý các vi phạm, góp phần làm tốt công tác quản lý Nhà nước về y tế.

Hàng năm, Thanh tra Y tế cả nước đã tổ chức các đợt thanh tra theo kế hoạch và thanh tra đột xuất đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về y tế dự phòng, khám chữa bệnh, dược, an toàn thực phẩm, hành nghề y, dược cả công lập và ngoài công lập của các cơ quan, tổ chức và cá nhân… Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn đã kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật, kịp thời phát hiện những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định.

Học tập và làm theo lời huấn thị của Bác, Thanh tra Y tế trong 60 năm qua đã không ngừng phát triển, trưởng thành, qua từng thời kỳ đã hoàn thành trọng trách của mình; vinh dự được Đảng và Nhà nước, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ tặng thưởng nhiều phần thưởng ghi nhận nỗ lực, cống hiến của ngành, trong đó Huân chương Lao động Hạng Nhất là phần thưởng cao quý và rất đỗi tự hào…

Tập trung xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm

Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan ghi nhận và biểu dương những thành tích xuất sắc mà Thanh tra Y tế đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời khẳng định, những thành tựu trong chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng, phát triển của Thanh tra Y tế là nền tảng, là hành trang trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
Chánh Thanh tra Bộ Y tế nhấn mạnh, Thanh tra Y tế đã có những đóng góp quan trọng, giúp Bộ Y tế làm tốt công tác quản lý Nhà nước về y tế. Ảnh: TM 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị thời gian tới Thanh tra ngành Y tế tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ cụ thể, như, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các cuộc thanh tra từ giai đoạn chuẩn bị thanh tra đến kết thúc hoạt động của đoàn thanh tra và công bố kết luận thanh tra theo quy định pháp luật; nhất là yêu cầu về tiến độ và chất lượng của cuộc thanh tra; không được vi phạm những điều cấm trong hoạt động thanh tra và những điều cán bộ, công chức không được làm; góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, giữ gìn kỷ cương, kỷ luật.

Quá trình thanh tra, phát hiện những bất cập của cơ chế, chính sách để kiến nghị, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật về y tế, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Người đứng đầu Bộ Y tế yêu cầu Thanh tra ngành Y tế tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật cho xã hội và cán bộ, nhân viên y tế. Kiện toàn hệ thống tổ chức, tăng cường lực lượng Thanh tra Y tế từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thanh tra trong lĩnh vực y tế. Tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo kinh phí cho công tác thanh tra, tăng cường năng lực, bao gồm cả con người và cơ sở vật chất cho các cơ quan chuyên môn có liên quan phục vụ công tác thanh tra.

leftcenterrightdel
Thế hệ cán bộ làm công tác Thanh tra Y tế qua các thời kỳ. Ảnh: TM 

Cùng với đó tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác thanh tra, kết hợp chặt chẽ, không để chồng chéo giữa công tác thanh tra các cấp, các ngành và thanh tra với kiểm toán.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý, trong giai đoạn sắp tới, cùng với định hướng chương trình thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Y tế cần tập trung xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần nghị quyết của Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các vấn đề mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm trong ngành Y tế.

Đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra tránh chồng chéo giữa các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, hay vi phạm; tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề trên diện rộng để phát hiện các sơ hở, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách pháp luật, để kịp thời kiến nghị với cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung; tích cực thực hiện phương châm phòng ngừa, hạn chế các sai phạm, xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định của pháp luật.

Phương Anh