Theo Báo Jakarta Post phân tích, để lấy lại sự tín nhiệm cần thiết, Tổng thống Joko "Jokowi" Widodo đã đình chỉ chức vụ Chủ tịch KPK đối với ông Firli Bahuri và bổ nhiệm ông Nawawi Pomalongo làm quyền Chủ tịch, nhưng động thái này không giúp được gì nhiều cho việc KPK giành lại được vị thế.

Người phát ngôn của Cảnh sát Jakarta, Sr. Comr. Ade Safri Simanjuntak, cho biết các nhà điều tra đã thu thập đủ bằng chứng để buộc tội ông Firli.

Danh sách bằng chứng bao gồm các khoản thu ngoại hối ở Singapore và mệnh giá đô la Mỹ từ một số điểm đổi tiền trị giá 7,4 tỷ Rp tính từ tháng 2 năm 2021 đến tháng 9 năm 2023.

Cùng với bằng chứng quan trọng này, nhà chức trách cũng tịch thu 21 điện thoại di động của các nhân chứng, 17 tài khoản email, 4 ổ đĩa flash, 2 phương tiện đi lại, 3 tài khoản tiền điện tử, một chiếc chìa khóa thông minh điều khiển từ xa và một chiếc ví màu nâu.

Ông Firli sẽ bị luận tội theo Điều 12E, Điều 11B của Luật Bài trừ tham nhũng kết hợp với Điều 65 Phần (1) Bộ luật Hình sự. Nếu bị kết tội, cựu "tổng tư lệnh chống tham nhũng" có thể phải nhận mức án tù chung thân.

Tuy nhiên, ông Firli vẫn không bị bắt giữ bất chấp các cáo buộc. Ông tiếp tục xuất hiện tại KPK. Điều này khiến các nhà điều tra lo ngại về tác động của việc buộc tội ông đối với công việc của họ. Ví dụ, tính hợp lệ của các tài liệu do Firli ký có thể trở thành chủ đề bị nghi ngờ và có thể bị coi là thiếu cơ sở pháp lý.

Một nhà điều tra cho biết, ban lãnh đạo KPK đã đồng ý đình chỉ Firli, nhưng vẫn cho phép ông có mặt tại văn phòng và thậm chí chủ trì các cuộc họp chiến lược.

Điều tra viên nói thêm, tuyên bố của Phó Chủ tịch KPK Alexander Marwata rằng, không hề xấu hổ khi ông Firli bị coi là nghi phạm trong bê bối tống tiền có thể làm xói mòn thêm niềm tin của người dân đối với Ủy ban.

Luật sư của ông Firli, Ian Iskandar, cho biết thân chủ của ông sẽ chống lại quyết định của Cảnh sát Jakarta coi ông là nghi phạm, nói rằng hành động này không có cơ sở pháp lý.

Ông Ian tuyên bố rằng, các điều tra viên của cảnh sát không bao giờ đưa ra bằng chứng mà họ thu được trong vụ án. Trên thực tế, Firli đã đệ đơn kiện lên Tòa án Nam Jakarta chống lại Cảnh sát trưởng thành phố Karyoto, cũng là cựu lãnh đạo bộ phận thực thi của KPK.

Jakarta Post cho biết, phiên tòa sơ thẩm sẽ bắt đầu vào tuần sau (ngày 11/12). Đại tướng Listyo Sigit Prabowo, Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia Indonesia đã ra lệnh cho tất cả điều tra viên chuẩn bị cho "cuộc chiến" tại tòa. Theo ông Listyo, việc Firli đệ đơn là quyền của ông ấy. Nhưng Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia yêu cầu Cảnh sát Jakarta làm việc chăm chỉ, nỗ lực hết sức mình để thuyết phục thẩm phán rằng quyết định của họ đối với Firli là xác đáng.

leftcenterrightdel
Tòa nhà Ủy ban Bài trừ tham nhũng (KPK) ở Jakarta. Ảnh chụp ngày 27/6/2023. Nguồn: AFP/Bay Ismoyo 

Cam kết khôi phục niềm tin

Ông Nawawi Pomolango (61 tuổi), giữ chức Phó Chủ tịch KPK từ năm 2019 cho đến ngày 24/11/2023.

Ngày 27/11, tại Cung điện Nhà nước, Jakarta, Tổng thống Joko Widodo đã trao quyết định bổ nhiệm ông Nawawi Pomolango làm Chủ tịch lâm thời của Ủy ban.

Ông Nawawi Pomolango cho biết, trọng tâm là khôi phục niềm tin của người dân đối với cơ quan chống tham nhũng sau vụ bê bối tống tiền của ông Firli.

Quyền Chủ tịch KPK Nawawi cho biết, sẽ họp với 3 phó chủ tịch của KPK để thảo luận về các bước hành động tiếp theo của Ủy ban.

Ông Nawawi cũng tuyên bố, cuộc điều tra đang diễn ra về Firli sẽ không ảnh hưởng đến cuộc điều tra KPK đang tiến hành về các vụ án tham nhũng cấp cao, chẳng hạn như vụ liên quan đến cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul và việc truy tìm nghi phạm hối lộ đào tẩu Harun Masiku.

Tân lãnh đạo KPK đảm bảo, cuộc điều tra của KPK về cáo buộc tham nhũng, hối lộ tại Bộ Nông nghiệp sẽ tiếp tục và việc bổ nhiệm gần đây đối với Tổng Thanh tra Rudi Setiawan với tư cách là Phó Chủ tịch thực thi và thi hành án mới của KPK sẽ thúc đẩy nỗ lực của cơ quan chống tham nhũng.

Trả lời về vụ tống tiền của Firli, người phát ngôn KPK Ali Fikri tuần trước cho biết, các lãnh đạo KPK đã đồng ý không cung cấp trợ giúp pháp lý cho Firli sau khi cân nhắc kỹ lưỡng. Trước đó, Phó Chủ tịch KPK Alexander Marwata đã tuyên bố rằng Firli sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ pháp lý từ Ủy ban.

Để thể hiện cam kết khôi phục uy tín của KPK, quyền Chủ tịch KPK cho biết, Firli không thể tham gia các hoạt động tại KPK nữa và sẽ được đối xử như một vị khách bình thường nếu ông đến tòa nhà KPK.

Trước đó, Phó Chủ tịch KPK Johanis Tanak cho biết, Firli đã mất quyền và đặc quyền công việc, nhưng sẽ được phép đến tòa nhà KPK do bị đình chỉ tạm thời.

Nhóm pháp lý của ông Firli coi việc truy tố khách hàng của họ là một thiếu sót vì quá trình xác định ông là nghi phạm đã không trải qua một cuộc điều tra thích hợp. Ngoài ra, nhóm còn cho rằng, tố cáo liên quan đến việc Firli bị nghi ngờ tống tiền là do chính cảnh sát tự trình nộp.

Một nguồn tin khác quen thuộc với vụ án cho Jakarta Post biết rằng, cơ hội thắng kiện trước phiên tòa của Firli là rất mong manh vì ông ấy không còn nhận được sự ủng hộ chính trị từ nhiều đảng phái khác nhau. Nguồn tin cho biết: “Việc loại bỏ khỏi một chức vụ chính thức cho thấy sự mất đi những hỗ trợ chính trị cần thiết để giành chiến thắng trong phiên điều trần trước khi xét xử”.

Ông Firli được cho là đã mất đi sự ủng hộ từ nhiều phía, đặc biệt là từ các quan chức nhà nước cấp cao trong lĩnh vực an ninh. Điều này được cho là do cựu lãnh đạo cơ quan chống tham nhũng thường xuyên mắc sai lầm và có những vi phạm trong thời gian ông làm chủ tịch KPK.

Ông Firli Bahuri từng bị cáo buộc về một số hành vi vi phạm đạo đức, kỷ luật trước và trong nhiệm kỳ Chủ tịch KPK, bao gồm việc sử dụng trực thăng cho những chuyến đi cá nhân và gặp gỡ các nghi phạm tham nhũng.

Nguồn tin cho biết: “Những người ủng hộ Firli cảm thấy khó khăn trong việc bảo vệ và giúp đỡ ông ấy”.

2 tuần trước, Cảnh sát Indonesia xác định ông Firli Bahuri là nghi phạm đã vòi tiền và nhận quà liên quan đến Bộ Nông nghiệp từ năm 2020 tới 2023.

Đây là lần đầu tiên, một "tư lệnh" cơ quan chống tham nhũng bị điều tra về cáo buộc tham nhũng, kể từ khi KPK được thành lập vào năm 2002.

Cụ thể, Firli Bahuri bị cáo buộc tống tiền cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo để đổi lấy sự khoan hồng trong vụ án tham nhũng của ông ta. Cựu Bộ trưởng này đã bị bắt vì hàng loạt cáo buộc, trong đó có tham ô hơn 800.000 USD.

Trước các nghi ngờ, ông Firli đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Về vụ việc của ông Firli, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố "cần tôn trọng quy trình của pháp luật".

Ông Firli giữ chức Chủ tịch KPK từ năm 2019. Ủy ban vốn được coi là một trong những tổ chức độc lập và hoạt động hiệu quả nhất của Indonesia - đất nước xếp thứ 110/180 quốc gia theo đánh giá chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, đo lường mức độ tham nhũng trong khu vực công.

KPK đã truy tố hàng trăm chính trị gia, quan chức và doanh nhân kể từ khi thành lập, đóng góp vào công cuộc chống tham nhũng của quốc gia châu Á.

Hoài Phương