Theo Hãng thông tấn Yonhap, ngày càng có nhiều ý kiến trái chiều về việc bổ nhiệm Đại sứ tại Úc cũng như việc ông rời khỏi đất nước mặc dù phải chịu sự giám sát chặt chẽ do đang là đối tượng trong cuộc điều tra.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, đơn từ chức của ông Lee đã được chấp nhận. Tuyên bố này được đưa ra vài giờ sau khi luật sư của ông Lee cho biết, Đại sứ tại Úc bày tỏ ý định từ chức lên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

“Khi Đại sứ Lee Jong-sup thể hiện mạnh mẽ ý định từ chức, Bộ đã báo cáo việc này với Tổng thống, người có quyền bổ nhiệm và quyết định chấp nhận đơn từ chức”, Bộ Ngoại giao cho biết trong thông cáo gửi tới giới truyền thông.

Việc Đại sứ Lee từ chức diễn ra trước thềm cuộc tổng tuyển cử của Hàn Quốc vào ngày 10/4. Những tranh cãi xung quanh vụ việc của ông Lee đã trở thành vấn đề nóng hổi trong bối cảnh tâm lý cử tri ngày càng xáo động và những lo ngại thậm chí còn dấy lên từ chính nội bộ Đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền, theo Yonhap.

Ông Lee đã bị giám sát chặt kể từ khi được bổ nhiệm làm Đại sứ ở Canberra ngày 12/3, và sau khi có tiết lộ cho rằng ông đã bị cấm rời khỏi đất nước vì cuộc điều tra tham nhũng.

Ông Lee bị nghi ngờ gây ảnh hưởng quá mức đến cuộc điều tra nội bộ của thủy quân lục chiến về việc một binh sĩ có tên Chae Su-geun đã hi sinh vào tháng 7 năm ngoái trong khi thi hành nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân mất tích trong trận mưa lớn.

Những người chỉ trích nói rằng, việc bổ nhiệm ông Lee và để ông xuất cảnh đảm nhận chức vụ ngay sau khi lệnh cấm xuất cảnh đối với ông được dỡ bỏ là một quyết định khó hiểu, giống như việc giúp đỡ một nghi phạm trốn ra nước ngoài.

Ông Lee đã phủ nhận mọi hành vi sai trái.

Ngày 21/3, ông Lee trở về nước để tham dự một cuộc họp giữa các trưởng phái đoàn ngoại giao liên quan đến hợp tác công nghiệp quốc phòng, quy tụ các đại diện ngoại giao Hàn Quốc tại Úc, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Indonesia, Qatar và Ba Lan.

Một số người đưa ra suy luận rằng, cuộc họp có thể được tổ chức để tạo cớ cho ông Lee quay trở lại Hàn Quốc trong bối cảnh các chỉ trích trong nước ngày càng gia tăng. Xưa nay, chưa có tiền lệ nước này tổ chức một cuộc họp riêng như vậy.

Ngay sau khi đến Sân bay Quốc tế Incheon, ông Lee bày tỏ mong muốn Văn phòng Điều tra tham nhũng dành cho các công chức cấp cao (CIO) tiến hành thẩm vấn khi ông đang ở Seoul.

Theo luật sư của ông Lee, Kim Jae-hoon, Đại sứ dự định ở lại Seoul để làm tất cả những gì có thể nhằm “đáp ứng mọi thủ tục”.

Vị luật sư này cũng cho biết, thân chủ của mình đã nhiều lần gọi điện yêu cầu cơ quan điều tra chống tham nhũng nhanh chóng triệu tập để thẩm vấn nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi từ CIO.

Một số người suy đoán rằng, Văn phòng Tổng thống đã yêu cầu ông Lee trở về nước, tránh để tâm lý cử tri bị xáo động trước cuộc bầu cử tháng 4, theo Yonhap.

* Bộ Ngoại giao Hàn Quc điều tra Đại sứ tại Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng quyền lực

leftcenterrightdel
 Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc Chung Jae-ho. Ảnh: Yonhap

Cũng liên quan tới Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, các nguồn tin ngoại giao ngày 28/3 cho Yonhap biết, Bộ đang xem xét cáo buộc lạm dụng quyền lực của Đại sứ Hàn Quốc tại Trung Quốc, Chung Jae-ho.

Vụ việc đã được báo cáo cho Bộ Ngoại giao vào đầu tháng này bởi một quan chức được bộ khác phái đến Đại sứ quán.

Chung Jae-ho bị buộc tội gây phiền hà và đối xử một cách quan liêu, hách dịch, độc đoán với cán bộ nhân viên Đại sứ quán, một hành vi trong tiếng Hàn được gọi là "gapjil" (hành vi bắt nạt của những người có chức vụ với nhân viên cấp thấp).

Một quan chức của Bộ Ngoại giao đã xác nhận vụ việc và cho biết, đang "kiểm tra sự thật" sau khi nhận được tố cáo.

Người này cho biết: “Bộ Ngoại giao thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt trong trường hợp cán bộ của mình có hành vi sai trái, bao gồm cả lạm dụng quyền lực, dựa trên một cuộc điều tra công bằng”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lim Soo-suk cũng nói trong cuộc họp báo thường kỳ rằng, Bộ sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc.

Chung Jae-ho, cựu giáo sư Đại học Quốc gia Seoul, được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Bắc Kinh vào tháng 6/2022.
Ngọc Anh