Đó là yêu cầu của Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ tại buổi làm việc sáng nay (14/4) với Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan Khối Nội chính TP về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Đôn đốc giải quyết 36 vụ án tham nhũng

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Thế Toàn cho biết, thời gian qua, Ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính TP; chủ động tham mưu cho TP lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác nội chính, cải cách tư pháp, phòng chống tham nhũng (PCTN), lãng phí trên địa bàn.

Thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy về “nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Ban Nội chính Thành ủy đã phối hợp, đề xuất đưa 15 vụ việc, vụ án vào diện Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung chỉ đạo giải quyết.

Ngoài ra, Ban đã theo dõi, đôn đốc tiến độ giải quyết 36 vụ việc, vụ án kinh tế, tham nhũng và các vụ án, vụ việc khác nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm.

Trong năm 2019 và quý I/2020, có 13 vụ việc, vụ án đã được giải quyết xong và đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc giải quyết 23 vụ việc, vụ án còn lại…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Thành ủy cũng cho biết, công tác nội chính của TP vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, việc thực hiện các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, tính chủ động trong tự kiểm tra phát hiện sai phạm còn hạn chế.

Một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để. Nạn sách nhiễu, “tham nhũng vặt” còn diễn ra... Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, tỷ lệ thi hành án chưa đạt yêu cầu. 

Tuyệt đối không để xảy ra các tội phạm trọng án

Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác nội chính thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật như: Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp uỷ trong điều tra, xét xử, truy tố nhiều vụ án lớn; thực hiện tốt công tác điều tra ban đầu và kịp thời ngăn chặn các vụ việc mới phát sinh. Tỷ lệ xử lý kết luận sau thanh tra, kiểm tra đạt 94%...

Đặc biệt, Ban đã tham mưu ban hành Đề án số 56-ĐA/BCĐ ngày 25/11/2019 về “đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, những nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn TP”. Đây là nội dung rất có ý nghĩa, bởi “tham nhũng vặt” làm xói mòn lòng tin, rất nguy hiểm... nên phải có biện pháp ngăn chặn.   

Thời gian tới, Bí thư Thành uỷ yêu cầu, Ban Nội chính và các cơ quan Khối Nội chính phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức để tạo sự thống nhất cao trong ý thức hành động PCTN. Người đứng đầu cần đẩy mạnh điều tra, giám sát, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; chú trọng tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo…

Bên cạnh đó, đảm bảo tuyệt đối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động dự báo, nắm chắc tình hình để bảo vệ tuyệt đối mục tiêu trọng điểm và các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn Thủ đô. Đảm bảo an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP.

Tuyệt đối không để xảy ra các tội phạm trọng án và không để Hà Nội trở thành địa điểm chung chuyển ma tuý. Đấu tranh mạnh với các loại tội phạm tín dụng đen, công nghệ cao, băng nhóm có tổ chức… để đảm bảo bình yên cho Hà Nội, cả nước.

Lưu ý việc sau dịch Covid-19 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, Bí thư Thành uỷ yêu cầu, ngành Nội chính cần chủ động nắm tình hình để đưa ra phân tích, dự báo và làm tốt công tác tham mưu cho TP trong xử lý các vấn đề phát sinh.

Tập trung phối hợp Ban Cán sự Đảng UBND TP, các đơn vị liên quan đôn đốc giải quyết các tồn tại cũ và không để phát sinh các khiếu kiện mới; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ việc, vụ án.

Thực hiện mạnh Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 gắn với sàng lọc cán bộ. Nắm chắc tình hình liên quan Đại hội Đảng bộ các cấp; kiện toàn đội ngũ cán bộ cơ quan nội chính theo hướng tinh gọn, giảm khâu trung gian…

Hải Hà