Hội nghị ASEAN-PAC 18 là sự kiện thường niên của những người đứng đầu các cơ quan thành viên ASEAN-PAC nhằm thảo luận về các hoạt động hợp tác và thông qua các kế hoạch, văn kiện quan trọng của Nhóm. Chủ đề chính của Hội nghị năm nay là "Cùng nhau chống tham nhũng: Tăng cường năng lực thể chế và hợp tác chống tham nhũng ở các quốc gia ASEAN và trong ASEAN-PAC."

Tham dự hội nghị có khoảng 50 đại biểu đến từ 10 cơ quan PCTN của 10 quốc gia ASEAN. Thủ tướng Vương quốc Cam-pu-chia Samdech Techo Hun Sen đã có bài phát biểu chào mừng theo hình thức ghi hình tại phiên khai mạc.

Dưới sự chủ trì của ông Kittinitikosolbindit Om Yentieng, Bộ trưởng Cấp cao, Chủ tịch Cơ quan PCTN Cam-pu-chia, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua biên bản hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 17, Điều khoản tham chiếu về hoạt động (TOR) và kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2025 của Nhóm; tiếp tục chia sẻ những tiến triển, kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong PCTN thời gian qua. Đặc biệt, tại hội nghị lần này, đại diện lãnh đạo các cơ quan thành viên đã chính thức ký kết bản ghi nhớ hợp tác (MoU) sửa đổi của Nhóm sau một thời gian xây dựng, thảo luận, thống nhất và hoàn tất thủ tục xin phép nội bộ (thay thế cho bản MoU ký năm 2004 nhằm đáp ứng yêu cầu hợp tác trong tình hình mới). 

leftcenterrightdel
Hội nghị ASEAN-PAC 18 là sự kiện thường niên của những người đứng đầu các cơ quan thành viên ASEAN-PAC. Ảnh: Đào Phượng 

Theo bản kế hoạch hành động 2023-2025 đã được thông qua, các cơ quan thành viên ASEAN-PAC thống nhất tiếp tục theo đuổi mục tiêu thực hiện hiệu quả các điều khoản hợp tác trong MoU của Nhóm thông qua các trụ cột hành động chính: (1) Thực hiện hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC), nhất là các khuyến nghị qua chu trình đánh giá thứ nhất và thứ hai; (2) Định kỳ tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo tập huấn, cũng như duy trì và phát huy cổng thông tin điện tử của Nhóm (ASEAN-PAC Portal) nhằm góp phần để các cơ quan thành viên tăng cường năng lực, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn về PCTN; (3) Tích cực thực hiện các nghĩa vụ, cơ chế báo cáo, hợp tác với các tổ chức của ASEAN với tư cách là một thực thể liên kết với ASEAN; và (4) Tăng cường hình ảnh, vai trò của Nhóm ở khu vực và thế giới.

Về tiến triển trong công tác PCTN, tham luận của 10 cơ quan thành viên cho thấy, nhìn chung năm 2022 các quốc gia ASEAN đều có những kết quả PCTN rất đáng ghi nhận, cho thấy quyết tâm rất lớn của mỗi quốc gia trong việc đẩy lùi vấn nạn này.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện đoàn Thanh tra Chính phủ đã trình bày tham luận về tiến triển trong công tác PCTN năm 2022, khẳng định trong năm qua, Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những khó khăn chung toàn cầu và tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, song công tác PCTN tiếp tục có bước tiến mạnh, đột phá với quyết tâm chính trị cao, tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm.

leftcenterrightdel
Đại diện đoàn Thanh tra Chính phủ có tham luận về tiến triển trong công tác PCTN của Việt Nam năm 2022. Ảnh: Đào Phượng

Cũng tại hội nghị, Cơ quan PCTN Cam-pu-chia đã trình bày ý tưởng về việc xây dựng tờ rơi điện tử (e-booklet) của ASEAN-PAC, theo đó, dự kiến tờ rơi điện tử sẽ gồm các thông tin về lịch sử phát triển của ASEAN-PAC kể từ khi thành lập, trải qua các mốc quan trọng. Các cơ quan thành viên đều ủng hộ và nhất trí thông qua sáng kiến này, đưa vào kế hoạch hành động 2023-2025 để thực hiện.

Bên lề hội nghị đã diễn ra phiên họp mở của các cơ quan thành viên với đối tác quốc tế. Phiên họp mở của hội nghị năm nay tiếp tục là phiên thảo luận sôi nổi với sự tham dự của đại diện Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC). Các bên đã đi đến thống nhất sẽ tổ chức một hội thảo nâng cao năng lực cho Nhóm vào năm 2023.

Kết thúc hội nghị, các cơ quan thành viên đã thảo luận và thống nhất kế hoạch tổ chức Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 19 vào cuối năm 2023 tại Lào do Thanh tra Nhà nước Lào đăng cai tổ chức.

leftcenterrightdel
Thanh tra Chính phủ Việt Nam cùng các cơ quan thành viên ASEAN-PAC chính thức ký kết bản ghi nhớ hợp tác ASEAN-PAC (sửa đổi) tại Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 18. Ảnh: Đào Phượng 

Thanh tra Chính phủ Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả vào các hoạt động hợp tác của ASEAN-PAC trong nhiều năm qua, đặc biệt là đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên của Nhóm giai đoạn 12/2019 - 11/2021, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các cơ quan thành viên để chuẩn bị tốt cho các hội nghị ASEAN-PAC và các cuộc họp Ban Thư ký ASEAN-PAC.

Thanh tra Chính phủ cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao tiến hành các thủ tục theo quy định nhằm tiến tới cùng với các cơ quan thành viên khác chính thức ký bản ghi nhớ hợp tác sửa đổi của Nhóm (MoU) tại Hội nghị ASEAN-PAC lần thứ 18. Thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục tham gia chủ động, tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các hoạt động hợp tác của ASEAN-PAC; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện các văn kiện quan trọng của Nhóm; cử công chức tham dự đầy đủ các hội thảo đào tạo, tăng cường năng lực PCTN; tăng cường chia sẻ, cập nhật, trao đổi với các cơ quan thành viên về những tiến triển và kết quả, thực tiễn tốt trong công tác PCTN để phục vụ công tác quản lý theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Chính phủ.

Đào Phượng