Trình bày tại hội nghị, ThS Nguyễn Tuấn Anh cho biết, với mục đích làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn, đưa ra quan điểm, giải pháp, kiến nghị nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN ở Việt Nam, kết cấu đề tài có 3 phần: Phần thứ nhất: Một số vấn đề lý luận và cơ sở pháp lý về hợp tác quốc tế trong PCTN; Phần thứ 2: Thực trạng hợp tác quốc tế trong PCTN của Việt Nam giai đoạn từ 2006 đến nay; Phần thứ 3: Một số định hướng, giải pháp nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong PCTN.

Tại phần thứ nhất, đề tài đã nêu một số vấn đề lý luận như: Khái niệm, đặc điểm, mục đích và ý nghĩa, chủ thể, thẩm quyền, nội dung, phương thức, thẩm quyền, phương thức và nội dung, giá trị pháp lý của hợp tác quốc tế trong PCTN.

Cùng với đó, đề tài cũng nêu các cơ sở, chính trị và một số yếu tố ảnh hưởng đến việc hợp tác quốc tế trong PCTN.

Phần thứ 2 đã nêu thực trạng hợp tác quốc tế của Việt Nam trong PCTN giai đoạn 2006 đến nay. Theo đó, từ năm 2006 đến nay hợp tác quốc tế trong PCTN đã đưa vị thế và vai trò của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác quốc tế trong PCTN đang dần được khẳng định. Từ việc tham gia với tư cách quan sát viên để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, Việt Nam đã chuyển dần sang thế chủ động trong việc tham gia sâu, thực chất hơn vào các hoạt động hợp tác đa phương ở cả cấp độ khu vực và quốc tế, cũng như trong các hoạt động hợp tác song phương.

Năng lực xây dựng thể chế và thực thi pháp luật trong PCTN đã từng bước được tăng cường thông qua hợp tác quốc tế trong PCTN, năng lực xây dựng thể chế và thực thi pháp luật về PCTN đã có những bước tiến đáng kể.

Hoạt động hợp tác quốc tế thời gian qua, đặc biệt là các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, hợp tác trong các khuôn khổ đa phương và song phương, đã góp phần quan trọng nhằm nâng cao năng lực thực thi pháp luật về PCTN cho các cơ quan có chức năng PCTN của Việt Nam.

 Hiệu quả hợp tác quốc tế trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng đang dần được cải thiện. Có thể nói, kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN của Việt Nam trong thời gian qua đã góp phần thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế và chủ động hội nhập quốc tế với phương châm “Việt Nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”, góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, giới thiệu thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua, giúp bạn bè quốc tế hiểu và ủng hộ đường lối phát triển đất nước đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; đồng thời, góp phần phản ánh với cộng đồng thế giới quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong công tác PCTN.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế như nhận thức về vị trí, vai trò của hợp tác quốc tế trong PCTN còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, sự cần thiết và tầm quan trọng của hoạt động tương trợ tư pháp liên quan đến tội phạm tham nhũng và thu hồi tài sản; từ đó ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của quá trình, lập, gửi, thực hiện yêu cầu. Việc thực hiện tương trợ cho nước ngoài chưa được quan tâm đẩy nhanh tiến độ và nỗ lực hoàn thành đầy đủ các nội dung trên cơ sở không trái với pháp luật trong nước, có trường hợp làm ảnh hưởng đến uy tín, giảm niềm tin của nước ngoài vào hoạt động tương trợ tư pháp hình sự của Việt Nam.

Việc đề xuất tham gia, quá trình thực hiện các cam kết, tham gia các khuôn khổ hợp tác chưa chủ động, thiếu các cơ chế hợp tác hiệu quả, thực chất. Hợp tác quốc tế trong giải quyết các vụ việc, vụ án tham nhũng còn hạn chế so với yêu cầu thực tiễn về đấu tranh PCTN.

Đề tài cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế đó như: Cơ sở pháp lý cho hợp tác quốc tế trong PCTN còn nhiều bất cập, hạn chế; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành chức năng trong thực hiện hợp tác quốc tế về PCTN chưa hiệu quả; kinh phí và điều kiện đảm bảo cho hoạt động hợp tác quốc tế trong PCTN còn chưa tương xứng; năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách về hợp tác quốc tế trong PCTN còn hạn chế.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội nghị đánh giá. Ảnh: TH 

Trên cơ sở, tại phần thứ 3, đề tài đã đưa ra một số giải pháp nhằm tang cường hợp tác quốc tế trong PCTN.

Với quan điểm, hợp tác quốc tế trong PCTN phải giữ vai trò quan trọng, mang tính bao trùm, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác; phải được coi là một phương thức nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng; phải cần được tổ chức triển khai một cách thực chất, chủ động và có điều phối hơn, chủ nhiệm đề tài đã đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến về kết quả hợp tác quốc tế trong PCTN; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan trong nước; định kỳ đánh giá nhu cầu hợp tác quốc tế trong hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật trong nước; xây dựng cơ chế có hiệu quả nhằm theo dõi, đánh giá việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế trong PCTN

Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ hợp lý nhằm xây dựng đội ngũ công chức làm hợp tác quốc tế trong PCTN; phát huy vai trò của các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan thường trú ở nước ngoài hoặc phái đoàn thường thực tại các tổ chức quốc tế công. Tăng cường đàm phán, ký kết và tổ chức thực hiện có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về PCTN; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách thực hiện hợp tác quốc tế; tăng cường cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ thông tin và bố trí kinh phí phục vụ công tác hợp tác quốc tế trong PCTN; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành trong hợp tác quốc tế PCTN.

Tại hội nghị, hội đồng đánh giá cao sự chuẩn bị của đề tài, nội dung đã bám sát hoạt động hợp tác quốc tế, nhất là 5 nội dung theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, đó là phòng xử tham nhung, hình sự hoá và thực thi pháp luật, hợp tác quốc tế, thu hồi tài sản, hỗ trợ kỹ thuật…

Tuy nhiên, tại từng phần, đề tài cần bổ sung thêm phần nhận xét, đánh gián, kết luận; phần giải pháp cần nêu cụ thể những chính sách pháp luật Việt Nam trong hợp tác quốc tế về PCTN; nêu theo từng nhóm giải pháp trên cơ sở bám sát hạn chế, nguyên nhân…

Với những kết quả đạt được, hội đồng đánh giá đề nghị chủ nhiệm đề tài tiếp thu ý kiến các hội đồng để hoàn thiện tốt nhất sản phẩm nghiên cứu để nghiệm thu chính thức.

Thái Hải