Theo ThS Nguyễn Tuấn Anh, hợp tác quốc tế trong PCTN là sự phối hợp giữa các chủ thể của quan hệ quốc tế trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng ở cấp độ quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu.

Hợp tác quốc tế trong PCTN có tính chất liên ngành, “xuyên cắt” giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau. Đặc điểm này xuất phát từ bản chất tham nhũng là hành vi vi phạm trong thực thi quyền lực công trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội mà không phải ở một lĩnh vực cụ thể. Trong đó, tham nhũng thường có nguy cơ tiềm ẩn, xuất hiện trong một số lĩnh vực “nhạy cảm”, mang tính “xin - cho”, “cấp - phát” hoặc khép kín.

Mặt khác, hợp tác quốc tế trong PCTN có tính chất “công” và thuộc phạm vi điều chỉnh của công pháp quốc tế. Đặc trưng này xuất phát từ bản chất phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trước tiên và căn bản nhất vẫn thuộc về trách nhiệm chính của Nhà nước, bao gồm hệ thống các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thực hiện quyền lực nhà nước, thực thi pháp luật với đầy đủ thẩm quyền, công cụ và nguồn lực cần thiết, trên cơ sở khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Chủ nhiệm đề tài cho biết, mục đích chung nhất của hợp tác quốc tế trong PCTN là trực tiếp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Tuy nhiên, trên bình diện rộng, hợp tác quốc tế trong PCTN còn thể hiện trách nhiệm chung, góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế trong PCTN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cuộc PCTN ở từng quốc gia. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp cận với các quy tắc, chuẩn mực, quy chuẩn chung về PCTN được cộng đồng quốc tế thừa nhận, qua đó cũng khẳng định được vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế.

Ngoài ra, hợp tác quốc tế trong PCTN sẽ giúp Việt Nam, cũng như các quốc gia khác tiếp cận được với những nguyên tắc mang tính phổ quát được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong lĩnh vực PCTN.

Trong thời gian qua, việc gia nhập là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, tham gia các diễn đàn quốc tế và khu vực trong PCTN đã góp phần thúc đẩy quyết tâm chính trị, hoàn thiện thể chế pháp lý về PCTN ở Việt Nam, tiếp cận toàn diện với các chuẩn mực quốc tế trong PCTN.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH 

Do đó, việc hợp tác quốc tế trong PCTN có ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc PCTN do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý thực hiện, từ chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật trong việc thực hiện những cải cách sâu rộng, như cải cách kinh tế, cải cách hành chính, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế chống tham nhũng.

Hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực, phối hợp trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng có tính chất xuyên biên giới, xuyên quốc gia; góp phần lành mạnh hóa, thúc đẩy tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam.

“Có thể nói, tham gia vào hợp tác quốc tế đồng nghĩa đưa luật pháp quốc gia tiếp cận với “luật chơi” chung được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Khi đó, các chủ thể quốc tế sẽ dễ dàng gia nhập thị trường Việt Nam, bởi quá trình tiếp cận, thụ hưởng và tuân thủ chính sách, pháp luật được diễn ra thuận lợi và dễ dàng hơn” - chủ nhiệm đề tài cho hay.

Mặt khác, thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với các nước và khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng thế giới đấu tranh có hiệu quả chống lại tội phạm tham nhũng…

Theo ThS Nguyễn Tuấn Anh, nội dung hợp tác quốc tế trong PCTN là cùng cam kết hướng tới những nỗ lực chung trong đấu tranh PCTN ở các cấp độ khác nhau, bao gồm cả khu vực và trên thế giới, đặc biệt là việc thúc đẩy quá trình “hài hoà hoá” trong nhận diện hành vi tham nhũng; nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện thể, chính sách về PCTN; năng lực thực thi pháp luật và nhận thức của công chúng về PCTN thông qua hình thức hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị hoặc cung cấp chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan để hỗ trợ trực tiếp cho quá trình tổ chức thực hiện; hỗ trợ tổ chức các sáng kiến, sự kiện nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân, xã hội nói chung vào công tác PCTN.

Một nội dung nữa là thúc đẩy hoàn thiện cơ chế phòng ngừa tham nhũng và nâng cao hiệu quả xử lý tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng đòi hỏi phải có hoạt động hợp tác quốc tế trong một số trường hợp. Điều này cũng được ghi nhận trong UNCAC 2003 và thực tế xử lý nhiều vụ việc tham nhũng trong thời gian qua trước yêu cầu phải truy tìm, dẫn độ, chuyển giao người phạm tội tham nhũng và hồi hương tài sản tham nhũng…

Cho ý kiến tại hội thảo, các đại biểu đều đánh giá cao sự chuẩn bị của chủ nhiệm đề tài, đề tài có nội dung nghiên cứu đầy đủ, đã tập trung vào mảng của các đơn vị chuyên trách theo Chương VIII Luật PCTN và các quy định của pháp luật trong các đạo luật tố tụng liên quan đến hợp tác quốc tế về PCTN; đề tài cũng đã đưa ra một cách tổng quan nhất về hợp tác quốc tế trong PCTN.

Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị chủ nhiệm đề tài cần xây dựng lại kết cấu các đề mục lại cho phù hợp với các nội dung nghiên cứu của đề tài. Bổ sung thêm các giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc hợp tác quốc tế trong PCTN.

Thái Hải