Hợp tác quốc tế trong PCTN góp phần xây dựng vị thế quốc gia trên trường quốc tế

Theo ThS Nguyễn Tuấn Anh, hợp tác quốc tế trong PCTN  có đặc điểm là mang tính chất đa ngành, đa lĩnh vực. Đặc điểm này xuất phát từ bản chất tham nhũng là hành vi vi phạm trong thực thi quyền lực công trên tất cả các lĩnh vực không phải một lĩnh vực cụ thể. Trong đó, tham nhũng tiềm ẩn, xuất hiện trong các lĩnh vực “nhạy cảm”.

Ví dụ, Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 của Việt Nam đã chỉ ra rằng “tình hình tham nhũng diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước…”. Vì vậy, hợp tác quốc tế trong PCTN có thể diễn ra trên nhiều phương diện, ở các ngành, lĩnh vực khác nhau: Chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, pháp luật, tư pháp… Tuy nhiên, hợp tác trong lĩnh vực pháp luật luôn giữ vai trò trung tâm và có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các quốc gia.

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, hợp tác quốc tế trong PCTN có mục đích là trực tiếp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng. Trên bình diện rộng, hợp tác quốc tế trong PCTN còn thể hiện trách nhiệm chung, góp phần xây dựng hình ảnh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cuộc PCTN ở từng quốc gia. Mỗi quốc gia, với vai trò chủ đạo và dẫn dắt của Nhà nước, là chủ thể chính có trách nhiệm ban hành và triển khai chính sách, pháp luật, cũng như tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý vấn đề tham nhũng. Nhiệm vụ này được xem là điều kiện bảo đảm cho quá trình thực hiện các chức năng của Nhà nước; tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp cận với các quy tắc, chuẩn mực, quy chuẩn chung về PCTN được cộng đồng quốc tế thừa nhận, qua đó cũng khẳng định được vị thế của các quốc gia trên trường quốc tế.

Hợp tác quốc tế trong PCTN có những ý nghĩa rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Bổ sung nguồn lực quan trọng cho công cuộc PCTN do Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý thực hiện như chia sẻ thông tin, kinh nghiệm đến hỗ trợ kỹ thuật trong hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế chống tham nhũng.

Phối hợp trong việc giải quyết các vụ án tham nhũng xuyên quốc gia

Sự hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế còn có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng lực, phối hợp trong việc giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng có tính chất xuyên biên giới, xuyên quốc gia.

Đồng thời, góp phần lành mạnh hóa, thúc đẩy tính cạnh tranh và tăng sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam; thể hiện thiện chí sẵn sàng hợp tác với các nước và khẳng định quyết tâm của Việt Nam cùng thế giới đấu tranh có hiệu quả chống lại tội phạm tham nhũng. Chủ trương của Việt Nam trên trường quốc tế thể hiện ở nguyên tắc “là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”.

Phương châm này cần phải được cụ thể hóa bằng những quyết sách của Đảng và Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực đối ngoại. Đối với công tác PCTN tham gia vào các quan hệ hợp tác quốc tế sẽ thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc trở thành một thành viên tích cực, trách nhiệm trong “cuộc chiến chung” mang tính toàn cầu về PCTN.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: TH

Theo ThS Nguyễn Tuấn Anh, hợp tác quốc tế trong PCTN được thực hiện bằng nhiều biện pháp trên những lĩnh vực khác nhau nhưng hợp tác trong lĩnh vực pháp luật, lĩnh vực pháp lý giữ vai trò trung tâm, là nền tảng của hợp tác quốc tế trong PCTN.

Nội dung hợp tác quốc tế trong PCTN đó là, thúc đẩy quá trình “hài hoà hoá” trong nhận diện hành vi tham nhũng. Mặc dù tham nhũng ở các quốc gia có một số đặc điểm đặc thù nhưng nhìn chung vẫn có những điểm chung và được cộng đồng quốc tế thừa nhận. Nhà nước thông qua việc tham gia các điều ước quốc tế, đặc biệt là các điều ước có tính ràng buộc về hiệu lực pháp lý như UNCAC cũng cần có những điều chỉnh phù hợp đối với quy định của pháp luật để thể hiện quan điểm rõ ràng về việc nhận diện về các dấu hiệu, yếu tố cấu thành hành vi tham nhũng (chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan) nhằm nâng cao mức độ tuân thủ các cam kết quốc tế, qua đó đáp ứng với chuẩn mực chung của quốc tế.

Đồng thời, nâng cao năng lực xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách về PCTN; năng lực thực thi pháp luật và nhận thức của công chúng về PCTN thông qua hình thức hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm các hoạt động đào tạo, tập huấn, hội thảo, hội nghị hoặc cung cấp chuyên gia có kinh nghiệm trong các lĩnh vực có liên quan để hỗ trợ trực tiếp cho quá trình tổ chức thực hiện; hỗ trợ tổ chức các sáng kiến, sự kiện nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của người dân, xã hội nói chung vào công tác PCTN.

Ngoài ra, thiết lập các cơ chế phát hiện tham nhũng. Phát hiện tham nhũng đòi hỏi các chủ thể có thẩm quyền phải thực hiện các biện pháp làm rõ có hay không có hành vi tham nhũng. Việc chứng minh một chủ thể đã thực hiện hành vi tham nhũng trong trường hợp phải có sự phối hợp giữa các quốc gia, nhất là các vụ việc liên quan đến người, tài sản ở nước ngoài. Ví dụ, tại Việt Nam, vụ việc Vinalines qua điều tra cho thấy hành vi tham nhũng liên quan đến đối tác tại Singapore, Nga… Điều đó đòi hỏi phải có sự hợp tác với các quốc gia liên quan.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả xử lý tham nhũng, Ban Chủ nhiệm cho biết, xử lý tham nhũng gồm 2 nội dung chính là xử lý người có hành vi tham nhũng và xử lý tài sản tham nhũng. Việc xử lý tham nhũng đòi hỏi phải có hoạt động hợp tác quốc tế trong một số trường hợp. Điều này cũng được ghi nhận trong UNCAC 2003 và thực tế xử lý nhiều vụ việc tham nhũng trong thời gian qua trước yêu cầu phải truy tìm, dẫn độ, chuyển giao người phạm tội tham nhũng và hồi hương tài sản tham nhũng.

Cho ý kiến vào đề tài, các đại biểu đánh giá sản phẩm đề tài có nhiều thông tin, nhiều kinh nghiệm trong thực tế về hợp tác quốc tế trong PCTN, bố trí sắp xếp khoa học bài bản, trường thông tin thiết thực, tính khả thi cao, vận dụng trong thực tế. Đề tài có nhiều thông tin bổ ích về hợp tác quốc tế trong PCTN trong thực tế…

Tuy nhiên nội dung giữa các chương còn dàn trải, đề nghị Ban Chủ nhiệm hoàn chỉnh các dữ liệu thông tin tại các phần lý luận và thực trạng một cách logic hơn. Việc đánh giá thực trạng cần phải rõ ràng, thực tế. Cần bổ sung kinh nghiệm hợp tác quốc tế về PCTN ở các quốc gia khác…

Thái Hải