Tại buổi làm việc, hai bên đã cùng nhau trao đổi về xây dựng hoàn thiện thể chế về PCTN; hợp tác quốc tế về PCTN.

Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục PCTN đã giới thiệu với đoàn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của TTCP trong công tác PCTN, cũng như tiến triển mà Việt Nam đã đạt được trong công tác PCTN thời gian qua.

Ông Hùng cho biết, từ năm 2018 đến nay, TTCP đã tham mưu ban hành, đánh giá, tổng kết nhiều chính sách, văn bản pháp luật quan trọng trong công tác PCTN như: Luật PCTN và Luật Tố cáo sửa đổi (2018); Luật Thanh tra sửa đổi (2022) và các nghị định hướng dẫn các luật này; xây dựng Chiến lược Quốc gia PTCN đến năm 2030; Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập” (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt năm 2022).

Công tác tuyên truyền luôn được quan tâm, đẩy mạnh, thực hiện thường xuyên, liên tục, được đông đảo cán bộ, công chức tham gia và hưởng ứng. Hằng năm, TTCP đều ban hành kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. TTCP đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN cho cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2019-2021.

Nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN được thực hiện hiệu quả: Biên soạn các tài liệu, sách tuyên truyền về các văn bản pháp luật mới được ban hành; tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của TTCP; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; cử cán bộ có kinh nghiệm tham gia giảng dạy, phổ biến, tuyên truyền theo đề nghị của bộ, ngành, địa phương; tổ chức các hội nghị, tập huấn về PCTN; tài liệu tuyên truyền Luật PCTN được dịch ra 5 thứ tiếng dân tộc thiểu số. 

Mặt khác, với vai trò giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác PCTN, hằng năm, TTCP chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng như: Thực hiện công khai, minh bạch về tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; xây dựng các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn; tổ chức thanh tra, kiểm tra thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn; thực hiện quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn; kiểm soát xung đột lợi ích; thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, đơn vị mình quản lý…

Cùng với đó, TTCP tổ chức thực hiện tốt tất cả các giải pháp trên để phòng ngừa tham nhũng trong cơ quan. Định kỳ, TTCP yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh báo cáo về PCTN; tổng hợp, tổng kết kinh nghiệm, báo cáo kết quả công tác PCTN thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Chính phủ.

Hằng năm, TTCP giúp Chính phủ xây dựng báo cáo công tác PCTN của Chính phủ để báo cáo trước Quốc hội.

TTCP đã xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh hàng năm (PACA index) và hàng năm tiến hành đánh giá đối với các địa phương cả nước; TTCP đang thí điểm đánh giá công tác PCTN đối với một số bộ (Bộ Tài chính, Bộ Công thương)…

Về hợp tác quốc tế về PCTN, TTCP đã thực hiện chức năng cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC); thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên UNCAC khi tham dự tích cực, đầy đủ các hoạt động thường niên trong khuôn khổ UNCAC. 

TTCP đã ký kết 17 thỏa thuận hợp tác song phương về PTCN và đẩy mạnh thực hiện các nội dung song phương theo thỏa thuận đã ký kết; thực hiện tốt các cam kết, nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam trong khuôn khổ các diễn đàn, cơ chế hợp tác đa phương (như APEC, ACI, ASEAN-PAC, AOA…) mà TTCP là thành viên hoặc là đại diện của Việt Nam tham gia với tư cách thành viên; tiếp nhận nguồn hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác phát triển để đào tạo, tăng cường năng lực cho cán bộ ngành Thanh tra…

Trao đổi về việc nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng của TTCP, đại diện Cục PCTN cho biết, TTCP tổ chức, chỉ đạo thực hiện chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong PCTN; chỉ đạo, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ đối với đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra. 

Về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác PCTN trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hùng cho biết, sẽ ban hành Chiến lược Quốc gia PCTN và Kế hoạch thực hiện UNCAC cho giai đoạn đến năm 2030.  

Bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCTN, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các quy định về PCTN trong khu vực ngoài Nhà nước.

Tiếp tục củng cố, hoàn thiện mô hình tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan có chức năng về PCTN, tiêu cực. 

Tăng cường hợp tác quốc tế về PCTN, nhất là các hoạt động tương trợ tư pháp, dẫn độ tội phạm bỏ trốn, truy thu tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài; mở rộng các hoạt động hợp tác song phương và đa phương về công tác PCTN theo hướng tiếp tục duy trì quan hệ tốt với các nước tham gia UNCAC và các nước mà Việt Nam đã ký kết hiệp định.  

Tăng cường các biện pháp PCTN khu vực ngoài nhà nước, phát huy vai trò của xã hội trong đấu tranh, phát hiện tham nhũng, nhất là vai trò của báo chí, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội…

Chia sẻ thêm kinh nghiệm về quá trình kê khai tài sản và công khai minh bạch tại Việt Nam, đại diện Cục PCTN cho biết, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn ở Việt Nam được xem là một trong những biện pháp quan trọng nhằm PCTN, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Quy định về quy trình, thủ tục ngày càng hoàn thiện ở các khâu từ tổ chức kê khai, công khai, bản kê khai tài sản thu nhập.

Hằng năm, TTCP tham mưu giúp Chính phủ ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn việc kê khai tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước; tiến hành hoạt động về tuyên truyền phổ biến việc kê khai, công khai, quản lý bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức…

Đối với câu hỏi làm cách nào để TTCP đảm bảo cho quá trình điều tra được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đại diện TTCP cho biết, TTCP không có chức năng điều tra theo trình tự tố tụng như cơ quan công an, viện kiểm sát. Các hoạt động thanh tra được thực hiện theo trình tự, thủ tục của Luật Thanh tra….

Kết thúc buổi làm việc, ông Su Ra Pongin Taratha Won cảm ơn lãnh đạo Cục PCTN đã chia sẻ những điều bổ ích, những chính sách của Việt Nam về PCTN. Đồng thời khẳng định những chia sẻ này sẽ đem lại bài học bổ ích cho những cán bộ làm công tác chống tham nhũng tại Thái Lan.

Thái Hải