Chia tiền hối lộ theo tỉ lệ chức vụ

Hơn hai tháng qua, lực lượng công an tại 28 địa phương trên cả nước đã khởi tố 42 vụ án, khám xét 62 TTĐK, 4 chi cục đăng kiểm, cơ quan chức năng đã khởi tố 379 bị can về 7 tội danh như: Môi giới hối lộ; đưa hối lộ; nhận hối lộ; giả mạo trong công tác; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc đặt các công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; che giấu tội phạm; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Hiện chưa có kết luận điều tra chính thức, nhưng qua kết quả xác minh ban đầu cho thấy, trong các vụ án xảy ra tại TTĐK, lãnh đạo và nhân viên đã móc nối với đối tượng bên ngoài để nhận hối lộ nhằm bỏ qua sai phạm, lập hồ sơ khống cải tạo xe cơ giới không đúng quy định. Số tiền thu lợi bất chính được các đối tượng dùng để đối ngoại và ăn chia theo tỉ lệ.

Đơn cử, tại TTĐK 29-02V trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Gia Lâm đã triệu tập làm việc với ông Đào Mạnh Thắng (SN 1970, quê ở Hải Dương), Giám đốc, cùng các đăng kiểm viên và cán bộ, công nhân viên thuộc TTĐK. Tại cơ quan điều tra, Thắng và một số đăng kiểm viên đã khai nhận hành vi nhận tiền của lái xe ôtô đến đăng kiểm để bỏ qua các lỗi nhỏ phát hiện trong quá trình đăng kiểm.

Cụ thể, từ tháng 11/2019 đến tháng 12/2022, Thắng chỉ đạo các đăng kiểm viên nhận tiền của các lái xe ôtô đến đăng kiểm để bỏ qua một số lỗi trong quá trình đăng kiểm. Hàng ngày, Thắng được chung chia theo tỉ lệ hệ số 1:4; mỗi ngày được chia từ 200 đến 500 nghìn đồng tùy theo ngày thu được nhiều hay ít. Thắng khai tổng số tiền TTĐK nhận được từ lái xe ôtô trong thời gian này vào khoảng 500 đến 600 triệu đồng. Riêng cá nhân Thắng được chia khoảng 90 triệu đồng, mỗi đăng kiểm viên được khoảng 40 - 50 triệu đồng, nhân viên văn phòng được khoảng 20 triệu đồng.

Cũng trên địa bàn huyện Gia Lâm, tại TTĐK 29-02S thì tỉ lệ “ăn chia” số tiền nhận hối lộ là 3:1. Theo đó, các đăng kiểm viên thu tiền của các lái xe đến đăng kiểm nộp lại cho một đầu mối. Sau khi tập hợp tiền sẽ thực hiện việc chia lại cho trưởng, phó trung tâm, các đăng kiểm viên và nhân viên trong trung tâm mỗi tháng 2 lần vào đầu tháng và cuối tháng theo tỉ lệ: Trưởng trung tâm 3 phần; phó trưởng trung tâm 2,5 phần; đăng kiểm viên 2 phần và nhân viên văn phòng 1 phần.

Điều đáng nói, quá trình sai phạm tại các TTĐK diễn ra trong một thời gian dài, số tiền thu lợi bất chính của các đối tượng cũng không hề nhỏ. Tại TTĐK 29-10D quận Hoàng Mai, Trưởng Trung tâm là Vũ Mạnh Cường (SN 1974) đã “bật đèn xanh” cho các đăng kiểm viên thu tiền của khách đến đăng kiểm xe để bỏ qua lỗi vi phạm như: Thiếu dây an toàn ghế sau, thiếu búa phá cửa, thiếu gạt mưa, xe đổi màu sơn, xe hỏng một đèn phanh, hỏng đèn lùi, hỏng đèn biển số, chảy dầu, cầu xe, hộp số… Từ năm 2018 - 2022, các đối tượng đã nhận hối lộ khoảng 5 tỷ đồng, tùy theo chức vụ, mỗi người sau đó được chia lại từ 2 - 10 triệu đồng/tháng.

Hé lộ những độc chiêu nhận tiền để bỏ qua lỗi

Dường như đã thành “mẫu số chung” tại các TTĐK, đó là trong quá trình đăng kiểm, nếu phát hiện lỗi của phương tiện (lỗi về đèn, phanh, khí thải...) thì đăng kiểm viên sẽ trực tiếp nhận tiền của các chủ phương tiện để bỏ qua các lỗi và cấp tem chứng nhận kiểm định đủ điều kiện lưu thông trên đường. Số tiền nhận từ chủ phương tiện dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng/1 phương tiện, tùy theo mức độ lỗi. Nhưng để có nhiều tiền hơn, không ít các TTĐK và đăng kiểm viên sẵn sàng giả mạo hồ sơ cải tạo phương tiện, ký khống biên bản nghiệm thu cải tạo nhằm hợp thức hoá hồ sơ cho các phương tiện không đủ điều kiện theo quy định.

Tại TTĐK 29-21D huyện Hoài Đức, Hà Nội, cơ quan công an đã làm rõ sai phạm khi một số chủ phương tiện đến TTĐK này để làm thủ tục cải tạo (hoán cải) nhưng chưa đủ các loại giấy tờ theo quy định như: Biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo; văn bản đề nghị nghiệm thu chất lượng xe cơ giới cải tạo… Thay vì yêu cầu chủ phương tiện mang xe đến các cơ sở thi công, cải tạo, Phó Giám đốc Trung tâm 29-21D Nguyễn Văn Định đã tiếp nhận hồ sơ và tự ký khống vào mục ghi “cán bộ kỹ thuật” trong “biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo” và mục “đại diện đơn vị thi công” trong “biên bản kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo”. Với mỗi bộ hồ sơ, Định thu trên dưới 1 triệu đồng.

Không chỉ vậy, đăng kiểm viên đã thông đồng với đơn vị thiết kế xe cơ giới cải tạo để đơn vị này ký khống trước phần “đại diện đơn vị thi công”, để trống giấy trắng ở phần trên sao cho vừa nội dung của “biên bản nghiệm thu xuất xưởng xe cơ giới cải tạo” rồi in chèn thông tin chủ xe, phương tiện đến đăng kiểm. Bằng cách này, đối tượng đã hợp thức hóa các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện “hoán cải”. Cá biệt, tại TTĐK 88-03D trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, cán bộ nhân viên kết nối với đơn vị thiết kế để hợp thức hồ sơ thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe và cấp giấy chứng nhận. Mỗi xe, các đối tượng thu từ 9 - 11 triệu đồng, số tiền thu được sẽ chia nhau, trong đó có phần “đối ngoại” với cán bộ thẩm định của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Liên quan đến việc điều tra, xử lý sai phạm, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, hiện công an các tỉnh, địa phương đang tiếp tục điều tra mở rộng các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm. Với mảng hoán cải, thay đổi mục đích của các phương tiện… cũng có rất nhiều tiêu cực. Một số nhân viên của phòng kiểm định ở các chi cục đăng kiểm còn lập ra những công ty “sân sau” hoặc móc nối với các công ty có ngành nghề hoạt động về thiết kế, thi công, cải tạo xe cơ giới để bỏ qua lỗi trong quá trình thẩm định. Thậm chí, có trường hợp còn lập hồ sơ giả trong thi công, hoán cải cho xe đã cải tạo rồi để hợp thức hóa... Trong thời gian tới, cơ quan công an tiếp tục làm rõ để đưa hoạt động đăng kiểm về đúng mục đích ban đầu.