13 giờ 38 phút ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta, đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào, chiến sỹ cả nước.

Với 80 năm tuổi đời, 57 năm tuổi Đảng, con người của Tổng Bí thư là hình mẫu về đạo đức cách mạng khiêm tốn, giản dị, gần gũi với đồng chí, với Nhân dân.

Người truyền lửa chống “giặc nội xâm”

Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy”, đó là lời nói có “thép” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tổ chức ngày 31/7/2017. Lời nói ấy, đã gây xúc động cho toàn thể Nhân dân nói chung và mỗi cán bộ ngành Thanh tra nói riêng. Để hôm nay, mỗi người Việt Nam nhớ về ông như một người đã thắp lên ngọn lửa hồng rực, thiêu cháy và xua đi những tiêu cực, nhũng nhiễu, làm ấm nồng ngọn lửa niềm tin của dân đối với Đảng.

Còn nhớ cách đây hơn 12 năm, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với mong muốn, quyết tâm tạo bước chuyển mới, mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Thực hiện chủ trương này, ngày 1/2/2013, Ban Chỉ đạo đã chính thức được thành lập và bắt đầu triển khai các hoạt động, với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan có liên quan của Đảng và Nhà nước.

Với cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hơn 11 năm qua, đồng chí Tổng Bí thư đã nhận định “công tác phát hiện và xử lý tham nhũng đã được chỉ đạo và thực hiện một cách bài bản, đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng, khẳng định quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và không chịu sức ép của bất kỳ cá nhân nào"”.

leftcenterrightdel
 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023. Ảnh: T.Dũng

Hơn ai hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thấy rằng công cuộc chống “giặc nội xâm", giữ gìn sự trong sạch, vững mạnh của Đảng và hệ thống chính trị; củng cố, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ta là vô cùng quan trọng, liên quan đến sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, trong 10 năm qua, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm gần 16.000 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế với hơn 30.300 bị cáo.

Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo gần 1.000 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ; trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 313 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 120 vụ án, 1.083 bị cáo, trong đó có 37 cán bộ diện Trung ương quản lý, bị xử lý hình sự…

Ngành Thanh tra giữ lửa chống tham nhũng

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời qua, ngành Thanh tra đã có nhiều cố gắng, công tâm, khách quan, làm rõ các sai phạm; đã kiến nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có liên quan, thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước; nhất là đã tập trung vào các lĩnh vực có nhiều dư luận về tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; kiến nghị xử lý nghiêm và công khai các sai phạm liên quan đến nhiều dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.

leftcenterrightdel
Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được ngành Thanh tra phát huy trong các lĩnh vực công tác, để từ đó thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ảnh: TT 

Công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kỷ luật vừa là chức năng, vừa là phương thức lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước. Cơ quan thanh tra, công chức, viên chức thanh tra được trao quyền hạn nhất định trong thực thi nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, được ví như “bảo kiếm”, “lá chắn”, góp phần giữ vững quy định của Ðảng, sự nghiêm minh của pháp luật. Cũng bởi vậy, bảo vệ cán bộ thanh tra, kiểm toán trước nguy cơ tha hóa quyền lực, tiêu cực rất được Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quan tâm.

Tại phiên họp thứ 13 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 22/1/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo: "Kiên quyết loại khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước (nhất là trong cơ quan phòng, chống tham nhũng) những cán bộ hư hỏng, tham nhũng”.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, thực sự trở thành “thanh bảo kiếm” sắc bén trong thực hiện chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo toàn diện của Ðảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngày 27/10/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 131-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Đây là một văn bản rất quan trọng mà mỗi cán bộ thanh tra đều cần nghiên cứu, quán triệt và nghiêm túc thực hiện.

Ngày 28/12/2023, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ ban hành Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ thực hiện Quy định số 131-QĐ/TW, tại đó đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, các cấp uỷ trực thuộc phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, nhất là những đơn vị có chức năng thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cụ thể hoá những nội dung nêu trong Quy định số 131-QĐ/TW vào chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chính trị phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị; chỉ đạo tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, công chức đối với nhiệm vụ kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc kiến nghị xử lý mọi hành vi vi phạm.

Thông qua Kế hoạch số 25-KH/BCSĐ, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Thanh tra Chính phủ đã chú ý công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, đảng viên đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, cục, vụ, đơn vị, tổ chức đoàn thể và toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ.

Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2024, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã triển khai việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác công chức theo Luật Phòng chống tham nhũng đối với các cán bộ công tác trên 10 năm. Việc luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác công chức lần này thực hiện theo Kế hoạch 766/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã đạt được các mục tiêu mà Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ đã đề ra là thực hiện Quy định số 131-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng trong nội bộ cơ quan thanh tra và thực hiện các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng trong chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; đồng thời qua đó để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ trên các mặt công tác.

leftcenterrightdel
Từ năm 2023 đến nay đánh dấu thời kỳ thực hiện mạnh mẽ công tác luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác cán bộ tại Thanh tra Chính phủ. Ảnh: TT 

Xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thanh tra nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà cần phải phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ thanh tra. Bởi như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mới là gốc của tham nhũng. Tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả.

Tổng Bí thư đã kết luận: “Phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”. Cho nên, thực hiện việc luân chuyển, điều động cán bộ phải được cân nhắc kỹ càng, khách quan, công tâm; xác định những biểu hiện, nhận diện và áp dụng các biện pháp phòng, chống chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, chạy điều động cán bộ.

Chính nhờ sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, giai đoạn 2023-2027 (thực hiện Kế hoạch 766/KH-TTCP), nhất là từ năm 2023 đến nay đánh dấu thời kỳ thực hiện mạnh mẽ công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm và chuyển đổi vị trí công tác đối với trên 40 trường hợp lãnh đạo cấp vụ; điều động, bổ nhiệm và chuyển đổi vị trí công tác đối với lãnh đạo cấp phòng và điều động, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo trên 35 trường hợp tại Thanh tra Chính phủ. Đây là lần đầu tiên Thanh tra Chính phủ có một cuộc điều chuyển với quy mô và số lượng lớn như vậy.

Còn nhớ, tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2012-2022 được tổ chức ngày 30/6/2022 tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Tôi đã nhiều lần nói rằng: Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm, là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng; nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh về kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm, và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người; và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây"".

Những chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đối với công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ tiếp tục được ngành Thanh tra phát huy trong các lĩnh vực công tác, để từ đó thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, góp phần tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Ngọc Anh