Theo dõi Báo Thanh tra trên
Ngọc Bích (Thực hiện)
Thứ năm, 01/05/2025 - 09:00
(Thanh tra) - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại, tạo ra "gánh nặng" vô hình đối với doanh nghiệp tư nhân, làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh và gây tâm lý e ngại khi mở rộng đầu tư. Những biểu hiện cụ thể của hiện tượng này là gì? Đâu là giải pháp khắc phục những tồn tại này để giúp doanh nghiệp tư nhân Việt Nam mở ra kỷ nguyên vươn mình?
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội. Ảnh: Đình Tuệ
Xung quanh vấn đề nhũng nhiễu và chi phí không chính thức vẫn đang tồn tại, "gây khó" cho doanh nghiệp tư nhân, Báo Thanh tra đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội.
+ PV: Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân: Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ “hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại…”. Những biểu hiện cụ thể của hiện tượng này là gì thưa ông?
- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Có thể nói, nhũng nhiễu là anh em đồng hành với tham nhũng. Tham nhũng được hiểu là ở cấp độ lớn hơn, song nhũng nhiễu có mặt ở tất cả các cấp, đặc biệt ở cấp trung gian, cấp dưới, cấp trực tiếp quản lý doanh nghiệp.
Nhũng nhiễu, chi phí không chính thức đã được nhận diện trong rất nhiều hoạt động quản lý Nhà nước. Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2006 cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức là 70%, và gần đây đã giảm xuống còn 33,3% (năm 2023), cho thấy có sự cải thiện.
Tuy nhiên, tôi đã có dịp tiếp xúc với lãnh đạo các hiệp hội kinh tế, doanh nghiệp. Họ cho hay, tên gọi các khoản chi có thể thay đổi, lý do chi có thể thay đổi, nhưng tổng số chi thì không thay đổi đáng kể! Điều này cho thấy, nhũng nhiễu vẫn hoành hành.
Nhũng nhiễu ở dưới các dạng khác nhau như quà biếu, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan, đoàn thể hay cá nhân nào đó có chức vụ, quyền hạn. Có thể là việc phải biếu xén để làm vừa lòng ai đấy, để từ đó họ tạo điều kiện thuận lợi hơn trong vấn đề thực hiện các thủ tục quản lý Nhà nước.
Đặc biệt, nhũng nhiễu rất rõ khi người dân, doanh nghiệp đến với cơ quan Nhà nước ở các công sở. Đơn cử như việc giải thích một văn bản có sự khác nhau, tùy hứng, tùy điều kiện, tùy nhận thức và thậm chí tùy mục tiêu, mục đích của người giải thích. Lúc giải thích như thế này, lúc như thế kia, hoặc “tế nhị” hơn, lúc này nói một câu, mai lại nói một câu, để doanh nghiệp phải đi đi về về rất phiền toái, rất tốn kém.
Và lúc này, doanh nghiệp hiểu rằng, nếu mình không có quà biếu, không đáp ứng nhũng nhiễu thì mình còn bị “hành” nữa.
Nếu hỏi một cách khách quan các doanh nghiệp và người dân thì có thể họ sẽ chỉ ra hàng trăm, hàng nghìn biểu hiện khác nhau của nhũng nhiễu... Nó còn tạo ra tình trạng “trên trải thảm dưới rải đinh” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
Có thể thấy, những biểu hiện của nhũng nhiễu vô cùng đa dạng và ngày càng tinh vi, buộc người dân, doanh nghiệp hiểu phải có một khoản chi nhất định cho việc mình đang muốn để nhận được cái gọi là “hỗ trợ” hay “sự thuận lợi” mà công chức, viên chức đưa ra.
Nhũng nhiễu còn thể hiện ở chỗ, khi đưa ra các yêu cầu về thanh quyết toán, cán bộ Nhà nước có thể có biểu hiện “vạch lá tìm sâu” hoặc là vạch vòi, gây ức chế, tạo ra những khó khăn một cách không chính đáng, không chính danh. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần.
Tóm lại, nhũng nhiễu dù có rất nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng đọc vị chung là tạo ra những cái khó, những cái không thể, buộc doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để tổn phí thời gian, trí tuệ, tiền nong, tổn phí các cơ hội sản xuất. Để từ đó doanh nghiệp hiểu rằng phải bôi trơn, phải chi tiêu để làm hài lòng người đang quản lý mình. Đây chính là đọc vị, nhận diện cao nhất.
Nếu hỏi một cách khách quan các doanh nghiệp và người dân thì có thể họ sẽ chỉ ra hàng trăm, hàng nghìn biểu hiện khác nhau của nhũng nhiễu. Và, nhũng nhiễu nguy hiểm ở chỗ, phạm vi hoạt động của nó lan rộng trong cộng đồng người dân, doanh nghiệp. Nó còn tạo ra tình trạng “trên trải thảm dưới rải đinh” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói.
Nhũng nhiễu làm tăng chi phí không chính thức của doanh nghiệp, thậm chí làm mất đi các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Hơn nữa, có thể tạo ra những tranh chấp về hợp đồng. Bởi khi doanh nghiệp đến cơ quan Nhà nước thực hiện thủ tục mà gặp nhũng nhiễu, khiến bị chậm tiến độ thanh quyết toán, chậm tiến độ hợp đồng thì họ bị phạt rất nặng và chi phí cơ hội của họ rất cao. Tất cả tạo ra những tổn phí cả vi mô, vĩ mô, cả tinh thần, vật chất, thời gian rất lớn.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, việc tập trung xử lý giảm thiểu nhũng nhiễu là cực kỳ quan trọng và đây cũng là tinh thần mà Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo trong bài viết của mình.
+ PV: Thực tế, vấn đề “nhũng nhiễu, chi phí không chính thức” ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các doanh nghiệp tư nhân thưa ông?
- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Báo cáo PCI cho thấy, nhũng nhiễu, chi phí bôi trơn mất khoảng 10 - 20% tổng doanh thu của doanh nghiệp. Tức là nhũng nhiễu làm đội giá, tạo nên tổng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Và tất cả những cái đó đương nhiên doanh nghiệp sẽ cộng vào giá chi phí đầu vào, làm tăng giá bán ra.
Điều này có thể làm mất sức cạnh tranh so với các đối thủ khác, chưa kể sẽ tạo ra một tầng lớp ngày càng ăn bám, ngày càng giàu có một cách không chính đáng. Nó làm tổn hại, thui chột, làm lệch các nguồn lực của xã hội và gây ra những tổn phí không thể chỉ tính được bằng tiền, không phải chỉ được tính cho giá của sản xuất hàng hóa bán ra, mà tạo ra sức ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư kinh doanh. Đặc biệt, có thể ngăn cản những dòng đầu tư cả trong nước và nước ngoài, trong lĩnh vực công nghệ cao cũng như các lĩnh vực cần thiết cho sự phát triển.
+ PV: Vậy thưa ông, đâu là giải pháp để giải quyết những hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức trong hoạt động của doanh nghiệp tư nhân?
- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Theo tôi, những chế tài để giải quyết hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức trong hoạt động của doanh nghiệp tư nhân đã có trong các luật, bộ luật, đặc biệt là Luật Phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, thực tiễn cho thấy cần lưu ý một số điểm để thực hiện tốt việc ngăn chặn nhũng nhiễu, chi phí không chính thức trong hoạt động của doanh nghiệp tư nhân.
Thứ nhất, phải tuyên truyền tích cực tất cả biểu hiện, hành vi cũng như tinh thần của luật liên quan đến vấn đề phòng, chống nhũng nhiễu, chi phí không chính thức và kèm theo đó là công bố những chế tài nghiêm khắc, nếu chưa đủ nghiêm thì phải điều chỉnh để nghiêm hơn, cho tất cả người dân, cộng đồng doanh nghiệp và công chức trong vấn đề thực hiện. Để từ đó, họ hiểu rằng nếu vi phạm sẽ bị phạt như thế nào và những hành vi nào bị cấm.
Thứ hai, qua theo dõi, tôi đánh giá rất cao Tổng cục Hải quan đã định danh hơn 300 hành vi vi phạm của cán bộ, công chức để chống phiền hà, sách nhiễu. Tương ứng với mỗi hành vi vi phạm đều có chế tài xử lý cụ thể như nhắc nhở, phê bình, hạ phân xếp loại, buộc thôi việc... Những ngành khác, trên cơ sở các biểu hiện suy thoái, tham nhũng, nhũng nhiễu mà Đảng, Nhà nước đã đưa ra, cũng cần thiết cụ thể hóa trong ngành mình, trong cơ quan, đơn vị mình danh mục các hành vi không được phép.
Thêm vào đó là những chế tài cần thiết để xây dựng quy chế làm việc của đơn vị. Từ đó, buộc các công chức, viên chức phải nắm được, tuân thủ.
Bên cạnh đó, cũng công khai cho người dân biết để họ nhận diện và giám sát, để người dân có thể trở thành công cụ để phòng, chống hiện tượng nhũng nhiễu.
Tôi đánh giá rất cao ngành Thanh tra đã có những quy định về nhận diện các biểu hiện nhũng nhiễu để tạo sức răn đe cho cán bộ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần thiết bổ sung thêm những hành vi khác về phía doanh nghiệp để các doanh nghiệp nhận diện và cùng với ngành Thanh tra ngăn chặn những hiện tượng nhũng nhiễu.
Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng phải nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ của mình lên. Thực tế cho thấy, có rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp muốn có lợi thế chen ngang của người đi sau nên nảy sinh nhũng nhiễu, cố tình đưa tiền để có được lợi thế vượt trội so với các đối thủ. Như vậy, không phải là vô tội.
Để ngăn ngừa nhũng nhiễu thì phải bao gồm cả hai phía, phía không nhận nhũng nhiễu và phía không được phép đưa nhũng nhiễu. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng giám sát giữa các doanh nghiệp với nhau và đặc biệt là tăng cường giám sát của báo chí, truyền thông, của các hiệp hội và Nhân dân.
Thứ ba, đó là vấn đề tăng cường áp dụng công nghệ thông tin. Chúng ta có một thể chế tốt, nhưng phải có một hình thức giao tiếp, làm sao để tất cả công khai, minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng, giảm thiểu chi phí và tiếp xúc trực tiếp, tránh giải thích dài dòng, tránh giải thích theo kiểu chủ quan.
Tất cả những điều đó sẽ giúp giảm thiểu nhũng nhiễu, các chi phí không chính thức và đồng thời tăng tính công khai, minh bạch.
Thứ tư, một điều quan trọng cả trong thể chế và trong thực hiện, đó là phải phân công, phân cấp nhiệm vụ theo đúng nguyên tắc “5 rõ” như chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng như của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả. Từ đó, giảm thiểu tất cả điều gây khó dễ, nhũng nhiễu doanh nghiệp.
Khi đã có “5 rõ”, cộng với trong quy trình phân công, phân cấp của các cơ quan chức năng rõ đầu việc, rõ chức năng để tránh chồng chéo, tránh tình trạng nhiều người cùng có quyền nhưng không ai chịu trách nhiệm thì sẽ có kết quả tốt.
Đặc biệt, hy vọng sau tinh gọn, mọi điều được rõ ràng thì chắc chắn công tác phòng, chống tham nhũng nói chung, nhũng nhiễu nói riêng sẽ có sức bật mới và tạo ra kết quả mới, từ đó sẽ tác động tích cực đến toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.
Thứ năm, thực tế cho thấy, trong ngành Tòa án hay có án lệ, những vụ tiêu biểu. Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng nên có những vụ như vậy, xử lý thật nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu với các tình tiết thật điển hình, công bố công khai để làm tấm gương cho đội ngũ cán bộ, công chức cũng như tuyên truyền rộng rãi trong xã hội để tạo ra một sự răn đe, ngăn chặn từ xa, từ sớm.
Một hành vi bị kỷ luật nghiêm, thậm chí có thể là án tù cho nhũng nhiễu, kể cả nhũng nhiễu nhỏ, chúng ta tin rằng điều này sẽ tạo ra được sự thay đổi.
Cuối cùng, tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải áp dụng một “cơ chế KPI”. Tức là quản lý về hoàn thành nhiệm vụ của doanh nghiệp và công chức Nhà nước. Một người làm không hết chức trách trong thời gian theo quy định sẽ bị kỷ luật: phạt lương, đền bù, buộc thôi việc... Tức là chế độ quản lý nghiêm.
Hiện nay chúng ta đang thấy Nghị định 168 sau một thời gian áp dụng thi hành với những mức phạt rất nặng đã đem lại những kết quả tích cực. Nếu xử lý mạnh những người nhũng nhiễu, thì chắc chắn sẽ giảm thiểu các hành vi. Bởi khi nhũng nhiễu họ chỉ được 200.000, 500.000 hoặc 1 triệu, 2 triệu đồng; nhưng nếu bị phạt họ có thể mất 10 triệu đồng, phạt bằng cả tháng lương, thì tôi tin rằng, họ không dám nhũng nhiễu nữa. Chưa kể, nếu cùng với chế độ đãi ngộ tốt, tăng lương, cán bộ công chức cũng không muốn nhũng nhiễu nữa… Tất cả những điều đó phối hợp với nhau để tạo ra một môi trường làm việc mà cán bộ, công chức Nhà nước không dám, không thể, và không muốn tham nhũng, nhũng nhiễu.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thanh tra xung quanh hiện tượng nhũng nhiễu, chi phí không chính thức trong hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Ảnh: Đình Tuệ
+ PV: Qua theo dõi Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm, ông có đánh giá như thế nào về xu hướng cải thiện liên tục điểm chỉ số thành phần chi phí không chính thức kể từ năm 2015?
- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2023 ghi nhận chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Kết quả khảo sát doanh nghiệp năm 2023 cho thấy, các hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục có bước tiến, với điểm số chỉ số thành phần chi phí không chính thức giữ vững xu hướng cải thiện.
Năm 2023, chỉ số thành phần này đạt 7,08 điểm, tăng từ 7,01 điểm vào năm 2022 và 6,99 điểm vào năm 2021, đánh dấu chuỗi tăng điểm liên tục kể từ năm 2015.
Tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, thấp hơn đáng kể so với mức 42,6% năm 2022, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát.
Bên cạnh đó, quy mô của chi phí không chính thức cũng tiếp tục đà giảm, với khoảng 2,5% doanh nghiệp cho biết phải chi trên 10% thu nhập cho các chi phí này, thấp hơn so với con số 3,8% của năm 2022 và đã giảm hơn 4 lần so với 10 năm trước đây.
Hy vọng, sau bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, sau cuộc cách mạng tinh gọn và sau tinh thần Đại hội XIV của Đảng tới đây, tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức sẽ được cải thiện hơn nữa, thậm chí chỉ còn khoảng 10-20%.
Chúng ta rất khó kỳ vọng loại bỏ hoàn toàn nhũng nhiễu, chi phí không chính thức, khi mà tất cả đang còn chưa thật đồng bộ.
Hy vọng với việc cải thiện chỉ số thành phần chi phí không chính thức trong PCI sẽ tạo điều kiện để làm trong sạch thể chế, trong sạch môi trường đầu tư, giúp chúng ta hấp dẫn hơn các dòng đầu tư cần thiết, công nghệ cao từ các nước phát triển, hỗ trợ Việt Nam có thêm đôi cánh đại bàng, cất cánh trong bối cảnh kỷ nguyên vươn mình.
Nhưng tôi tin rằng, với sự cải thiện liên tục như vậy cho thấy, thứ nhất là sự thành công, hiệu lực hiệu quả của công tác chống nhũng nhiễu của Đảng, Nhà nước, trong đó có vai trò rất quan trọng của ngành Thanh tra cũng như Báo Thanh tra.
Thứ hai, đó là sự giác ngộ xã hội, sự chủ động xã hội không chấp nhận nhũng nhiễu nữa, không sống chung với tham nhũng nữa. Họ chủ động góp sức cùng bộ máy công quyền để giảm thiểu tình trạng này. Và điều này cũng cho thấy rằng, các doanh nghiệp đã ý thức nhiều hơn, chủ động, mạnh dạn hơn, tự tin hơn, không sợ hãi... để giảm thiểu vấn đề bị nhũng nhiễu hoặc buộc phải nộp nhũng nhiễu.
Thứ ba, cho thấy chúng ta đang từng bước đi đúng hướng. Môi trường thể chế, các hoạt động quản lý cũng như hoạt động của doanh nghiệp, kể cả cấp vĩ mô cũng như vi mô đang đi theo đúng hướng, để từ đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Chúng ta nhớ rằng, các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn lớn của các quốc gia phát triển chỉ vào Việt Nam khi môi trường thể chế không có nhũng nhiễu, hoặc giảm thiểu được nhũng nhiễu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cùng các điều kiện khác nữa… Trong đó, yếu tố không nhũng nhiễu là cực kỳ quan trọng.
Bởi vậy, hy vọng với việc cải thiện chỉ số thành phần chi phí không chính thức trong PCI sẽ tạo điều kiện để làm trong sạch thể chế, trong sạch môi trường đầu tư, giúp chúng ta hấp dẫn hơn các dòng đầu tư cần thiết, công nghệ cao từ các nước phát triển, hỗ trợ Việt Nam có thêm đôi cánh đại bàng, cất cánh trong bối cảnh kỷ nguyên vươn mình.
+ PV: Với xu hướng tích cực như trên, cùng với chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông nhận định như thế nào về mục tiêu kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030?
- Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Có thể nói, 70% là một con số rất tích cực, mặc dù ở nhiều nước khác còn cao hơn.
Trung bình trên thế giới hiện nay khu vực nhà nước chỉ đóng góp khoảng từ 5 - 20%, còn lại là tư nhân. Vậy thì Việt Nam chúng ta đặt mục tiêu chỉ 5 năm nữa thôi, đến 2030 kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 70% GDP so với mức như hiện nay rõ ràng là một chỉ tiêu tích cực và tính hiện thực rất cao.
Chúng ta mới có hơn 30 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã từ con số rất nhỏ, bây giờ chiếm tỷ trọng hơn một nửa. Điều này cho thấy, trong vòng 5 năm tới, đặc biệt là với sức bật của thể chế, sức bật của những quan điểm mới từ cấp lãnh đạo cao nhất, với quyết tâm chính trị mức độ cao nhất từ Tổng Bí thư, được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và được hiện thực hóa bởi hệ thống luật pháp, thể chế được thay đổi thì chắc chắn khu vực tư nhân sẽ nhận được những động lực mới tích cực để thực sự được cởi trói, vươn mình.
Thêm vào đó, với những thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, cộng với việc chuyển cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế số; và khu vực tư nhân nếu được tập trung khuyến khích với những dự án lớn quốc gia, lĩnh vực công nghệ cao… thì chúng ta tự tin sẽ có được một tỷ trọng kinh tế tư nhân như mục tiêu đặt ra trong thời gian tới.
Nói cách khác, tính hiện thực của mục tiêu kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 70% GDP vào năm 2030 là cần thiết và hoàn toàn khả thi nếu như cả hệ thống chính trị coi việc hiện thực hóa những nhiệm vụ, chỉ đạo mà Tổng Bí thư đã nêu trong bài viết, cũng như các chỉ đạo tới đây vào trong thực tiễn trách nhiệm của mình.
+PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Gần đây, dư luận cả nước không khỏi bàng hoàng trước thông tin Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 23 bị can, trong đó có hàng loạt giám đốc, phó giám đốc, trưởng khoa các bệnh viện y học cổ truyền, cùng cán bộ Bảo hiểm xã hội về các tội danh nghiêm trọng như "Nhận hối lộ", "Đưa hối lộ", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"...
PGS.TS. Đồng Đại Lôc
(Thanh tra) - Liên quan đến vụ án hình sự “chạy” chứng chỉ hành nghề (CCHN) y ở Đắk Lắk, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đề nghị Sở Y tế cung cấp hồ sơ, đồng thời xác minh các trường hợp khác.
Ngọc Châu
Ngọc Châu
Ngọc Châu
PGS.TS. Đồng Đại Lộc
An Khang
Trọng Tài
T. Minh
Hương Giang
Hương Giang
Thái Hải
Phương Anh
Văn Thanh
Văn Thanh
Trung Hà
Chính Bình