Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

Ngọc Anh

Thứ ba, 31/12/2024 - 06:00

(Thanh tra) - Năm 2024 chứng kiến cuộc chiến chống tham nhũng trở nên nóng bỏng trên khắp thế giới, với nhiều nhân vật "đình đám" thống trị mặt báo, được dư luận đặc biệt quan tâm và mang tới những bài học "xương máu" trong việc phòng, chống lại căn bệnh nguy hiểm gây cản trở sự phát triển của xã hội.

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024. Ảnh ghép: Ngọc Anh/Báo Thanh tra

1. Quan chức tham nhũng lớn nhất Trung Quốc bị hành quyết

Lý Kiến Bình, cựu quan chức tham nhũng bậc nhất Trung Quốc đã bị xử tử hồi tháng 12/2024. Vụ hành quyết diễn ra như một phần trong chiến dịch chống tham nhũng rộng rãi của chính quyền Bắc Kinh.

Với số tiền biển thủ, nhận hối lộ lên tới hơn 3 tỷ nhân dân tệ (hơn 10.000 tỷ đồng), Lý Kiến Bình trở thành "quan chức tham nhũng lớn nhất" kể từ khi thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Vụ án của ông được phân loại là "lớn nhất từ trước đến nay trong lịch sử đấu tranh chống tham nhũng của Nội Mông", gây chấn động toàn quốc.

Bản án nghiêm khắc nhất được áp dụng cho quan tham này chỉ ra phạm vi ảnh hưởng nghiêm trọng mà vụ tham nhũng gây ra, được thể hiện rõ ở ba khía cạnh: xây dựng kinh tế, chính trị, môi trường kinh doanh. Dù ông ta bị điều tra và trừng phạt nhưng “di chứng” vẫn còn.

Lý Kiến Bình bị xử tử hôm 17/12/2024. Ảnh: Tòa án Nhân dân Cấp cao Khu tự trị Nội Mông

2. Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội

Ông Benjamin Netanyahu bị buộc tội hối lộ, gian lận và vi phạm lòng tin, phải trình diện tại tòa ba lần một tuần cho đến khi việc cho lời khai của ông kết thúc, bất chấp cuộc xung đột đang diễn ra ở Gaza.

Hôm 10/12/2024, ông đã có mặt tại tòa án ở Tel Aviv lần đầu tiên để điều trần trong phiên tòa về tham nhũng.

Trước chiến tranh, các vấn đề pháp lý của ông Netanyahu đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Israel, đồng thời làm lung lay chính trường nước này qua năm vòng bầu cử.

Benjamin Netanyahu là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Israel khi nắm quyền gần như liên tiếp kể từ năm 2009, và là Thủ tướng đương nhiệm đầu tiên của Israel bị buộc tội.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong phiên tòa xét xử tội tham nhũng tại tòa án ở Tel Aviv, ngày 10/12/2024. Ảnh: REUTERS

3. Đệ nhất Phu nhân Hàn Quốc với bê bối tốn nhiều giấy mực

Những tranh cãi xung quanh Đệ nhất phu nhân Hàn Quốc Kim Keon Hee khiến báo chí trong nước và quốc tế tốn nhiều giấy mực trong năm qua.

Các cáo buộc liên quan đến bà Kim bao gồm việc bà dính líu tới thao túng giá cổ phiếu; can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, làm rò rỉ thông tin mật; nhận bất hợp pháp quà tặng xa xỉ...

Báo chí trong nước hồi tháng 10/2024 nhận định, Đệ nhất Phu nhân đã trở thành mối rủi ro lớn nhất của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol.

Thậm chí, ngày 12/12/2024, một phim tài liệu mang tên "Đệ nhất Phu nhân", có nội dung xoay quanh Phu nhân Tổng thống Yoon Suk Yeol, đã được ra mắt, giữa bối cảnh căng thẳng chính trị leo thang do lệnh thiết quân luật của Tổng thống.

Theo Báo The Korea Herald, bộ phim đã thu hút rất đông khán giả và trở nên cháy vé trên toàn quốc sau khi ra mắt.⁠

Đệ nhất Phu nhân Kim Keon Hee. Ảnh: Yonhap

4. Bộ trưởng đầu tiên của Singapore bị bỏ tù trong 50 năm qua

Cựu Bộ trưởng Giao thông Singapore S Iswaran bắt đầu thi hành án tù giam 12 tháng từ ngày 7/10/2024. Ông trở thành bộ trưởng đầu tiên của Singapore bị bỏ tù trong 50 năm qua, với 1 tội cản trở công lý và 4 tội nhận hối lộ.

Vụ việc của Iswaran gây chú ý, khi Singapore nổi tiếng là quốc gia thuộc danh sách trong sạch bậc nhất thế giới. Các bộ trưởng Singapore được trả lương cao, là một trong những giải pháp để phòng, chống tham nhũng của đảo quốc sư tử.

Bản án dành cho Iswaran cao gần gấp đôi thời hạn tù mà bên công tố yêu cầu do một số tình tiết tăng nặng như thời gian phạm tội, chức vụ cao mà ông đảm nhiệm và mức độ gây tổn hại đến lợi ích công cũng như lòng tin thể chế.

Cựu Bộ trưởng Giao thông Singapore S Iswaran bắt đầu chịu án tù 12 tháng vào ngày 7/10/2024. Ảnh: CNA/Wallace Woon, Bộ Nội vụ

5. Tổng thống Peru bị điều tra tham nhũng vì đeo đồng hồ Rolex đắt tiền

Cuộc điều tra chống lại nữ Tổng thống Peru Dina Boluarte nổ ra vào giữa tháng 3/2024, khi một chương trình truyền hình chiếu cận cảnh bà đeo chiếc đồng hồ Rolex trị giá tới 14.000 USD. Trong khi, với vị trí Tổng thống, ước tính bà nhận được khoảng 55.000 USD mỗi năm.

Liên quan đến vụ việc được gọi là "Rolexgate", bà Boluarte đã bị cảnh sát thẩm vấn và khám xét văn phòng cũng như nhà ở, để làm sáng tỏ nghi ngờ Tổng thống làm giàu bất chính, không kê khai tài sản cá nhân.

Phủ nhận hành vi sai trái, Tổng thống Peru nói rằng các món đồ xa xỉ được mượn từ một người bạn là Thống đốc vùng Ayacucho. Bà thừa nhận đó là một sai lầm và cho biết đã trả lại.

Tổng thống Peru Dina Boluarte giơ tay đeo đồng hồ, cho hay đó là chiếc Jacques du Manoir mua ở Thụy Sĩ, không phải Rolex, trong cuộc họp báo tại Lima ngày 5/4/2024. Ảnh: AFP

6. Phu nhân bị điều tra tham nhũng khiến Thủ tướng Tây Ban Nha phải tuyên bố tạm dừng công vụ, cân nhắc việc… từ chức

Hồi tháng 4, sau khi tòa án mở cuộc điều tra tham nhũng đối với bà Begona Gomez, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố tạm dừng công vụ “trong vài ngày” để cân nhắc về việc… từ chức.

Bà Begona Gomez bị điều tra vì tội lạm dụng tín nhiệm với tư cách là Phu nhân Thủ tướng và tham nhũng.

Theo các chuyên gia phân tích, những ồn ào làm tổn hại đến hình ảnh của Thủ tướng.

Ngày 30/7/2024, thẩm phán đã đến Văn phòng Chính phủ để thẩm vấn ông Pedro Sanchez. Đây là lần đầu tiên một thủ tướng Tây Ban Nha đương nhiệm được triệu tập để làm chứng trong một vụ án tư pháp kể từ khi người tiền nhiệm của ông Sanchez là Thủ tướng Mariano Rajoy bị triệu tập làm nhân chứng vào năm 2017, trong một vụ tham nhũng “quỹ đen”, dẫn đến cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm năm 2018 cho phép ông Sanchez trở thành Thủ tướng.

Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez và Phu nhân Begona Gomez. Ảnh: REUTERS

7. Thứ trưởng Quốc phòng - một trong những người giàu nhất cơ cấu an ninh Nga bị bắt giữ

Tháng 4/2024, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov đã bị bắt giữ vì bị tình nghi nhận hối lộ.

Đây là một trong những vụ bê bối tham nhũng cấp cao nhất ở Nga trong nhiều năm.

Timur Ivanov là người chịu trách nhiệm về các dự án cơ sở hạ tầng quân sự của Nga. Ông từng được Tạp chí Forbes đánh giá là một trong những người giàu nhất trong các cơ cấu an ninh Moscow.

Ủy ban Điều tra Nga cho biết, ông Ivanov bị nghi ngờ "nhận hối lộ quy mô lớn" - hành vi được định nghĩa trong Bộ luật Hình sự là "nhận các khoản hối lộ lên tới hơn 1 triệu rúp".

Ông có thể phải đối mặt với án tù 15 năm nếu bị kết tội.

Thứ trưởng Quốc phòng Nga Timur Ivanov từng được Tạp chí Forbes đánh giá là một trong những người giàu nhất trong các cơ cấu an ninh của Nga. Ảnh: Dịch vụ báo chí Bộ Quốc phòng Nga/EPA-EFE

8. Bob Menendez - một trong những người quyền lực nhất ở Washington bị kết án vì tham nhũng

Tháng 7/2024, Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez đã bị kết án về tất cả 16 tội danh bị cáo buộc, bao gồm tội hối lộ.

Menendez đã là một nhân vật quan trọng tại Washington trong hơn ba thập kỷ.

Bản án được cho là chiến thắng của Bộ Tư pháp Mỹ và Công tố viên Damian Williams, người coi việc loại bỏ tham nhũng là ưu tiên hàng đầu. Tại tòa, bồi thẩm đoàn đã nhận được bằng chứng về số vàng và hơn 480.000 USD tiền mặt được tìm thấy tại nhà của Thượng nghị sĩ Menendez ở New Jersey. Các đặc vụ cũng phát hiện thêm nhiều tiền mặt được nhét trong các phong bì bên trong áo khoác có tên ông.

Bob Menendez đã từ chức khỏi vị trí của mình tại Thượng viện vào tháng 8/2024. Ông có nguy cơ phải ngồi tù hàng thập kỷ.

Văn phòng Luật sư Mỹ xác nhận Menendez sẽ bị tuyên án vào ngày 29/1 tới.

Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Menendez đến Tòa án Liên bang xét xử tội hối lộ liên quan đến mối quan hệ bị cáo buộc tham nhũng với ba doanh nhân bang New Jersey, tại New York, Mỹ, ngày 9/7/2024. Ảnh: REUTERS/Kent J Edwards

9. Cựu Thủ tướng Thái Lan thoát mọi cáo buộc tham nhũng

Ủy ban Chống tham nhũng Quốc gia Thái Lan ngày 24/4/2024 đã thông qua một nghị quyết với tỷ lệ bỏ phiếu 6-0 từ tất cả ủy viên có mặt để không phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao bác bỏ vụ án tham nhũng chống lại cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thu hồi lệnh bắt giữ đối với bà.

Với quyết định này của Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, vốn đã sống lưu vong gần 10 năm nay, hiện không còn phải đối diện với bất kỳ cáo buộc tham nhũng nào.

Bà Yingluck Shinawatra, cô ruột Thủ tướng Thái Lan đương nhiệm Paetongtarn Shinawatra, được cho là sắp trở về nước sau thời gian sống lưu vong ở nước ngoài để tránh các rắc rối pháp lý.

Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra. Ảnh: Reuters

10. Tổng thống Ukraine lần đầu tiên công khai thu nhập

Ngày 28/1/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã công khai thu nhập trong khoảng thời gian 2 năm, như một phần trong nỗ lực thúc đẩy tính minh bạch và chống tham nhũng tràn lan.

Trong một bài đăng trên trang web của Tổng thống, ông Zelensky lưu ý rằng thu nhập của mình đã giảm vào năm 2021 và hơn thế nữa vào năm 2022, khi cuộc xung đột xảy ra vào cuối tháng 2. Đây là lần đầu tiên ông công khai thu nhập.

Ông Zelensky kêu gọi các quan chức công khai tiết lộ thu nhập của mình, khi Ukraine cố gắng đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt để gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh đất nước có xung đột, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố không dung thứ và sẽ nhổ tận gốc vấn nạn tham nhũng trong nội bộ Ukraine.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Reuters

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

Những nhân vật "đình đám" trong cuộc chiến chống tham nhũng năm 2024

(Thanh tra) - Năm 2024 chứng kiến cuộc chiến chống tham nhũng trở nên nóng bỏng trên khắp thế giới, với nhiều nhân vật "đình đám" thống trị mặt báo, được dư luận đặc biệt quan tâm và mang tới những bài học "xương máu" trong việc phòng, chống lại căn bệnh nguy hiểm gây cản trở sự phát triển của xã hội.

Ngọc Anh

06:00 31/12/2024
Nhiều cán bộ ở Đắk Lắk “nhúng chàm” vì "ăn" của rừng

Nhiều cán bộ ở Đắk Lắk “nhúng chàm” vì "ăn" của rừng

(Thanh tra) - Nhiều cán bộ ở Đắk Lắk đã trở thành thủ phạm, tiếp tay cho “lâm tặc” xâm hại rừng; lợi dụng chức vụ quyền hạn, lập khống giấy tờ để lấy ngân sách Nhà nước liên quan đến kinh phí quản lý, bảo vệ rừng…

Ngọc Giàu

15:49 23/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm