Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nhớ lại những câu nói thấm thía của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống tham nhũng

Hương Giang

Thứ bảy, 20/07/2024 - 09:39

(Thanh tra) - Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn liền với nhiều câu nói thấm thía của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có dấu ấn và cống hiến nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: P.Thắng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hơn 11 năm (từ tháng 2/2013 đến nay).

Bằng cách làm khoa học, bài bản, có chiến lược, phương châm, phương pháp sáng tạo, đúng quyền hạn và trách nhiệm, không “lấn sân” và cũng không làm thay các cơ quan khác, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ mà Đảng giao, theo nhận định của đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim.

Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng với sự chỉ đạo sát sao, gương mẫu, có tâm, có tầm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành “phong trào, thành xu thế không ai có thể đứng ngoài cuộc”.

“Trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có dấu ấn và cống hiến nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Nhiều câu nói thấm thía của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gắn liền với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cũng như cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng

Cách đây hơn 10 năm, vào ngày 5/5/2014, khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ, đảng viên giữ vị trí đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải đi đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết của người cán bộ, công chức, xây dựng và tuân thủ nghiêm túc quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức công vụ.

“Phải dấy lên trong dư luận xã hội phê phán nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng; giáo dục tinh thần trọng liêm sỉ, danh dự; biết xấu hổ, đau khổ vì tham nhũng”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.

Những năm sau đó, công tác phòng, chống tham nhũng đi vào chiều sâu, có bước tiến mạnh, “nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Nhiều cán bộ cao cấp vi phạm bị kỷ luật, trong đó, có cả Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị; kỷ luật cả cán bộ đương chức và đã nghỉ hưu, cả trong lực lượng vũ trang; làm nghiêm từ trên xuống dưới…

“Việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới”, theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023. Ảnh: T.Dũng

Cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư đặc biệt yêu cầu làm tốt hơn nữa công tác cán bộ, nhất là việc quản lý, nhận xét, đánh giá cán bộ để lựa chọn, bố trí đúng những người thật sự có đức, có tài; thật sự “cần, kiệm, liêm, chính”, “chí công vô tư”; thật sự tâm huyết vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo.

Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 vào ngày 11/8/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý: “Đừng “nhìn gà hóa cuốc”, “đừng thấy đỏ tưởng là chín”, đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những phần tử hư hỏng, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn”.

"Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào ngày 15/9/2021.

Chống tham nhũng chỉ làm “chùn bước” những ai đã trót “nhũng chàm”

Đến đầu tháng 12/2021, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”.

Theo Tổng Bí thư, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, rất dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi chúng ta phải tự phê bình, phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác.

Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm, khách quan thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, ngày 23/6/2022

“Tôi nhớ nhà văn Nga Maxim Gorky có nói: “Con người - hai tiếng ấy vang lên kiêu hãnh làm sao”. Nhưng con người cũng có không ít tật: “Kém một miếng không chịu được”, “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng thì lộn gan lên đầu”. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”, Tổng Bí thư nói.

Vào ngày 30/6/2022, nhìn lại công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 10 năm (giai đoạn 2012-2022), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát, tham nhũng từng bước đã được kiềm chế, ngăn chặn, và thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”.

“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, làm trong sạch Đảng và bộ máy Nhà nước chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sạch, đã trót “nhũng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu.

Cùng với xử nghiêm vi phạm, “nhốt” quyền lực vào trong “lồng cơ chế, thể chế", Tổng Bí thư lưu ý, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình là điều kiện đầu tiên để kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được vận hành đúng đắn, không bị “tha hóa”.

Để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở, Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ sau 1 năm, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động.

“Không còn tình trạng “nhẹ trên, nặng dưới”, “hạ cánh an toàn” như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, ngày 19/6/2023.

Tổng Bí thư yêu cầu đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, cho rằng nếu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quá mạnh sẽ làm cản trở sự phát triển, làm nhụt chí sự sáng tạo; những biểu hiện làm "cầm chừng", "phòng thủ", "che chắn", giữ an toàn, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

“Nếu ai có tư tưởng ấy thì hãy sớm đứng sang một bên, để người khác làm”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh.

“Sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí" Chia sẻ khi nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng vào ngày 2/2/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện; cố gắng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh để xứng đáng là một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, như lời của một bài hát: "Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương; nếu là chim hãy là chim câu trắng; nếu là đá hãy là đá kim cương; nếu là người hãy là người cộng sản”.  Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Tôi xin nguyện suốt đời phấn đấu, hy sinh, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, ra sức tu dưỡng, rèn luyện Tổng Bí thư cũng nhắc lại một vài câu trong tác phẩm nổi tiếng "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nhi-cô-lai Ốt-xtơrốp-xki như để nói thay tâm sự của lòng mình: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân”; "thép đã tôi trong lửa đỏ và nước lạnh, lúc đó thép trở nên không hề biết sợ!”...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm