Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Những đóng góp nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Chủ nhật, 21/07/2024 - 16:12

(Thanh tra) - Chiều buồn ngày 19/7/2024, trời đổ mưa, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta rơi lệ vì đau buồn và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi mãi mãi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Người Cộng sản chân chính, “Nhà Lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước, vì dân”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều đóng góp nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: noichinh.vn

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Tổng Bí thư đã để lại nhiều dấu ấn và đóng góp to lớn cho dân tộc Việt Nam, trong đó có những đóng góp nổi bật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Chính những đóng góp lớn lao này đã khắc họa hình ảnh “Người đốt lò” vĩ đại sống mãi trong lòng người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Những đóng góp đó đã được tổng hợp trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, gồm những bài nói, bài viết trong quá trình chỉ đạo Đảng và Nhà nước hoàn thiện thể chế, kiên quyết, kiên trì, quyết liệt xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực “không có vùng cấm”.

Là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kế thừa, vận dụng phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Bằng kiến thức uyên bác, với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, cùng nỗi niềm đau đáu mong muốn nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quét sạch “quan tham” làm trong sạch bộ máy, đem lại niềm tin và hạnh phúc cho nhân dân, Tổng Bí thư đã luận giải, đúc kết có tính lý luận và thực tiễn về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong bài phát biểu kết luận tại Hội nghị Toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, định hướng nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hiểu rõ và sâu sắc hơn về: Tham nhũng, tiêu cực là gì? Tác hại ra sao? Nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng chống tham nhũng, tiêu cực? Những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn?

Từ đó, Tổng Bí Thư đã xác định rõ trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị phải nhận thức đầy đủ để hành động thiết thực, hiệu quả, trả lời cho nhân dân và cộng đồng quốc tế câu hỏi từ lương tâm là: “phải làm gì và làm như thế nào để tiếp tục ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng tiêu cực trong thời gian tới?”

Thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tham nhũng (tham ô, nhũng nhiễu) là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Các quốc gia tồn tại và phát triển vững mạnh đều quan tâm và tiến hành đấu tranh phòng, chống tham nhũng có hiệu quả”.

Để minh họa cho nhận định này, Tổng Bí thư đã viện dẫn thuyết phục quan niệm của pháp luật quốc tế và Việt Nam về tham nhũng, tái hiện quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, coi tham nhũng là “ăn cắp của công làm của tư”, “tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân và Chính phủ; là “giặc ở trong lòng”, “giặc nội xâm””.

Tổng Bí thư đã luận giải quan niệm về “tiêu cực”, mối liên quan giữa hành vi tham nhũng và hành vi tiêu cực: “So với “tham nhũng” thì “tiêu cực” có nghĩa rộng hơn… đó là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Tham nhũng là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, là loại biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tham nhũng và tiêu cực, nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có mối quan hệ gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhau; nguyên nhân cơ bản, trực tiếp của tham nhũng là do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiêu cực là môi trường làm nảy sinh tham nhũng; tham nhũng tác động trở lại làm trầm trọng hơn tình trạng tiêu cực…”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu dự hội nghị sơ kết một năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngày 19/6/2023. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư khẳng định tiêu cực là cái gốc của tham nhũng, cho nên: “… Nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả. Vì vậy, phòng, chống tiêu cực, mà trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tức là trị tận gốc của tham nhũng”.

Đồng thời, Tổng Bí thư nhấn mạnh và khẳng định: “Tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Thời đại nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có, không thể xóa ngay tận gốc tham nhũng trong một thời gian ngắn”.

Khẳng định này của Tổng Bí thư đã phản bác lại quan điểm của các thế lực thù địch cho rằng tham nhũng ở Việt Nam là hệ quả của chế độ độc Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Thứ hai, Tổng Bí thư đã làm rõ sự kế thừa và phát triển nhận thức của Đảng ta về nguy cơ, tác hại của tham nhũng, tiêu cực đối với sự tồn vong của chế độ ngày càng rõ hơn, thể hiện rõ nhất trong văn kiện qua các kỳ Đại hội của Đảng, gần nhất là Đại hội XIII khẳng định tham nhũng, tiêu cực “vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ”, Đảng ta “chưa bao giờ chủ quan; trái lại, luôn luôn đặt cảnh báo về nguy cơ và sự tác hại của tệ tham nhũng ở mức độ cao nhất”.

Đồng thời, Tổng Bí thư đã phân tích, chỉ rõ “những bước tiến mới” trong nhận thức của Đảng về tác hại của tham nhũng, tiêu cực: Những nguy cơ tiềm ẩn khôn lường của tham nhũng, tiêu cực, làm hư hỏng, mất cán bộ, mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ và cuối cùng là mất chế độ… khẳng định “vị trí, vai trò của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được coi trọng và nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn”;  “trước đây, chống tham nhũng, lãng phí chủ yếu chỉ tập trung trong khu vực Nhà nước” nay “mở rộng ra cả khu vực ngoài Nhà nước; không chỉ phòng, chống tham nhũng, lãng phí mà còn gắn phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên”.

Luận giải của Tổng Bí thư về sự kế thừa và phát triển nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về phòng chống tham nhũng, tiêu cực có ý nghĩa quan trọng, phản bác lại các quan điểm sai trái, thù địch xuyên tạc, bóp méo sự lãnh đạo của Đảng ta đối với cuộc chiến chống tham nhũng, từ đó củng cố niềm tin cho người dân vào quyết tâm chính trị của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vì mục tiêu xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh để phụng sự Nhân dân.

Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Ban Tuyên giáo Trung ương

Thứ ba, từ đánh giá những kết quả đạt được Tổng Bí thư đã đúc rút ra 08 bài học kinh nghiệm quý báu cho Đảng ta về quá trình lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, bao gồm: i) Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất đúng, hành động quyết liệt và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, tập trung, thống nhất của Đảng…Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ii) Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm”… là nhiệm vụ rất quan trọng, nhưng cũng vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng”… Phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để “không dám” tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính để “không muốn” tham nhũng, tiêu cực; và một cơ chế bảo đảm để “không cần” tham nhũng, tiêu cực; iii) Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là “then chốt của then chốt”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”… Do đó, phải đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác cán bộ; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phải đánh giá, lựa chọn, bố trí đúng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; iv) Phải kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; trong đó, phòng ngừa là chính, là cơ bản, lâu dài; phát hiện, xử lý là quan trọng, đột phá; v) Phải kiểm soát cho được việc thực hiện quyền lực nhà nước… Phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế; vi) Chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực… Kiểm soát quyền lực và thực hành liêm chính trước hết phải được tiến hành có hiệu quả trong các cơ quan này; phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vii) Phải gắn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; viii) Các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và truyền thống văn hóa của dân tộc; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của nước ngoài; kế thừa kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước.

Thứ tư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đưa ra các quan điểm chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực ở Việt Nam là: i) Không có vùng cấm, không có ngoại lệ; ii) Kết hợp giữa xây và chống; iii) Phòng ngừa là chính, trừng trị là cần thiết; iv) Tăng cường kiểm tra, giám sát; v) Phát huy vai trò của nhân dân và báo chí sẽ giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri tại quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội tại buổi tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, ngày 15/10/2022. Ảnh: HNM

Thứ năm, với tư duy biện chứng và trí tuệ uyên bác, Tổng Bí thư đã xác định rõ trách nhiệm, định hướng giải pháp để Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tiếp tục thực hiện thắng lợi cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam hùng cường theo phương châm: “Phải có những bước tiến mới, quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả cao hơn trong thời gian tới”.

Bao gồm: 1) Phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 2) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những “khoảng trống”, “kẽ hở”, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. 3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; phát hiện sớm, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, qua đó cảnh tỉnh, răn đe để không ai dám tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. 4) Tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới và tăng cường giám sát việc thực thi quyền lực. 5) Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ Trung ương đến địa phương; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở khu vực ngoài nhà nước.

Thứ sáu, dấu ấn nổi bật về sự đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thể hiện đậm nét trong gần ba nhiệm kỳ với cương vị người đứng đầu Đảng ta là rất toàn diện, đồng bộ, phù hợp thực tiễn nước ta, có ý nghĩa vừa cấp thiết vừa cơ bản, lâu dài, được minh chứng từ sự chỉ đạo của đồng chí đối với việc ban hành và triển khai nhiều chính sách, nghị quyết quan trọng nhằm tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra nhiều biện pháp cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng và tiêu cực; thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; chỉ đạo ban hành quy định mới về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương; xử lý kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên; đẩy mạnh cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; Quy chế phối hợp giữa các cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập. Gần đây nhất, Tổng Bí thư đã ký ban hành Quy định số 144- QĐ/TW (ngày 9/5/2024) quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

Mặc dù, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đi xa, nhưng những đóng góp và cống hiến to lớn của đồng chí về phòng, chống tham nhũng tiêu cực nêu trên sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm trong sạch bộ máy của Đảng Nhà nước; tiếp tục thực hiện những dự định và mong muốn cao cả của đồng chí về xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam phát triển bền vững vì hạnh phúc của Nhân dân, tiếp tục nâng cao và khẳng định vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Thị Báo - Nguyên Chánh Thanh tra, Giảng viên cao cấp 

 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

Công tác phòng, chống tham nhũng không “chững lại”, “chùng xuống” mà tiếp tục được duy trì, đẩy mạnh

(Thanh tra) - Đó là chia sẻ của ông Trần Đăng Vinh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) trước thềm Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) - một sự kiện được đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân đặc biệt quan tâm, sẽ diễn ra vào tuần tới.

Ngọc Bích (Thực hiện)

08:30 20/12/2024
Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

Mạng lưới buôn lậu vàng, rửa tiền quốc tế bị trừng phạt

(Thanh tra) - Một mạng lưới buôn lậu vàng và rửa tiền quốc tế đã bị Chính phủ Mỹ và Vương quốc Anh trừng phạt. Các biện pháp bao gồm phong tỏa tài sản, tịch thu tài sản và cấm đi lại, nhằm vào doanh nhân người Anh gốc Kenya, Kamlesh Pattni, một tay buôn lậu vàng "khét tiếng".

Hoài Phương

12:46 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm