168 dự án điện mặt trời do Bộ Công thương phê duyệt không có căn cứ pháp lý

Kết luận thanh tra được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 10011/VPCP-V.I ngày 22/12/2023 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao TTCP theo thẩm quyền thực hiện việc công khai kết luận thanh tra theo quy định của Luật Thanh tra và chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4/2024.

Theo kết luận của TTCP, việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung 168 dự án điện mặt trời theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, có 154/168 dự án không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch. Trong đó hơn 2/3 là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối hệ thống, cơ cấu nguồn điện, lãng phí nguồn lực xã hội, thể hiện sự buông lỏng quản lý, có dấu hiệu của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

“Kết quả thanh tra cho thấy, công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, thể hiện qua các chỉ tiêu tổng hợp như sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hàng năm đều tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước, đảm bảo cung cấp điện đầy đủ; hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định…”, kết luận thanh tra nêu rõ.

Cũng theo kết luận thanh tra, những kết quả đạt được là rất quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân...

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, thực hiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, đáng chú ý là trong giai đoạn thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh 2016 - 2020 đã để xảy ra những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm, vi phạm trong việc phê duyệt bổ sung các dự án (DA) điện mặt trời; việc ban hành, tham mưu ban hành các quy định về quản lý điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN); việc phê duyệt bổ sung các DA điện gió và thủy điện nhỏ; việc đầu tư nguồn điện và lưới điện; việc tham mưu ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; việc ban hành, tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển điện lực.

Trách nhiệm chính đối với những khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương. Ngoài ra còn có trách nhiệm liên quan của UBND các tỉnh trong việc đề xuất đầu tư DA. Hay như những khuyết điểm, vi phạm của các tập đoàn trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), trong giai đoạn 2011 - 2020, EVN và các ban quản lý DA đầu tư xây dựng, các đơn vị thành viên có liên quan đã không hoàn thành việc đâu tư nguồn điện và lưới điện truyền tải theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, đầu tư nguồn điện đạt 82,2% so với công suất được giao tại Quy hoạch, đáng chú ý là việc đầu tư lưới truyền tải chỉ đạt tỷ lệ thấp (cả về quy mô và số lượng), về quy mô đầu tư hoàn thành so với quy hoạch… Trách nhiệm đối với những tồn tại, khuyết điểm nêu trên thuộc về Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và EVN.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVPower không hoàn thành việc đầu tư 12 DA nguồn điện với tổng công suất 13.350MW theo nhiệm vụ được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh. PVN được giao làm chủ đầu tư 9 DA, trong đó 7 DA đang thực hiện, nhưng chậm tiến độ với thời gian dài; 2 DA chưa triển khai thực hiện (Nhiệt điện Khí Kiên Giang I và II).

Tập đoàn Than - Khoáng sản việt Nam (TKV) và Tổng Cty Điện lực TKV không hoàn thành nhiệm vụ đầu tư 6 DA nguồn điện với tổng công suất 2.260MW (đầu tư hoàn thành đưa vào vận hành 4/6 DA, đạt 66,6% về số lượng DA; tổng công suất 950MW/ 2.260MW, đạt 42% về công suất). Trách nhiệm thuộc về TKV và Tổng Cty Điện lực TKV.

Yêu cầu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý điện lực

Trên cơ sở kết luận thanh tra, Tổng TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND các tỉnh được thanh tra: Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Long An, Bình Phước, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện các biện pháp xử lý sau:

Bộ Công Thương chủ trì rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý điện lực; xây dựng, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các DA nguồn điện; quy định về quy trình đấu thầu, đấu giá mua điện đối với các DA điện mặt trời, điện gió; cơ chế xử lý các DA điện chậm tiến độ.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BCT ngày 31/12/2013 (Điều 13, Điều 15, Điều 18) cho phù hợp với Nghị định số 137/2013/NĐ-CP, Luật Điện lực, Luật Quy hoạch và các quy định của pháp luật có liên quan.

Rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quy định quản lý điện mặt trời, điện gió, trong đó nghiên cứu để sửa đổi, điều chỉnh rút ngắn thời hạn áp dụng giá FIT đối với các DA điện mặt trời nối lưới và hệ thống ĐMTMN, đảm bảo phù hợp với thực tế, hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện.

Xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế khuyến khích tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh đối với các nhà máy điện đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và các nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu, đổi mới cơ chế giá điện các khâu phù hợp với các cấp độ phát triển thị trường điện lực cạnh tranh theo nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 168/QĐ-TTg.

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong đó cần phải rà soát đối với các DA điện gió, thủy điện nhỏ đã phê duyệt bổ sung để việc đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện theo đúng quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bài 2: Thanh tra Chính phủ chuyển Bộ Công an 9 vụ việc để xem xét, điều tra

Lê Phương