Văn bản nêu rõ, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chất lượng, có hiệu quả các nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ được nêu tại Quyết định số 178-QĐ/TW nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ, nâng cao nhận thức, quyết tâm chính trị, trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức Thanh tra Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng trong Đảng bộ Thanh tra Chính phủ nghiêm túc triển khai, tổ chức nghiên cứu, phổ biến, quán triệt Quyết định số 178-QĐ/TW để đảng viên, công chức, viên chức nhận thức đầy đủ, sâu sắc về tầm quan trọng của việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của đảng viên, công chức, viên chức trong việc kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, và coi đây là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của hoạt động xây dụng pháp luật.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Ban Cán sự Đảng Thanh tra Chính phủ yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, thủ trưởng các vụ, cục, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ lãnh đạo đảng viên, công chức, viên chức triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, đại diện lãnh đạo Thanh tra Chính phủ trực tiếp quán triệt nội dung Quyết định 178-QĐ/TW cho công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ (lồng ghép vào hội nghị tập huấn, hướng dẫn về trình tự, thủ tục, kỹ năng thanh tra cho công chức, viên chức của Thanh tra Chính phủ).

Thứ hai, các vụ, cục, đơn vị quán triệt và triển khai thực hiện Quyết định số 178-QĐ/TW, tập trung các nội dung có liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nhất là những đơn vị được giao soạn thảo, góp ý, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ 3, Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cục, vụ, đơn vị tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng thể chế, kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Thanh tra Chính phủ. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động thẩm định, góp ý văn bản pháp luật, trong đó, chú trọng bảo đảm văn bản pháp luật được xây dựng đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính chính xác, khách quan, minh bạch trong quá trình xây dựng, góp ý, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Kịp thời phát hiện, báo cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm cục bộ, trong công tác xây dựng pháp luật; đồng thời, tham mưu lãnh đạo Thanh tra Chính phủ đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Báo cáo kịp thời, đầy đủ, trung thực những nội dung quan trọng, những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và đề xuất hướng xử lý; tham mưu việc báo cáo, xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Đảng về những vấn đề lớn của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Điều 14 của Quyết định số 178-QĐ/TW.

Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra, Trung tâm Thông tin tuyên truyền về nội dung, yêu cầu của Quyết định số 178-QĐ/TW, bảo đảm kịp thời, có hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của đảng viên, công chức, viên chức trong công tác xây dựng pháp luật.

Theo Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật là thẩm quyền của cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên và cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật. Và kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên và cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong công tác xây dựng pháp luật thực hiện nghiêm nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác xây dựng pháp luật; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là hành vi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật…

Quy định gồm 4 chương, 18 điều quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật có hiệu lực kể từ ngày ký. Đối với các hành vi vi phạm xảy ra trước ngày quy định này có hiệu lực thì xem xét xử lý theo Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 6/7/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm và các văn bản khác có liên quan.

Phương Hiếu