Khách hàng bị loại ngay từ vòng nộp hồ sơ tham dự đấu giá

Liên quan đến “số phận” 59.085 cây cao su thanh lý lấy gỗ của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, thời gian qua, Báo Thanh tra đã có loạt bài viết phản ánh về những vi phạm trong công tác tổ chức đấu giá tài sản.

Ngày 17/2/2021, Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô được chủ tài sản là Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum thuê đã tổ chức bán đấu giá (lần 1) lô hàng nói trên cho Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai với giá trúng là: 18.937.177.000 đồng, chỉ cao hơn giá khởi điểm ban đầu 190.000.000 đồng!

Tuy nhiên, phiên đấu giá này đã không đăng thông báo đấu giá công khai trên Cổng Thông tin điện tử Quốc gia về đấu giá tài sản, vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu giá tài sản năm 2016. Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp đã phải ra văn bản đề nghị các cơ quan chức năng quản lý chuyên ngành Sở Tư pháp Hà Nội; Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum vào cuộc kiểm tra, làm rõ xử lý nghiêm vi phạm mà Báo Thanh tra đã phản ánh.

Do vậy, ngày 19/4/2021, đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (Chủ tài sản), Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Đông Đô (Đơn vị đấu giá) và Công ty TNHH Nhất Hưng Gia Lai (đơn vị trúng đấu giá) đã có buổi làm việc thống nhất hủy kết quả trúng đấu giá 59.085 cây cao su thanh lý tại các nông trường Hòa Bình, Yachim, Ngọc Wang, Tân Cảnh.

Cùng ngày, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đã ban hành quyết định hủy bỏ kết quả bán đấu giá và có Báo cáo số 364/BC-HĐTVCSKT gửi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về việc xử lý bán đấu giá 137,59ha cây cao su thành lý nói trên theo hướng tổ chức bán đấu giá lại (lần 2).

Sau khi được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đồng ý, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum quyết định đấu giá lại và chọn Công ty Đấu giá hợp danh Thịnh Trí (địa chỉ: Tầng 1, số 04 đường Trần Quang Diệu, phường 13, quận 3, TP Hồ Chí Minh) thực hiện việc đấu giá lô hàng này.

Ngày 24/5, Công ty Đấu giá hợp danh Thịnh Trí chính thức mở bán hồ sơ đấu giá 59.085 cây cao su thanh lý lấy gỗ (lần 2) nằm trên phần diện tích 137.59ha tại các nông trường Hòa Bình, Yachim, Ngọc Wang, Tân Cảnh của Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng khi mua được hồ sơ lần này thay vì vui mừng đã hóa bức xúc trước những điều khoản hết sức tréo ngoe, xa rời thực tế mà phía chủ tài sản đưa ra trong việc đấu giá lại lô tài sản vốn đã đầy tai tiếng này!

leftcenterrightdel
Việc khai thác, móc lấy gốc cây cao su diễn ra công khai

Bởi lẽ, Quy chế Bán đấu giá không nhắc đến việc yêu cầu người tham gia phải chứng minh năng lực, kinh nghiệm bằng hợp đồng mua bán tương tự, nhưng trong biên bản xác nhận đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá (đính kèm hồ sơ đấu giá) lại có mục yêu cầu khách hàng nộp: “Bản sao chứng thực hợp đồng cao su Nhà nước 50ha; bản sao xác nhận của chủ tài sản đã hoàn thành đúng chất lượng, đúng tiến độ”. Nếu nộp thiếu hai đầu văn bản nói trên, khách hàng xem như không đủ tư cách tham gia đấu giá.

“Rào cản” tréo ngoe này còn được cụ thể hóa hơn trong Dự thảo Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá (đính kèm hồ sơ đấu giá). Phía chủ tài sản yêu cầu trong 3 ngày kể từ ngày ký hợp đồng mua bán, người trúng đấu giá phải nộp đầy đủ hồ sơ chứng minh năng lực, kinh nghiệm cắt cây cao su gồm: 01 hợp đồng mua tài sản là cây cao su thanh lý của Nhà nước có diện tích ít nhất 50ha trong thời gian 02 năm gần đây; xác nhận bằng văn bản của người có tài sản là khách hàng đã hoàn thành các công việc cưa cắt cây cao su, móc gốc, san lấp hố, dọn đốt nhánh, cày phá và hoàn trả mặt bằng sạch đúng tiến độ, đúng chất lượng.

Quá thời hạn 3 ngày, người trúng đấu giá không đáp ứng được các yêu cầu nói trên thì số tiền mua tài sản cùng tiền đảm bảo thực hiện hợp đồng đã nộp sẽ là số tiền bồi thường thiệt hại cho chủ tài sản.

Trong khi đó, Khoản 4 Điều 38 Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá: Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản…

Tại khoản 3 Điều 38 nhấn mạnh: “Ngoài các điều kiện đăng ký tham gia đấu giá quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan, người có tài sản đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá".

Nghi vấn lợi ích nhóm trục lợi thông qua đấu giá?

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ cây cao su trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với chiêu trò "cài cắm" các điều khoản bất lợi, trái với Luật Đấu giá tài sản như trên, dường như Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum đang muốn loại bớt nhóm khách hàng “không thân thiết” ra khỏi “sân chơi” đấu giá!

“Sau khi trúng đấu giá, người mua ngoài việc thanh toán đủ tiền cho Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum, còn phải đặt tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng tương ứng 5% tổng giá trị hợp đồng mua bán. Việc cưa cắt cây, bàn giao lại mặt bằng bị chậm tiến độ, thì người mua sẽ bị phạt số tiền trên. Do vậy, đưa ra các điều khoản chứng minh năng lực, kinh nghiệm là bất hợp lý, nếu như không muốn nói là chủ tài sản đang muốn rộng “sân chơi” cho một doanh nghiệp nào đó đã được “ưu tiên” chọn sẵn” - một khách hàng tham gia mua hồ sơ chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Từng đoàn xe chở gỗ cây cao su sau khi chặt rời khỏi Nông trường Yachim 

Nhìn nhận vụ việc dưới góc độ chuyên môn, ông Lê Anh Linh, đấu giá viên Công ty Đấu giá hợp danh Bắc Trung Nam cho biết: Trước hết, cần phải nói rõ đây là một phiên đấu giá tài sản, không phải là đấu thầu mua sắm nên không có quy định nào yêu cầu khách hàng tham gia phải chứng minh năng lực, kinh nghiệm.

“Việc quy định phải có hợp đồng mua bán tương tự, hay văn bản xác nhận hoàn thành việc khai thác là không thực tế, gây phiền hà, lãng phí thời gian cho khách hàng. Bởi họ sẽ phải đi xin xác nhận, và nhỡ chủ tài sản cũ đã giải thể thì sao? Trong khi, cây cao su bán thanh lý lấy gỗ không phải là nhóm hàng hóa kinh doanh có điều kiện, mọi tổ chức cá nhân, tổ chức đều có quyền tham gia đấu giá. Và đã bán đấu giá thì phải thực hiện theo Luật Đấu giá tài sản” - ông Lê Anh Linh cho biết thêm.

Bản chất của việc bán đấu giá là thu hút nhiều người tham gia, đưa giá trúng tiệm cận với giá trị thực tế để ngân sách Nhà nước thu được tối đa nhất. Hơn ai hết, những doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang cần nguồn nguyên liệu sản xuất, gần điểm khai thác tiết kiệm được chi phí vận chuyển, sẵn sàng bỏ giá trúng cao thì lại bị loại ngay từ “vòng ngoài” bởi những điều khoản phi lý từ phía chủ tài sản Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum.

Quang Đông