Dấu hiệu của việc “phá” các cuộc đấu giá mỏ cát

Mấy ngày qua, dư luận “nóng” về việc 3 mỏ cát ở Hà Nội phải hủy kết quả đấu giá vì các đơn vị tham gia đấu giá bỏ giá quá cao so với thực tế. Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đấu giá 3 mỏ cát nằm ở huyện Ba Vì và quận Bắc Từ Liêm, thì các đơn vị trả giá cao nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Việt Sơn, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Dịch vụ KSP và Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh, với tổng số tiền trúng đấu giá lên đến 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều chục lần so với giá khởi điểm và giá cát thực tế đang bán ngoài thị trường.

Báo cáo nhấn mạnh rằng kết quả trúng đấu giá sẽ bị hủy, không được công nhận và phải tổ chức đấu giá lại. Nội dung báo cáo cho biết, theo công bố giá vật liệu xây dựng của Sở Xây dựng Hà Nội, giá cát chưa khai thác (trong trường hợp này là giá trúng đấu giá quyền khai thác cát đối với 3 mỏ cát nói trên lần lượt là 180.500đồng/m3; 564.500đồng/m3 và 800.000đồng/m3). Đối chiếu với giá vật liệu xây dựng cát san lấp và cát xây dựng đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội do Sở Xây dựng công bố, cát nền 176.000 - 202.000đồng/m3. Theo cách hiểu thông thường, 1m3 cát chưa khai thác (theo giá trúng đấu giá) đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình tại địa bàn Hà Nội, dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ cát này không thể có lợi nhuận khi các đơn vị thực hiện khai thác với trữ lượng cát sẽ được cấp phép.

leftcenterrightdel
Nhiều đơn vị ở Thanh Hóa bỏ giá trúng đấu giá quá cao ở các mỏ cát, sau đó bỏ cọc, gây nhiễu loạn thị trường đấu giá. Ảnh: Văn Thanh 

“Do đó, khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế vừa có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội, nên UBND TP Hà Nội không công nhận kết quả trúng đấu giá, cơ quan chức năng phải hủy kết quả trúng đấu giá 3 mỏ cát này để đấu giá lại”, nội dung báo cáo nêu.

Trước đó, sau khi có thông tin về việc 3 mỏ cát ở Hà Nội trúng đấu giá với giá cao ngất ngưởng là 1.700 tỷ đồng, Công an TP Hà Nội đã vào cuộc nắm tình hình, thu thập tài liệu liên quan đến buổi đấu giá để tìm hiểu về việc có hay không hiện tượng “thông thầu”, “dìm giá”, phá hoại cuộc đấu giá này.

Không chỉ ở Hà Nội, tại Thanh Hóa, thời gian qua, tình trạng khan hiếm tài nguyên diễn ra khắp các huyện, thị xã, thành phố, trong đó có tài nguyên cát. Để hạn chế tình trạng khan hiếm, đáp ứng nguồn cung vật liệu cát phục vụ cho các công trình và xây dựng trên địa bàn, tỉnh Thanh Hóa đã đồng ý cho Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra đấu giá nhiều mỏ cát ở các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Mường Lát... Các cuộc đấu giá đều thành công, thế nhưng, tất cả các mỏ cát này đều bị các đơn vị tham gia đấu giá cố tình trả giá cao “ngất ngưởng” rồi không nộp tiền trúng đấu giá, chấp nhận mất tiền đặt cọc, có dấu hiệu "phá" các cuộc đấu giá ở các mỏ cát này.

Cụ thể, ngày 16/2/2023, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa đã công bố kết quả trúng đấu giá đối với mỏ cát xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy, diện tích 21,6ha, đơn vị trúng đấu giá là Công ty Cổ phần Tập đoàn Hùng Sơn trả giá trúng tăng 156% so với giá khởi điểm. Ngày 14/4/2023, đơn vị này chấp nhận mất 3,6 tỷ đồng tiền đặt cọc và làm đơn xin hủy kết quả trúng đấu giá và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thanh Hóa còn hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát xã Mường Lý, huyện Mường Lát do Công ty TNHH Rạng Đông trúng đấu giá cao “chót vót”, gấp 11 lần so với giá khởi điểm và giá cát đang bán thực tế trên thị trường. Đơn vị này sau khi nhận quyết định trúng đấu giá đã chịu mất số tiền đặt cọc nộp vào ngân sách Nhà nước và xin hủy kết quả trúng đấu giá.

Chưa hết, UBND tỉnh Thanh Hóa còn đồng ý hủy kết quả trúng đấu giá mỏ cát xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thái Bình trúng đấu giá ngày 17/8/2023, với mức giá cao gấp 9,5 lần so với giá khởi điểm và cao gấp nhiều lần so với giá cát đang bán thực tế trên thị trường. Đơn vị này sau đó cũng phải mất số tiền đặt cọc và có đơn xin hủy kết quả trúng đấu giá và được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp nhận.

Như vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đưa ra đấu giá 3 mỏ cát, tất cả các cuộc đấu giá hầu hết đều thành công, nhưng các đơn vị trúng đấu giá đều bỏ cọc, không nộp tiền trúng đấu giá, cơ quan Nhà nước phải hủy kết quả trúng đấu giá. Đây là việc ít có trong tiền lệ, lịch sử đấu giá khoáng sản ở địa phương này. Trong khi đó, các huyện có mỏ cát đấu giá không thành công lại phải đi mua cát ở các địa phương khác hoặc mua cát “thổ phỉ” rồi hợp thức hóa chứng từ, hóa đơn để phục vụ cho các công trình xây dựng, kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Nhiều trường hợp đã bị công an “sờ gáy”, khởi tố, bắt giam vì tội “mua bán trái phép hóa đơn”.

Cơ quan công an cần vào cuộc để các cuộc đấu giá diễn ra nghiêm túc

Qua nắm bắt từ nhiều nguồn thông tin phản ánh, sở dĩ các cuộc đấu giá mỏ cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được đẩy giá lên cao trong thời gian vừa qua là vì có nhiều đối tượng muốn lợi dụng “khe hở” của pháp luật, tham gia đấu giá nhằm mục đích “thương lượng”, “chia chác” lấy tiền khi nộp hồ sơ tham gia đấu giá. Đặc biệt, khi không thực hiện được ý đồ, thì cố tình “phá” các cuộc đấu giá bằng cách trả giá cao ngất ngưởng rồi chịu mất số tiền đặt cọc. Những đơn vị muốn trúng đấu giá ở mức vừa phải để có lời thì không thể nào trúng đấu giá được, gây tâm lý hoang mang, tác động xấu đến tình hình an ninh kinh tế và trật tự xã hội. Hoạt động này diễn ra rất tinh vi, có dấu hiệu “phá hoại” các cuộc đấu giá do Nhà nước tổ chức và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Mặt khác, hiện nay, các mỏ cát đưa ra đấu giá có mỏ là đất lòng sông, mặt nước, đất gò nổi trên sông do người dân trồng màu và đất công ích địa phương quản lý, cho thuê… Trong hồ sơ đấu giá lại quy định tổ chức, cá nhân trúng đấu giá phải có trách nhiệm giải phóng mặt bằng (GPMB) khu vực mỏ và hoàn thiện hồ sơ đất theo quy định. Đây cũng là một “lỗ hổng” khiến nhiều doanh nghiệp muốn “làm thật, ăn thật” không muốn tham gia đấu giá, bởi lẽ trước khi đấu giá đã có nhiều đối tượng tìm cách thuê lại đất công ích của xã, tổ chức thu mua lại đất của người dân đang trồng hoa màu trong diện tích mỏ… Từ đây, sẽ xuất hiện tình huống khi các đơn vị trúng đấu giá mỏ cát tiến hành các thủ tục, lại vướng ở khâu GPMB, một là phải thương lượng giá cao, hai là các đối tượng này cố tình gây khó khăn không thể GPMB được, khiến mỏ không thể làm các thủ tục thuê đất, cấp phép khai thác...

leftcenterrightdel
 Nhiều mỏ cát trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa phải hủy kết quả trúng đấu giá vì các đơn vị chịu mất tiền đặt cọc khi trả giá cao rồi không nộp tiền trúng đấu giá. Ảnh: Anh Tú

Do đó, nhiều đơn vị thực sự muốn đấu giá, khai thác mỏ cát cho rằng trước khi đưa ra đấu giá, UBND tỉnh Thanh Hóa cần phải có văn bản chỉ đạo các địa phương có mỏ tiến hành GPMB sạch mới đưa ra đấu giá, hoặc phải báo cáo chi tiết, cụ thể trong khu vực mỏ đấu giá đã cho thuê như thế nào, khả năng GPMB ra sao, có vướng mắc gì không? Có như thế việc đưa ra đấu giá các mỏ cát mới thật sự công bằng, minh bạch, khách quan, thu được ngân sách cho Nhà nước và giải được bài toán thiếu hụt tài nguyên cát ở các địa phương.

Được biết, mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa đã ký hợp đồng tổ chức đấu giá đối với Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản Thanh Hóa tổ chức đấu giá các mỏ cát ở xã Yên Phong, huyện Yên Định; mỏ cát xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước; mỏ cát ở xã Cẩm Ngọc, huyện Cẩm Thủy… Để các cuộc đấu giá diễn ra nghiêm túc, đề phòng dấu hiệu phá hoại ở các cuộc đấu giá này, Cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa cần theo dõi, nghiêm túc rà soát các tiêu chí, tiêu chuẩn, nhu cầu của các đơn vị tham gia đấu giá, tránh tình trạng bỏ giá “trên trời” lại bỏ cọc, gây phiền hà cho các cơ quan Nhà nước trong việc tổ chức đấu giá, thẩm định… Đồng thời, có phương án "siết" tình trạng đấu giá ảo, nhiễu loạn thị trường.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.                                        

Văn Thanh