Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh tra sở. Theo đó, thanh tra sở được thành lập theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 26 của Luật Thanh tra bao gồm Thanh tra Sở: Công Thương; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Lao động - Thương binh và Xã hội; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tài chính; Tài nguyên và Môi trường; Thông tin và Truyền thông; Tư pháp; Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Văn hóa, Thể thao, Du lịch; Xây dựng; Y tế.

Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra theo quy định thì UBND cấp tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở căn cứ vào yêu cầu quản lý Nhà nước về ngành, lĩnh vực tại địa phương và biên chế được giao. Trường hợp thanh tra sở được luật quy định thì thực hiện theo quy định của luật và văn bản hướng dẫn thi hành.

Tổ chức, hoạt động của thanh tra sở, Điều 18 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra sở, chánh thanh tra sở và tổ chức, hoạt động của thanh tra sở được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc thành lập thanh tra sở phải bảo đảm đáp ứng các tiêu chí như thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc sở theo quy định của pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương. Tại những sở không thành lập cơ quan thanh tra, giám đốc sở giao đơn vị thuộc sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 16 sở có tổ chức thanh tra sở, gồm: 15 sở được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP và Ban Dân tộc tỉnh.

Theo Thanh tra tỉnh có 9/16 sở bố trí biên chế công chức tại thanh tra sở từ 6 biên chế công chức trở lên (đủ điều kiện biên chế tối thiểu theo quy định) và có 7/16 sở bố trí biên chế công chức tại thanh tra sở từ 5 biên chế công chức trở xuống (không đủ điều kiện biên chế tối thiểu theo quy định), gồm: Giáo dục và Đào tạo (4 biên chế); Kế hoạch và Đầu tư (5 biên chế); Khoa học và Công nghệ (3 biên chế); Thông tin và Truyền thông (3 biên chế); Tư pháp (4 biên chế); Y tế (3 biên chế); Ban Dân tộc (3 biên chế).

Ngày 3/7/2024, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Công văn số 4917/UBND-NCKS thống nhất chủ trương sắp xếp thanh tra của các sở, ban, ngành như sau:

Đối với 15 sở được thành lập thanh tra sở: Nội vụ, Công Thương, Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Y tế tiếp tục duy trì đảm bảo có tối thiểu 6 biên chế công chức tại thanh tra sở theo quy định.

Đối với các sở: Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp thực hiện sắp xếp, bố trí biên chế thanh tra sở đảm bảo có tối thiểu 6 biên chế công chức trong tổng số biên chế được UBND tỉnh giao.

Trường hợp biên chế được UBND tỉnh giao không đủ để bố trí cho các phòng theo quy định thì có phương án kiện toàn, sắp xếp lại các phòng chuyên môn để bố trí biên chế cho thanh tra và các phòng chuyên môn theo quy định.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 17, Nghị định số 03/2024/NĐ-CP; Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 03/2024/NĐ-CP, Nghị định số 107/2020/NĐ-C ngày 14/9/2020 của Chính phủ nên Thanh tra Ban Dân tộc không nhất thiết phải tồn tại.

Theo Thanh tra tỉnh Quảng Nam, hiện nay tổ chức thanh tra sở còn đảm đương rất nhiều nhiệm vụ chuyên môn được thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giao, vì vậy công chức thanh tra sở được phân công thực hiện nhiệm vụ khác nhau.

Có công chức hiện đang công tác tại thanh tra sở nhưng chưa từng tham gia các cuộc thanh tra, do đó, trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến công tác thanh tra sẽ bị hạn chế nên khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ thanh tra khi được giao. Chính vì vậy, để nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác thanh tra, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh cần hạn chế việc giao nhiệm vụ khác không liên quan đến công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho tổ chức thanh tra sở.

Thời gian tới, mong rằng việc nâng cao chất lượng, đảm bảo tính ổn định của các công chức thanh tra sở được các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh quan tâm hơn. 

Để thực hiện tốt điều này, Thanh tra tỉnh mong rằng thủ trưởng các sở, ban, ngành tạo điều kiện cho công chức thanh tra sở đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; công tác quy hoạch, luân chuyển, bố trí và sử dụng công chức thanh tra phải phù hợp với pháp luật về thanh tra, nhất là phải đảm bảo tính kế thừa.

Việc luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý hoặc công chức giữ ngạch thanh tra viên phải khoa học, hợp lý và có căn cứ theo quy định. Công chức các phòng chuyên môn, nghiệp vụ được luân chuyển đến công tác tại tổ chức thanh tra sở phải đảm bảo tiêu chuẩn bổ nhiệm vào ngạch thanh viên để thực hiện ngay nhiệm vụ mà không phải trải qua các lớp đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn của ngạch thanh tra viên.

Thanh Nhung