Chánh Thanh tra tỉnh Bình Thuận đã ban hành Kết luận thanh tra số 05/KT-TTBT ngày 4/5/2024 về trách nhiệm thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại UBND TP Phan Thiết. Thời kỳ thanh tra từ ngày 15/6/2021 đến ngày 30/11/2023.

Theo kết luận thanh tra, trong thời kỳ thanh tra, Chủ tịch UBND TP Phan Thiết đã quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các đơn vị trực thuộc UBND TP triển khai thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp.

Kết luận thanh tra cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong thực hiện công vụ tại UBND TP Phan Thiết. Cụ thể, về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với việc thực hiện TTHC, ở lĩnh vực hộ tịch cấp huyện, cấp xã chưa nêu đầy đủ căn cứ pháp lý của các TTHC.  

Trong lĩnh vực hộ tịch, chứng thực, thời gian giải quyết đối với thủ tục thực hiện đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật Hộ tịch, thủ tục thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 44 của Luật Hộ tịch là “ngày”; đồng thời tại các quyết định công bố danh mục TTHC cũng quy định thời gian giải quyết là “ngày”. Tuy nhiên, quy trình thực hiện trên hệ thống lại tính thời gian là ngày làm việc, là không phù hợp với quy định. 

Thời gian giải quyết hồ sơ hộ tịch quy định tại khoản 3, Điều 5 của Luật Hộ tịch: “Đối với những việc hộ tịch mà Luật này không quy định thời hạn giải quyết thì được giải quyết ngay trong ngày; trường hợp nhận hồ sơ sau 15 giờ mà không giải quyết được ngay thì trả kết quả trong ngày làm việc tiếp theo”.

Tuy nhiên, các quyết định công bố TTHC của tỉnh quy định thời gian giải quyết là “1 ngày” chưa phân định hồ sơ nhận trước hay sau “15 giờ”. Việc tham mưu rút ngắn thời gian giải quyết TTHC thực hiện chưa đúng chủ trương của tỉnh về cải cách hành chính.

Trong thời kỳ thanh tra, UBND TP Phan Thiết chưa thực hiện được việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC do Sở Thông tin và Truyền thông chưa triển khai. Việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử có một số tồn tại, thiếu sót như: Phần lớn các thủ tục không quét (scan), cập nhật chưa đầy đủ, không đúng vị trí các thành phần hồ sơ; chưa cập nhật hoặc cập nhật kết quả giải quyết chưa đúng vị trí là không đúng quy định; việc xử lý hồ sơ điện tử không đồng bộ với việc xử lý hồ sơ giấy; việc luân chuyển hồ sơ ở các bước còn chậm, chưa đảm bảo quy định.

Kết quả đánh giá, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp theo thời gian thực hiện trên môi trường điện tử năm 2023, UBND TP Phan Thiết xếp loại trung bình.

Đối với việc giải quyết TTHC, qua thanh tra ngẫu nhiên các hồ sơ tại một số đơn vị, địa phương, cho thấy các đơn vị đã thực hiện đảm bảo quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn một số hạn chế, thiếu sót như: Thành phần hồ sơ tiếp nhận, thời gian hoàn thành và hẹn trả kết quả thực hiện chưa đúng quy định; có nhiều hồ sơ quá hạn chưa giải quyết; chưa thực hiện số hóa kết quả giải quyết TTHC.

Hồ sơ trễ hạn thực hiện chưa đúng quy định tại khoản 9 Điều 19 Nghị định số 61/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể, phần lớn hồ sơ trễ hạn không có thông báo bằng văn bản cho bộ phận một cửa; có thực hiện xin lỗi nhưng chậm so với thời gian quy định, không hẹn lại ngày trả kết quả, không đúng mẫu quy định; có hồ sơ không thực hiện xin lỗi.

Theo kết luận thanh tra, trách nhiệm đối với những tồn tại, thiếu sót trước hết thuộc về Chủ tịch UBND TP Phan Thiết và Phó Chủ tịch UBND TP phụ trách lĩnh vực có liên quan. Trách nhiệm chính, trực tiếp thuộc về thủ trưởng các phòng, đơn vị và UBND cấp xã có liên quan: Văn phòng HĐND & UBND TP; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Tư pháp; Phòng Quản lý đô thị; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP; UBND phường Phú Thủy và UBND xã Tiến Lợi; các cán bộ, công chức, viên chức được phân công

Thu Huyền