Vừa qua, Báo Thanh tra đã có loạt bài viết phản ánh về việc Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đồng thuận với quy định tại Điều 6 về “quản lý định mức dịch vụ sự nghiệp công” và thời hạn xây dựng, ban hành thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD.  

Điều 6 dự thảo uy định: “Định mức kinh tế - kỹ thuật do UBND cấp tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung là cơ sở để ban hành giá, đơn giá sản phẩm hoặc lập dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công”.

Ông Biên cho biết, Bộ Xây dựng đã nhận được 18 văn bản phản hồi của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi về với nội dung “trách nhiệm xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật thuộc về Bộ Xây dựng”.

“Tuy nhiên, việc phản hồi của các tỉnh, thành gửi về Bộ Xây dựng là thiếu thông tin, chỉ dẫn chiếu Khoản 2, Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP (trách nhiệm của Bộ Xây dựng) mà không dẫn chiếu điểm b, Khoản 2, Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP (trách nhiệm của UBND cấp tỉnh)”, ông Biên nói.

leftcenterrightdel
Thời gian qua, lĩnh vực cây xanh đô thị cũng đã xảy ra nhiều vụ vi phạm. Ảnh: TQ 

Cũng theo ông Biên, trong dự thảo tháng 8/2023 gửi các địa phương để lấy kiến góp ý không có nội dung về việc Bộ Xây dựng công bố định mức kinh tế kỹ thuật, mà chỉ dẫn chiếu: “Định mức kinh tế - kỹ thuật do UBND cấp tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung là cơ sở để ban hành giá, đơn giá sản phẩm hoặc lập dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công”. Trách nhiệm này của UBND cấp tỉnh đã được nêu rõ tại điểm b, Khoản 2, Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP, không phải do Bộ Xây dựng “yêu cầu” như ý kiến trên.

Quá trình lấy ý kiến, nhiều địa phương đề nghị bổ sung quy định Bộ Xây dựng ban hành định mức kinh tế kỹ thuật để áp dụng chung, còn các địa phương ban hành định mức đặc thù. Vì vậy, tổ biên tập, ban soạn thảo thông tư đã đánh giá lại các căn cứ, cơ sở pháp lý liên quan đến việc ban hành định mức và thực tiễn triển khai các dịch vụ này tại các địa phương. Đồng thời, đề xuất Bộ Xây dựng có văn bản gửi Bộ Tài chính để lấy ý kiến về thẩm quyền ban hành định mức của Bộ Xây dựng.

Trên cơ sở đó, dự thảo thông tư tháng 11/2023 đã quy định: UBND cấp tỉnh căn cứ phương pháp kèm theo thông tư này để ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công. Đồng thời, dự thảo cũng đã bổ sung, làm rõ nội dung: “Định mức do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để UBND cấp tỉnh tham khảo trong quá trình tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý”.

“Như vậy có thể khẳng định, tổ biên tập, ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến góp ý của địa phương về nội dung này nhằm tạo thuận tiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện. Những ý kiến gần đây tiếp tục kiến nghị Bộ Xây dựng công bố, ban hành định mức để áp dụng chung, các địa phương ban hành định mức đặc thù có thể do thiếu thông tin về dự thảo thông tư - phiên bản tháng 11/2023, cũng là dự thảo đã được hoàn thiện sau khi lấy ý kiến góp ý”, ông Biên khẳng định.

Cũng theo Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, dự thảo thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 đã được Vụ Pháp chế ra văn bản thẩm định.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Xây dựng yêu cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các bộ định mức dịch vụ công cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị là tương tự như nhau dẫn đến tốn kém ngân sách Nhà nước, không đảm bảo tính thống nhất và khó khăn khi tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc lập định mức là công việc có chuyên ngành riêng, hầu như tại các địa phương không có đơn vị tư vấn có khả năng lập định mức vì vậy có thể dẫn đến việc địa phương phải đặt hàng độc quyền với các đơn vị của Bộ Xây dựng (Trung tâm Tư vấn Kinh tế xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng).

“Về nội dung này, hiện có nhiều đơn vị đủ điều kiện thẩm định, không riêng gì Trung tâm Tư vấn Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng và Viện Kinh tế xây dựng”, ông Biên cho biết.

leftcenterrightdel
 Việc chậm ban hành thông tư thay thế có làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Bộ Xây dựng và các địa phương? Ảnh: TQ

Về lộ trình xây dựng dự thảo, qua tìm hiểu được biết, dự thảo thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 sẽ được trình, ban hành vào quý VI/2022 (theo Quyết định số 100/QĐ-BXD ngày 10/3/2022), tuy nhiên không đạt được lộ trình.

Theo Quyết định số 296/QĐ-BXD ngày 28/3/2023 về việc ban hành Chương trình Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2023, Thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 sẽ được trình, ban hành vào quý III/2023. Tuy nhiên, đến nay đã tháng 7/2024 mà Thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 vẫn chưa được ban hành?

Đáng chú ý, dự thảo thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 không có trong chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2024 theo Quyết định số 220/QĐ-BXD ngày 29/3/2024 của Bộ Xây dựng.

Đánh giá về lộ trình xây dựng, ban hành Thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng thừa nhận, việc chậm ban hành thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 có phần trách nhiệm của cơ quan chuyên môn và Bộ Xây dựng.

Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành và ban hành sớm thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017, tuy nhiên, ông Biên không “tiết lộ” thời gian ban hành cụ thể?

Đến bao giờ Bộ Xây dựng mới ban hành thông tư thay thế Thông tư 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017? Việc chậm ban hành thông tư có làm ảnh hưởng đến các hoạt động của Bộ Xây dựng và các địa phương? Tổ chức, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trong việc chậm ban hành?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh.

Trần Quý