Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị và định mức ban hành kèm theo Quyết định số 592/QĐ-BXD ngày 30/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc công bố định mức dự toán thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đô thị đã bộc lộ nhiều bất cập cần được sửa đổi.

Tại hội nghị góp ý Dự thảo Thông tư ban hành quy trình kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt và Dự thảo Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng mới đây đã nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề liên quan cho rằng, còn có một số nội dung chưa phù hợp với quy định của Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ Xây dựng. Do vậy, việc Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BXD được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều vấn đề mà các doanh nghiệp môi trường tại các địa phương đang còn vướng mắc. Tuy nhiên, đến nay dự thảo thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017 của Bộ Xây dựng vẫn đang trong quá trình xin ý kiến góp ý.

Trong nội dung lấy ý kiến, quy định tại Điều 6 về “quản lý định mức dịch vụ sự nghiệp công” đang thu hút nhiều ý kiến góp ý của các tỉnh, thành trên cả nước.

Điều 6 dự thảo này quy định: “Định mức kinh tế - kỹ thuật do UBND cấp tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung là cơ sở để ban hành giá, đơn giá sản phẩm hoặc lập dự toán chi phí dịch vụ sự nghiệp công”.

Đồng thời, khoản 3, Điều 7, dự thảo quy định: “Cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh được thuê tổ chức, cá nhân tư vấn có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để xây dựng hoặc thẩm tra định mức kinh tế-kỹ thuật, giá, đơn giá dịch vụ sự nghiệp công từ nguồn ngân sách địa phương. Chi phí thuê tổ chức, cá nhân tư vấn được xác định bằng dự toán chi phí phù hợp với nội dung, yêu cầu của công việc cần thiết.

Liên quan đến nội dung này, ngày 29/5/2024, Bộ Xây dựng có Văn bản số 3208/BXD-KTXD gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có nội dung trọng tâm là UBND các tỉnh, thành ban hành định mức dịch vụ công cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị theo khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Xây dựng yêu cầu UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng các bộ định mức dịch vụ công cây xanh đô thị, chiếu sáng đô thị là tương tự như nhau dẫn đến tốn kém ngân sách nhà nước, không đảm bảo tính thống nhất và khó khăn khi tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, việc lập định mức là công việc có chuyên ngành riêng, hầu như tại các địa phương không có đơn vị tư vấn có khả năng lập định mức vì vậy có thể dẫn đến việc địa phương phải đặt hàng độc quyền với các đơn vị của Bộ Xây dựng (Trung tâm Tư vấn Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng).

Liên quan đến nội dung xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, nhiều tỉnh đã có văn bản gửi về Bộ Xây dựng nêu rõ thẩm quyền xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật thuộc về Bộ Xây dựng.

Ngày 13/6/2024 UBND tỉnh Phú Yên có Văn bản số 3474/UBND-ĐTXD đề nghị Bộ Xây dựng ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công (áp dụng đối với dịch vụ công ích đô thị) theo thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Xây dựng được quy định tại Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.

Theo quy định khoản 3 Điều 10 Nghị định 123/NĐ-CP 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, trong đó quy định nhiệm vụ và quyền hạn của các bộ ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, quy định về đấu thầu, giao hàng, giao nhiệm vụ cung ứng thực hiện dịch vụ sự nghiệp công thuộc lĩnh vực quản lý.

Tương tự với ý kiến của Phú Yên, tại Văn bản số 3122/UBND-XD ngày 13/6/2024 của UBND tỉnh Lào Cai hay Văn bản số 1457/SXD-QLXD ngày 13/6/2024 của Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, Văn bản 1134/SXD-PTĐT&HTKT ngày 11/6/2024 của Sở Xây dựng tỉnh Nam Định đề nghị Bộ Xây dựng chỉnh sửa nội dung quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 3 Điều 7 của dự thảo việc ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc cấp bộ ban hành.

leftcenterrightdel
 Văn bản số 2288/UBND-KTN của UBND tỉnh Lai Châu gửi Bộ Xây dựng. Ảnh: TQ

Theo các địa phương, điều này nhằm đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh nảy sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị trên phạm vi cả nước. Tránh việc địa phương ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật khác nhau trong khi các công tác có tính chất như nhau, gây lãnh phí không cần thiết.

Một số ý kiến thắc mắc về trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc chậm ban hành, sửa đổi, bổ sung nhiều đơn giá, định mức. Có loại đơn giá, định mức như trong dịch vụ công ích đô thị cần bộ ban hành để đảm bảo thống nhất, thuận lợi trong thực hiện thì lại được chuyển trách nhiệm cho địa phương, trong khi thẩm quyền và trách nhiệm ban hành là của Bộ Xây dựng. Đối với một số đơn giá, định mức chuyên ngành thì Bộ Xây dựng chưa mạnh dạn đề xuất trao quyền cho bộ chuyên ngành được ban hành và tự chịu trách nhiệm.

Trần Quý