Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

UBND tỉnh Đồng Nai thiếu quyết liệt trong tổ chức, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra công vụ

Phương Anh

Thứ sáu, 18/10/2024 - 07:00

(Thanh tra) - Đó là một trong những tồn tại được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 363/Kl-TTCP ngày 30/9/2024 thanh tra trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại UBND tỉnh Đồng Nai.

Theo kết luận thanh tra,việc phối hợp, thẩm định hồ sơ của các cơ quan, tổ chức và chờ lấy ý kiến của các thành viên UBND tỉnh Đồng Nai mất nhiều thời gian và còn có biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm. Ảnh minh hoạ: IT

Thiếu quyết liệt đối với công tác thanh tra, kiểm tra công vụ

Kết luận thanh tra nêu rõ, giai đoạn 2021-2023, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, tỉnh Đồng Nai còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm.

Việc Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy trình nội bộ, quy trình điện tử giải quyết thủ tục hành chính ban hành mới, thay thế, bãi bỏ, trong đó quy định quy định về thời hạn giải quyết không thống nhất, có quy trình quy định thời hạn giải quyết là “ngày”, có quy trình giải quyết là “ngày làm việc”; chậm ban hành quyết định công bố thủ tục hành chính so với quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP, Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, Nghị định số 92/2017/NĐ-CP.

Cũng theo kết luận thanh tra, việc phối hợp, thẩm định hồ sơ của các cơ quan, tổ chức và chờ lấy ý kiến của các thành viên UBND tỉnh Đồng Nai mất nhiều thời gian và còn có biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn hoặc không giải quyết. Kiểm tra xác suất 58 hồ sơ quá hạn có 13 hồ sơ quá hạn do nguyên nhân trên (trong đó có 5/13 hồ sơ quá hạn từ 2 đến 10 ngày, 8/13 hồ sơ quá hạn từ 40 ngày đến 24 tháng); có 824 hồ sơ giải quyết quá thời hạn do chưa có thông báo nghĩa vụ tài chính nhưng trên hệ thống một cửa điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường phản ánh đã hoàn thành xử lý và thống kê vào hệ thống là hồ sơ giải quyết trong thời hạn quy định.

Tại thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành 50 cuộc kiểm tra và các cơ quan, tổ chức tiến hành 24 cuộc kiểm tra lại 116 đơn vị; trong đó, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính và cải cách hành chính tại 85 UBND cấp xã và 7 bộ phận một cửa thuộc UBND cấp huyện; kiểm tra công tác cải cách hành chính tại 15 sở, ban, ngành, UBND cấp huyện; kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ công vụ tại 9 đơn vị, địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan, tổ chức chỉ đạo thiếu quyết liệt đối với công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, nhất là việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, dẫn đến công tác kiểm tra còn nhiều tồn tại, như: Các cuộc kiểm tra công vụ của tỉnh do Giám đốc Sở Nội vụ ban hành quyết định là không đúng thẩm quyền theo kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính hằng năm của UBND tỉnh; có cơ quan, tổ chức tiến hành kiểm tra nhưng không ban hành quyết định kiểm tra; kết thúc kiểm tra, trưởng đoàn kiểm tra không có báo cáo về kết quả kiểm tra gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức nên không có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị về những thiếu sót, tồn tại được đoàn kiểm tra chỉ ra.

Toàn cảnh buổi công bố kết luận thanh tra ngày 16/10. Ảnh: PV

Vì vậy, một số thiếu sót, tồn tại trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; việc chậm, quá hạn trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp... đã được các cuộc kiểm tra chỉ ra nhưng không được chấn chỉnh khắc phục kịp thời...

Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan

Từ những vấn đề nêu trên, dẫn đến công tác cải cách hành chính, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai chưa đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, cụ thể như: Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến chỉ đạt 15% và tiếp nhận trực tuyến toàn trình là 8%; tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính quá hạn cao, chiếm 15,5%; việc số hóa hồ sơ giải quyết, đạt tỷ lệ 14,61% (cấp tỉnh là đạt tỷ lệ 27,44%; cấp huyện, đạt tỷ lệ 17,63%; cấp xã đạt tỷ lệ 8,86%); các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội đang thực hiện tại phòng chuyên môn của huyện (huyện Nhơn Trạch) chưa thực hiện tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận một cửa như báo cáo của UBND tỉnh; hồ sơ giải quyết quá hạn của các phòng, ban chuyên môn thuộc 4 cơ quan, tổ chức được kiểm tra cao, một số đơn vị chiếm tỷ lệ trên 50%; tỷ lệ hồ sơ phát sinh giao dịch trực tuyến của tỉnh trong thời kỳ thanh tra mới đạt 47,57% chưa đạt mục tiêu đề ra là phải đạt tỷ lệ 50% trở lên.

“Trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh; các cơ quan của tỉnh có liên quan; trưởng các đoàn kiểm tra”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, hàng năm, Bộ Nội vụ công bố kết quả đánh giá các chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (Par Index), chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), theo đó, năm 2022, kết quả chỉ số tổng hợp của tỉnh Đồng Nai đạt 82,92%, xếp thứ 51/63 (tăng 4 bậc so với năm 2021); kết quả xếp hạng Par Index của tỉnh tuy có tăng về thứ hạng nhưng điểm số không tăng và ở nhóm thấp so với cả nước; chỉ số SIPAS của tỉnh đạt 77,31% (thấp hơn trung bình cả nước 2,77%), xếp hạng 50/63 tỉnh, thành phố và giảm 40 bậc so với năm 2021.

Từ những tồn tại trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, đồng bộ trong việc chuyển đổi số; tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nền tảng ứng dụng; tập trung xây dựng, hoàn thiện, đưa vào khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu Quốc gia, chuyên ngành.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất về thời gian thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy phép xây dựng theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định thống nhất về thời gian giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp là “ngày” hay “ngày làm việc” tại các văn bản quy phạm pháp luật và các quyết định công bố thủ tục hành chính.

Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai  kiểm tra, rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn về công tác cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính, nhất là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính , cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; cập nhật, sửa đổi và ban hành theo thẩm quyền các văn bản mới để thay thế, bổ sung cho phù hợp với quy định pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Căn cứ kết luận thanh tra và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Đồng Nai tố chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra tại kết luận thanh tra. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc chậm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; chậm thực hiện số hóa, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường diện tử; chậm giải quyết thủ tục hành chính, nhất là có biểu hiện né tránh, lòng vòng, đùn đẩy trách nhiệm...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm