Trong những năm qua, để góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh “vươn xa”, Sở Công thương Quảng Ninh đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu đến thị trường trong và ngoài nước; xây dựng cơ sở dữ liệu và tham gia phân phối trên các sàn thương mại điện tử uy tín để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng.

Cùng với đó, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP, hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng như tổ chức các hội chợ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm; thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh…

Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác kết nối thị trường, nhằm phát huy thế mạnh các sản phẩm trên sàn giao dịch, tối ưu giá trị các sản phẩm, nâng tính cạnh tranh, tạo nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường ổn định và lâu dài.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh Nguyễn Hoài Thương chia sẻ: Tỉnh đang trên hành trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện, đây là điều kiện hết sức quan trọng, tiền đề để đưa các sản phẩm của tỉnh vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.

Ngoài ra, để giúp cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có thể đưa sản phẩm OCOP tiến xa hơn trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Ninh đã có tờ trình đề nghị Sở Thông tin & Truyền thông thẩm định đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cổng Thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa tỉnh Quảng Ninh” và trình UBND tỉnh xem xét. Sau khi được thông qua sẽ giúp cho việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được thuận tiện hơn.

Cùng với chính quyền, để sản phẩm OCOP đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường, các đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP cũng đã ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá xúc tiến cũng quan tâm; tỉnh Quảng Ninh cũng tạo điều kiện giúp các đơn vị đưa những sản phẩm đạt chuẩn OCOP tham gia hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định được thị trường trong nước và tìm kiếm được thị trường nước ngoài, thời gian tới, đơn vị ưu tiên đẩy mạnh việc liên kết vùng, liên kết sản xuất để phát triển sản phẩm OCOP.

Tăng cường phối hợp, xây dựng các chuỗi liên kết, chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ phát triển tổ chức, phát triển sản phẩm. Riêng trong năm 2022, phấn đấu có 2-4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm tiềm năng của tỉnh đến các kênh, điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

Việc phát triển mạnh mẽ các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã và đang tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng. Cùng với đó, kết quả thành công của tỉnh cũng đã được Trung ương đánh giá cao và chọn triển khai nhân rộng ra toàn quốc… Đây chính là những nền tảng vững chắc để các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiến gần hơn với thị trường quốc tế. Đồng thời, đưa OCOP từng bước trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng, góp phần khẳng định thương hiệu riêng có của Quảng Ninh.

Trọng Tài