Cùng với đó, kịp thời phối hợp với các sở giao dịch chứng khoán có đánh giá, phân tích, tiến hành kiểm tra giao dịch đối với các giao dịch có dấu hiệu vi phạm quy định.

Bộ Tài chính cũng giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; quản lý chặt chẽ trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng, tránh trường hợp đơn vị phát hành không trả được nợ cho nhà đầu tư.

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, kết thúc tháng 4/2024, VN-Index giảm gần 75 điểm (giảm 5,81%) so với cuối tháng trước. Thị trường chứng khoán đã trải qua nhiều phiên giảm điểm trước tác động của các yếu tố trong và ngoài nước.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6,44 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với cuối năm trước; tương đương 63% GDP năm 2023.

Hiện có 738 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,7 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán.

Giá trị giao dịch bình quân tháng 4 là 26,5 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 10,8% so với tháng trước; bình quân 4 tháng đầu năm là 24,4 nghìn tỷ đồng, tăng 38,8% so với bình quân năm 2023.

Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường; đã ban hành 176 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt khoảng 24 tỷ đồng.
H.N