Vietjet Air không nhận thêm tàu bay, Vietnam Airlines chỉ bổ sung thêm 2 chiếc

Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm đầu tháng 05/2024, tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 199 chiếc, giảm 32 tàu bay so với năm 2023, trong đó số lượng tàu bay đang khai thác thực tế dao động từ 165-170 tàu bay, giảm khoảng 40-45 tàu bay so với bình quân tàu bay khai thác trong năm 2023.

Các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm số lượng tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam như: Nhà sản xuất động cơ Pratt&Whitney (PW) đã thực hiện triệu hồi động cơ PW1100 để kiểm tra và sửa chữa chuyên sâu nhằm khắc phục lỗi sản xuất (ước tính có thể ảnh hưởng đến 600-700 động cơ PW1100 đang khai thác trên các đội bay hoạt động trên toàn thế giới).

Tại Việt Nam, các động cơ này đang được sử dụng trên một số tàu bay A321NEO khai thác bởi Vietnam Airlines và VietJet Air nên sự việc này làm cho một số tàu bay phải dừng khai thác trong năm 2024 và năm 2025 (thời điểm dừng tàu bay bắt đầu từ tháng 01/2024).

Thời gian đưa động cơ đi sửa chữa bị kéo dài. Năm 2019 chỉ cần 75 ngày thì hiện nay (2024) theo thông báo của PW cần 140-160 ngày, trường hợp đặc biệt lên đến 365 ngày.

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, trong bối cảnh thâm hụt tàu bay, thì kế hoạch nhận tàu bay của các hãng hàng không trong năm 2024 lại đang bị ảnh hưởng. Cụ thể, Vietjet Air sẽ không nhận thêm bất kỳ tàu bay nào; Vietnam Airlines chỉ nhận thêm 02 tàu bay B787 vào tháng 6 và tháng 7/2024; các hãng hàng không khác đều thông báo không tìm được tàu bay thuê theo kế hoạch.

Các hãng hàng không Pacific Airlines và Bamboo thực hiện việc tái cơ cấu đội tàu bay nhằm tối ưu công tác quản trị, tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, hiện tại Pacific Airlines không khai thác tàu bay nào (giảm 10 tàu so năm 2023) và Bamboo chỉ khai thác 05 tàu (giảm 25 tàu so với năm 2023).

“Việc giảm cung vận tải nội địa do giảm tàu bay là nguyên nhân ảnh hưởng đến biến động về giá vé, đặc biệt trong thời điểm cầu vận chuyển hàng không tăng cao do nhu cầu đi lại của hành khách tăng vào các dịp lễ, tết. Tình trạng chênh lệch cung cầu này, dự báo sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm Hè 2024. Điều này cũng gây ra áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, đặc biệt là các chặng bay đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng”, Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Giá thuê cũng tăng phi mã

Trong khi đó, giá thuê động cơ và phụ tùng bay cũng tăng mạnh. Giá thuê động cơ đối với Airbus A321 là 48-50 nghìn USD/tháng vào năm 2019, tăng lên 80-100 nghìn USD/tháng vào năm 2024; giá thuê tàu bay Boeing B-787 là 160 nghìn USD/tháng vào năm 2022, tăng lên 370 nghìn USD/tháng vào năm 2024. Giá phụ tùng vật tư tăng từ 10-13% so với thời điểm trước năm 2019.

Trên thực tế, những năm qua các hãng hàng không như VietJet Air, Vietnam Airlines đang phải chi đến hàng chục nghìn tỷ đồng để thuê tàu bay.

Đơn cử, tại Vietnam Airlines, trong 2 năm gần nhất, cùng số lượng thuê tàu bay 52 chiếc, thế nhưng chi phí thuê tăng từ 11.364 tỷ đồng lên 12.253 tỷ đồng.

Đối với Vietjet, giai đoạn trước đó, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận chi phí mua tàu bay. Tuy nhiên, từ năm 2021, Vietjet bắt đầu xuất hiện các khoản chi phí thuê tàu bay, từ mức 4.117 tỷ đồng trong năm 2021, chi phí này đã tăng vọt lên hơn 11.309 tỷ đồng vào năm 2023.

Liên quan đến việc thiếu hụt tàu bay, cũng như những khó khăn và phương án bổ sung trong thời gian sắp tớp, Báo Thanh tra đã liên hệ với các hãng bay như Vietjet và Bamboo. Tuy nhiên, phía Vietjet cho biết sẽ chia sẻ trong một dịp khác, trong khi đó, phía Bamboo vẫn chưa có câu trả lời.

Để khắc phục khó khăn trong việc thiếc tàu bay trong thời gian này, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam thông tin, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Vietnam Airlines đã cam kết sẽ thêm số lượng thời gian trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9/2024; trong khoảng tháng 7 đến tháng 9, Vietjet cũng sẽ tăng số lượng tàu bay.

Với sự cam kết của các hãng, số lượng tàu vẫn đang thiếu. Do đó, một số giải pháp sẽ được tính toán thêm như: tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu.

"Đơn cử, tàu bay A320, A321 của Vietnam Airlines đang có khai thác bình quân 9-10 tiếng/ngày, Vietjet khoảng 12-13 tiếng/ngày, thời gian này sẽ được tính toán, điều chỉnh. Thời gian quay đầu ở sân bay của tàu bay A321 cũng sẽ nghiên cứu kéo giảm từ 45 phút xuống khoảng 30-35 phút. Phương án đưa tàu bay thân rộng đưa vào khai thác nội địa cũng sẽ được tính toán đến dù rất tốn kém", Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho hay.

Quang Dân