Quyền lợi người lao động bị “bỏ quên”

Hoạt động cho thuê lại lao động đã chính thức được luật hóa từ ngày 1/5/2013, khi Bộ luật Lao động 2012 bắt đầu có hiệu lực. Luật Lao động năm 2019 tiếp tục công nhận dịch vụ này.

Chính phủ ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về việc cấp phép hoạt động cho thuê lại lao động, việc ký quỹ và danh mục công việc được phép cho thuê lại lao động…

Những quy định của pháp luật đã góp phần đưa hoạt động cho thuê lao động đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn còn DN chấp hành quy định chưa nghiêm.

Để chấn chỉnh hoạt động này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Bắc Ninh đã tiến hành thanh tra tại 6 DN cho thuê lại lao động và kiểm tra xác minh đối với 14 DN thuê lại lao động.

6 DN được thanh tra lần này hoạt động trong lĩnh vực cung ứng và quản lý nguồn lao động, đều có đầy đủ giấy phép và đang trong thời gian còn hiệu lực pháp luật, với tổng số lao động làm việc là 2.714 người. Thời gian qua, các DN đã thực hiện thanh toán tiền lương cho người lao động, không để phát sinh khiếu nại, tố cáo liên quan đến trả lương…

Quá trình thanh tra việc chấp hành quy định về hợp đồng cho thuê lại lao động, cho thấy các DN đều có vi phạm. Cụ thể, DN có ký kết hợp đồng với công ty thuê lại lao động bằng văn bản, nhưng tên của hợp đồng ký không đúng. Đơn cử, ký tên hợp đồng dịch vụ, hợp đồng gia công, hợp đồng cung ứng lao động thời vụ... nhưng thực chất nội dung của hợp đồng lại mang tính chất cho thuê lại lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH, việc thay đổi tên gọi của hợp đồng chủ yếu do yêu cầu của DN thuê lại lao động. Mục đích nhằm né tránh hình thức cho thuê lao động sang hình thức cung ứng lao động, cung ứng dịch vụ lao động thời vụ, để trốn tránh trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên phải thực hiện đối với người lao động cũng như công tác an sinh xã hội.

Điều này gây ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động. Đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN có nhu cầu sử dụng lao động, làm rối loạn thị trường lao động và có biểu hiện trục lợi trong lĩnh vực sử dụng lao động.

Không chỉ vậy, các DN ký hợp đồng cho thuê lại lao động có nhiều nội dung không cụ thể như: Địa điểm làm việc, vị trí việc làm cần sử dụng lao động, nội dung cụ thể của công việc, yêu cầu cụ thể đối với người lao động thuê lại, thời gian thuê lại lao động, thời gian bắt đầu làm việc của người lao động thuê lại; thể hiện không đầy đủ trách nhiệm của mỗi bên đối với người lao động; trách nhiệm bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...

Đáng nói, 2/6 DN cho thuê lại lao động có quy định hành vi cưỡng bức lao động (bắt buộc làm thêm giờ); một số hợp đồng cho thuê lại lao động có nội dung phạt tiền người lao động. Đặc biệt, 6 DN được tiến hành thanh tra đều ký hợp đồng không ghi tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ hàng năm.

Người lao động cho thuê không nắm được công việc cụ thể khi ký hợp đồng; thỏa thuận với chủ sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; chưa được đảm bảo đầy đủ quyền lợi về trả lương, tham gia bảo hiểm xã hội, phụ cấp so với người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau.

Cần biện pháp quản lý tốt hơn

Thanh tra việc chấp hành quy định về quyền và nghĩa vụ của DN cho thuê lại lao động, đoàn thanh tra phát hiện các DN không thông báo cho người lao động biết nội dung của hợp đồng cho thuê lại lao động; có DN không báo cho bên thuê lại lao động biết đầy đủ sơ yếu lý lịch của người lao động, yêu cầu của người lao động; không lập hồ sơ ghi rõ số lao động đã cho thuê lại, bên thuê lại lao động. Người lao động cho thuê lại không nắm được công việc cụ thể khi ký hợp đồng.

Công ty cho thuê trả lương cho người lao động không thấp hơn tiền lương cơ bản của người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc. Tuy nhiên, điều đáng nói tổng mức lương (thu nhập) gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp khác thấp hơn nhiều so với người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc.

Kiểm tra, xác minh tại 14 DN thuê lại lao động, đoàn thanh tra phát hiện các DN này sử dụng lao động thuê lại dựa trên nhu cầu thực tế về “đơn hàng” ký với đối tác. Khi có nhiều hợp đồng kinh tế về cung cấp sản phẩm thì thực hiện thuê lại lao động với số lượng lớn, ngược lại khi ít hợp đồng thì thực hiện cắt giảm lao động thuê lại.

Kết luận thanh tra cho biết, tình trạng cắt giảm lao động thuê lại ở một số DN được thực hiện theo ngày, thời gian báo trước (nếu có) thường rất ít ngày trước đó. Như vậy, các DN thuê lại không xác định được “khoảng thời gian nhất định” để ký kết và sử dụng lao động thuê lại trong trường hợp “đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhu cầu sử dụng lao động”, chưa đúng với quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 53 Bộ luật Lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, hiện tượng trên đang trở thành thực trạng ở nhiều DN nói riêng và thị trường lao động trong tỉnh nói chung. Do vậy, cần thiết phải có biện pháp quản lý tốt hơn trong thời gian tới.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra xác minh, đoàn thanh tra đã yêu cầu các DN cho thuê lại lao động, DN thuê lại lao động khắc phục ngay các tồn tại, thiếu sót đã được đoàn chỉ ra. Đồng thời, xử phạt vi phạm hành chính 1 DN. Các DN phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục những tồn tại và có báo cáo kết quả thực hiện về Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh.

Theo kế hoạch thanh tra được Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh phê duyệt, trong năm 2023, sẽ tiếp tục thanh tra hoạt động cho thuê lại lao động tại 8 DN. Đây được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.

Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cũng tiến hành thanh tra việc thực hiện chính sách đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học tại Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Phong; thanh tra chuyên đề an toàn, vệ sinh lao động tại 14 DN trên địa bàn; thanh tra pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội; thanh tra hành chính và phòng, chống tham nhũng…

Hải Hà