Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hải Hà
Thứ hai, 02/01/2023 - 06:35
(Thanh tra)- Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu việc làm cho hơn 300 nghìn người lao động (NLĐ). Những tháng cuối năm 2022, lao động trong các KCN có xu hướng giảm. Trước thực trạng đó, Bắc Ninh đã đưa ra hàng loạt giải pháp để "giữ chân" NLĐ, giảm nguy cơ thiếu hụt lao động sau mỗi kỳ nghỉ Tết...
NLĐ làm việc trong KCN Tiên Sơn, Bắc Ninh. Ảnh: T.H
Lao động trong KCN giảm
Theo thống kê của Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, đến hết quý III/2022, các KCN Bắc Ninh sử dụng tổng 314.644 lao động. Trong đó, lao động địa phương là 85.843 người (chiếm 27,82%), lao động nữ 174.649 người (chiếm 55,5%), lao động nước ngoài 6.498 người (chiếm 2,065%).
KCN Quế Võ và KCN Yên Phong là 2 nơi sử dụng nhiều nhân lực nhất. KCN Quế Võ thu hút 106.815 lao động và Yên Phong là 90.096 lao động. Tuy nhiên, so với quý II/2022 thì tổng số lao động tại các KCN của Bắc Ninh giảm 5.417 người.
Theo con số của các doanh nghiệp gửi về Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh, có 391 doanh nghiệp báo cáo có giảm lao động với số lao động cắt giảm trong 1 tháng qua là 11.335 người.
Nguyên nhân giảm lao động được ông Nguyễn Thế Quyết - Chủ tịch Công đoàn Các KCN Bắc Ninh chia sẻ, do lượng đơn hàng giảm, đặc biệt là hàng xuất đi các nước châu Âu. Đến nay, nhiều doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho trên 4 tháng. Trong khi đó, công nhân thường muốn làm tăng ca để tăng thu nhập, giờ lại phải giảm giờ làm, đồng nghĩa với thu nhập giảm.
Ban Quản lý các KCN Bắc Ninh dự báo, trong vòng 3 tháng tới, số lao động tiếp tục giảm khoảng 18.260 người, các doanh nghiệp cũng cần tuyển mới thêm 15.513 người.
Một thực trạng đáng buồn hiện nay là trong các KCN xuất hiện tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn với nhiều tình huống khác nhau. Do vậy, các cơ quan chức năng rất khó xử lý triệt để nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho NLĐ.
Có thể nói, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt là thách thức khủng hoảng về nguồn nhân lực để bảo đảm phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Ban Quan hệ lao động - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay, cả nước có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có NLĐ bị ảnh hưởng đến việc làm và đời sống.
Trong đó, số doanh nghiệp bị ảnh hưởng là 441 với tổng số gần 625.000 lao động. Đáng chú ý, hơn 240.000 công nhân dệt may, da giày, chế biến gỗ đang thiếu việc làm dịp cuối năm do doanh nghiệp cắt giảm hoặc chờ đơn hàng.
TS Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Công nhân công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện có rất nhiều NLĐ thường xuyên thay đổi công ty giữa các KCN khác nhau.
Phần lớn sự dịch chuyển lao động nằm ở nhóm công nhân có mức lương tối thiểu hoặc dưới tối thiểu, ít xảy ra ở nhóm đã có thu nhập ổn định. Khi NLĐ thấy lương không thể tăng hoặc công việc không thể phát triển thêm thì họ buộc phải thay đổi để tìm môi trường làm việc tốt hơn, mức lương khá hơn.
Giải “bài toán” cung - cầu nguồn lao động
Trước tình hình các doanh nghiệp trong các KCN gặp rất nhiều khó khăn do các đơn hàng giảm, để “giữ chân” NLĐ, ông Nguyễn Thế Quyết chia sẻ, công đoàn đã có nhiều giải pháp giúp NLĐ yên tâm.
“Chúng tôi đã phối hợp lãnh đạo doanh nghiệp và công đoàn cơ sở tuyên truyền tới công nhân. Cùng với đó, chúng tôi phát động, chỉ đạo công đoàn cơ sở đối thoại với chủ sử dụng lao động để có chính sách ưu đãi nhất với NLĐ, đặc biệt là tại những doanh nghiệp chưa có đơn hàng hoặc đơn hàng sụt giảm, để NLĐ cùng chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp” - ông Quyết nói.
Với một số doanh nghiệp có đơn hàng giảm, họ đã dành thời gian này để đào tạo lại NLĐ, giúp NLĐ thấy họ thật sự cần thiết cho doanh nghiệp và yên tâm ở lại. Với một số doanh nghiệp không có đơn hàng hoặc ít đơn hàng, chúng tôi đã giới thiệu lao động cho đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, thông qua tuyển dụng như vậy vẫn “giữ chân” được NLĐ trong các KCN.
Về phía công nhân lao động, ông Quyết cho biết, Công đoàn Các KCN Bắc Ninh đã phát động phong trào thi đua trong cán bộ, công nhân viên cống hiến cho doanh nghiệp, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vơi đi khó khăn phần nào.
Còn theo TS Phạm Thị Thu Lan, để “giữ chân” NLĐ, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật về chế độ lương, thưởng và bảo hiểm. Đồng thời, chú trọng điều chỉnh kịp thời các chính sách hỗ trợ, chế độ đãi ngộ, để NLĐ yên tâm làm việc.
“Cần hỗ trợ thêm sinh hoạt phí, trợ cấp khoảng thời gian ngừng việc, thiếu việc để NLĐ có nguồn thu đủ để bảo đảm cuộc sống tối thiểu tại các KCN” - TS Phạm Thị Thu Lan cho biết.
Việc thu hút NLĐ bằng mức lương hấp dẫn nhưng không tạo công việc đều đặn, thu nhập không tăng theo thời gian hoặc môi trường làm việc quá khắc nghiệt sẽ khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị NLĐ “rời bỏ” không quay lại.
Nắm bắt được thực trạng trên, thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện đồng đều các hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút NLĐ.
Tỉnh đã triển khai các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước và hợp tác xã, công nhân và NLĐ nhằm điều chỉnh chính sách, đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời tới các cá nhân và tập thể. Đồng thời, đẩy nhanh các dự án nhà ở xã hội dành cho người có thu nhập thấp và công nhân để NLĐ yên tâm làm việc và gắn bó với địa phương.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh đã hoàn thành thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ trên địa bàn tỉnh, với tổng số lao động đủ điều kiện được phê duyệt là 163.619 lao động, tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ gần 200 tỷ đồng.
Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Đến nay, toàn tỉnh thực hiện chi trả hỗ trợ cho hơn 8.100 đơn vị, doanh nghiệp; 368 hộ kinh doanh; hơn 604 nghìn người...
Ông Nguyễn Kim Triều, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Bắc Ninh dự báo: Thời gian tới, số người gia nhập lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ.
Do vậy, đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chú trọng nâng cao tay nghề, đào tạo kỹ năng nghề được coi là giải pháp trọng tâm để phục hồi bền vững thị trường lao động thời gian tới.
“Bài toán” bảo đảm cung - cầu nguồn lao động phục vụ sản xuất lâu dài cần sự cân bằng giữa lợi ích của NLĐ và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ bảo hiểm thất nghiệp, giảm thuế, mặt bằng… để từ đó doanh nghiệp có thể chia sẻ lại cho NLĐ.
Thu hút đầu tư đạt con số ấn tượng
Năm 2022, Bắc Ninh tiếp tục ghi dấu mốc quan trọng trong lĩnh vực xúc tiến đầu tư. Theo số liệu tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cấp mới đăng ký đầu tư cho 49 dự án đầu tư trong nước, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 16 nghìn tỷ đồng; 124 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 318,8 triệu USD. Các cơ quan chức năng các cấp điều chỉnh vốn cho 118 dự án FDI và 38 dự án trong nước với số vốn điều chỉnh tăng hơn 1.669,9 triệu USD và 1.828 tỷ đồng.
Công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư được tập trung đẩy mạnh, tỉnh Bắc Ninh tổ chức làm việc với nhiều tập đoàn lớn trên thế giới như: Samsung, Hanwha Techwin, DAEWOO E&C (Hàn Quốc); Canon, Yoshida Kaiun, Itochu (Nhật Bản)... Các hoạt động xúc tiến đầu tư trực tiếp với các tổ chức, địa phương từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Quang Thành, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh như hiện nay, Bắc Ninh chủ động nắm bắt xu thế để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tiếp tục tạo môi trường hấp dẫn, thu hút nhiều nhà đầu tư.
Kết quả đánh giá các chỉ số trong năm 2022 cho thấy, Bắc Ninh tiếp tục vinh dự là 1 trong 10 tỉnh, TP có điểm chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cao nhất cả nước. Những con số biết nói trên chính là điểm cộng để Bắc Ninh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
Hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và hướng tới các hoạt động ý nghĩa “Tết vì người nghèo” nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Agribank phát huy vai trò, trách nhiệm của “Ngân hàng vì cộng đồng” dành hơn 100 tỷ đồng triển khai chương trình an sinh xã hội “Agribank chung tay vì người nghèo, đối tượng chính sách nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025”.
Agribank News
(Thanh tra) - Tối qua (9/1), với chủ đề “Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng”, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Đà Nẵng đã tổ chức chương trình chăm lo Tết cho đoàn viên công đoàn, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là người lao động) đang sinh hoạt tại các công đoàn cơ sở, tổ công nhân tự quản khu nhà trọ, nhà ở công nhân thuộc LĐLĐ TP và khai mạc Chợ Tết Công đoàn 2025.
Ngọc Phó
Hải Hà
Trần Kiên
Trần Quý
Chính Bình
Thái Hải
Bùi Bình
Chính Bình
Bùi Bình
Phương Anh
Chính Bình
Trần Quý
Thái Hải
Cảnh Nhật
Trần Quý
Bùi Bình