Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hàng loạt chứng chỉ “lạ” được cấp cho cán bộ công chức tỉnh Đắk Lắk

Ngọc Giàu

Thứ tư, 08/01/2025 - 18:19

(Thanh tra) - Một trung tâm đào tạo (là chi nhánh của một doanh nghiệp tư nhân), đã cấp hàng loạt chứng chỉ cho cán bộ công chức tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các thông tin trên chứng chỉ rất “lạ lùng” và bất nhất.

Trụ sở Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NG

Nhập nhèm pháp nhân trên chứng chỉ

Theo tài liệu của PV Báo Thanh tra, ngày 18/9/2024, lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk ký quyết định về việc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Theo quyết định này, có 90 học viên tham gia, phần lớn học viên là cán bộ, giữ chức vụ trưởng, phó phòng tại các sở, ngành và UBND cấp huyện… Thậm chí có cả giám đốc, phó giám đốc các trung tâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thời gian học là 5 ngày (từ ngày 23/9/2024 đến hết ngày 27/9/2024). Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc khai giảng vào lúc 8 giờ ngày 23/9/2024.

Địa điểm tổ chức tại hội trường Khách sạn Công đoàn Ban Mê, số 09 Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột. Đơn vị đào tạo là Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng.

Kinh phí mở lớp thực hiện từ nguồn kinh phí được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho Ban Dân tộc thực hiện Nội dung số 01, Tiểu dự án 2, Dự án 5 của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Quyết định số 2666/QD-UBND ngày 13/12/2023 của UBND tỉnh và Công văn số 1243/STC-QLNS ngày 29/12/2023 của Sở Tài chính về thông báo hạch toán chuyển nguồn kinh phí 2023 sang năm 2024 (Đợt 4).

Kinh phí hỗ trợ học viên do cơ quan, đơn vị cử công chức tham dự thực hiện theo quy định hiện hành. Sau khi kết thúc lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, những học viên trên được cấp chứng chỉ. Điều đáng nói là trên chứng chỉ này có nhiều điểm rất "lạ lùng", không thống nhất.

Cụ thể, theo quyết định về việc chỉ định thầu đơn vị thực hiện gói thầu: Tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, thì đơn vị được chỉ định thầu là Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng.

Tuy nhiên, sau khi học xong thì các học viên lại được Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cán bộ Đà Nẵng cấp chứng chỉ. Người ký là Giám đốc - Tiến sĩ Đỗ Thanh Phương (Giám đốc trung tâm). Trên chứng chỉ, dù có dán ảnh học viên nhưng không hề được đóng dấu giáp lai ảnh. Lạ lùng hơn là các thông tin được in trên chứng chỉ lại không có sự thống nhất khi con dấu được đóng trên chứng chỉ lại có thông tin đầy đủ là Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cán bộ Đà Nẵng - Chi nhánh Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng.

Hàng loạt chứng chỉ “lạ” được cấp cho cán bộ công chức tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: NG

Đơn vị cấp chứng chỉ không đúng thẩm quyền?

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng có trụ sở tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Người đại diện theo pháp luật là ông Đỗ Thanh Phương, giữ chức vụ Giám đốc. Về bản chất, Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng là một doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đó, một chuyên gia về lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức cho biết, theo quy định, các cơ sở đào tạo bồi dưỡng được cấp chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 02/2023/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc và Thông tư số 03/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ.

Điều này được hiểu là các cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương hoặc học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, thì được cấp chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng kiến thức dân tộc.

Một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công chức cho hay, chiếu theo Thông tư số 02/2023/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc và Thông tư số 03/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ, thì Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa có cơ sở để cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các cán bộ.

“Không có đơn vị đào tạo nào tổ chức lớp dạy 5 ngày mà lại đi cấp chứng chỉ cả, các chương trình bồi dưỡng kiến thức ngắn ngày thì chỉ cấp chứng nhận chứ không đơn vị nào cấp chứng chỉ”, vị chuyên gia khẳng định.

Được biết, Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng là “mối quen” của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thanh Hóa cần thực hiện nghiêm việc thu hồi giấy phép 2 mỏ đá ở xã Xuân Phúc

Thanh Hóa cần thực hiện nghiêm việc thu hồi giấy phép 2 mỏ đá ở xã Xuân Phúc

(Thanh tra) - Đến ngày 31/12/2024 là hết thời hạn gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản cho Công ty TNHH Anh Việt Hương (Công ty Anh Việt Hương) tại mỏ đá vôi xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, trong những ngày qua, việc xay nghiền đá vẫn diễn ra như chưa hề bị cấm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Văn Thanh

06:37 08/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm