Theo dõi Báo Thanh tra trên
(Thanh tra) - Sau bài đăng “Hàng loạt chứng chỉ “lạ” được cấp cho cán bộ công chức tỉnh Đắk Lắk”, học viên tham gia lớp học đã lên tiếng, tiết lộ thêm cho phóng viên Báo Thanh tra nhiều góc khuất. Theo các học viên của lớp, chương trình học 5 ngày, nhưng thực tế chỉ học 4 ngày. Chứng chỉ được in sẵn, cấp trước 1 ngày?
Ông Đỗ Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cán bộ Đà Nẵng, người đã ký hàng loạt chứng chỉ “lạ” cấp cho một số cán bộ ở Đắk Lắk. Ảnh: LH
Cụ thể, một số học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi năm 2024, do Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk tổ chức vào tháng 9/2024 cho biết, chương trình không như kỳ vọng.
Học viên này cho hay, theo quyết định, lớp học diễn ra 5 ngày (từ ngày 23 -27/9/2024). Tuy nhiên, thực tế lớp học chỉ diễn ra 4 ngày. Chứng chỉ được in sẵn và cấp trước 1 ngày. Như vậy, chương trình học bị cắt xén 1 ngày. Trong khi trên chứng chỉ, đơn vị đào tạo vẫn ghi chương trình học là 5 ngày như quyết định tổ chức lớp học của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk.
Lớp bồi dưỡng là hoạt động thực hiện theo Nội dung số 1, Tiểu dự án 2, Dự án 5: Bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024. Nhằm mục đích nâng cao nhận thức, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc và cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa DTTS, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức, viên chức tiếp xúc, làm việc với đồng bào DTTS. Từ đó, góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối Đại đoàn kết dân tộc.
Chưa kể, học viên này cho biết, trong các ngày diễn ra lớp học, theo quan sát thì số lượng người học không đông đủ. Theo danh sách có 90 học viên, nhưng các ngày học, số lượng học viên tham gia được khoảng 50%. Riêng ngày cuối, học viên đi đông đủ để nhận chứng chỉ.
Về chất lượng học, học viên này nói rất “chán”, bởi nội dung học không chất lượng, không chuyên sâu vào chính sách dân tộc. Họ nói về các vấn đề phát sinh trong vùng đồng bào dân tộc.
Ngoài ra, sau khi Báo Thanh tra đăng bài “Hàng loạt chứng chỉ “lạ” được cấp cho cán bộ công chức tỉnh Đắk Lắk”, bạn đọc đã thông tin rằng: Từng tham gia tập huấn các lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cuối năm.
“Năm nào cũng được cử đi học các lớp tương tự. Chưa nói về chứng chỉ, nhưng chất lượng giảng dạy các lớp gần đây không được cao. Hình thức không đáp ứng được mong muốn của người học. Nhưng lên tiếng thì sợ, đa số người tham gia tập huấn mang tính đối phó chứ không thích. Hiện nay có rất nhiều kiến thức mong muốn được tập huấn nhưng không được cập nhật”, một học viên thông tin.
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Kính, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk cho biết, bản thân chỉ đi dự khai giảng, bế giảng nhưng không nhớ rõ là ngày nào. Còn chương trình học, ông Kính đề nghị phóng viên làm việc với ban quản lý lớp và đơn vị đào tạo.
Trong khi đó, PV liên hệ với một đại diện ban quản lý lớp học, người này nói, các học viên có nhu cầu học rút gọn nên đăng ký học vào ban đêm. Phía học viên cũng đã ký vào giấy xác nhận học ban đêm. Tuy nhiên, PV Báo Thanh tra làm việc với một số học viên thì họ khẳng định thời gian học thực tế chỉ có 4 ngày (từ ngày 23 - 26/9/2024).
Trước đó, Báo Thanh tra phản ánh, ngày 18/9/2024, Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk ký quyết định về việc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.
Theo quyết định này, có 90 học viên tham gia, phần lớn học viên là cán bộ giữ chức vụ trưởng, phó phòng tại các sở, ngành và UBND cấp huyện… Thậm chí có cả giám đốc, phó giám đốc các trung tâm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Thời gian học là 5 ngày (từ ngày 23/9/2024 đến hết ngày 27/9/2024). Lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc khai giảng vào lúc 8 giờ ngày 23/9/2024.
Địa điểm tổ chức tại hội trường Khách sạn Công đoàn Ban Mê, số 09 Nguyễn Chí Thanh, TP Buôn Ma Thuột. Đơn vị đào tạo là Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng.
Sau khi kết thúc lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, những học viên trên được cấp chứng chỉ. Điều đáng nói là trên chứng chỉ này có nhiều điểm rất "lạ lùng", không thống nhất.
Cụ thể, theo quyết định thì đơn vị được chỉ định thầu là Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi học xong thì các học viên lại được Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cán bộ Đà Nẵng cấp chứng chỉ. Người ký là Giám đốc - Tiến sĩ Đỗ Thanh Phương (Giám đốc trung tâm). Trên chứng chỉ, dù có dán ảnh học viên nhưng không hề được đóng dấu giáp lai ảnh. Lạ lùng hơn là các thông tin được in trên chứng chỉ lại không có sự thống nhất khi con dấu được đóng trên chứng chỉ lại có thông tin đầy đủ là "Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cán bộ Đà Nẵng - Chi nhánh Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng".
Chưa hết, Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng là doanh nghiệp tư nhân. Trong khi đó, một chuyên gia về lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng cho cán bộ công chức cho biết, theo quy định, Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng chưa có cơ sở để cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho các cán bộ.
Bởi các cơ sở đào tạo bồi dưỡng được cấp chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng kiến thức dân tộc thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư số 02/2023/TT-UBDT của Ủy ban Dân tộc và Thông tư số 03/2023/TT-BNV của Bộ Nội vụ.
Điều này được hiểu là các cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương hoặc học viện, viện nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng, trường trung cấp, thì được cấp chứng chỉ, chứng nhận bồi dưỡng kiến thức dân tộc.
Được biết, Công ty Cổ phần đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực Đà Nẵng là “mối quen” của nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai... trong việc tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Giao dịch liên kết được xác định là một trong những công cụ giúp doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế. Tại Shopee, giá giao dịch liên kết rất cao, góp phần không nhỏ giúp Shopee chưa phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2023.
Quang Dân
(Thanh tra) - Sau bài đăng “Hàng loạt chứng chỉ “lạ” được cấp cho cán bộ công chức tỉnh Đắk Lắk”, học viên tham gia lớp học đã lên tiếng, tiết lộ thêm cho phóng viên Báo Thanh tra nhiều góc khuất. Theo các học viên của lớp, chương trình học 5 ngày, nhưng thực tế chỉ học 4 ngày. Chứng chỉ được in sẵn, cấp trước 1 ngày?
Nhóm PV
Văn Thanh
Hương Giang
Hải Hà
Hải Hà
Phương Anh
Phương Hiếu
Phương Anh
Bài và ảnh Hoàn Dung
PV
Thanh Thanh
Quang Dân
Lê Hữu Chính
Văn Thanh