Những ngày này, trên công trường dự án Cao tốc Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột, các đơn vị thi công đang ngày đêm lao động hăng say, với quyết tâm cao độ đưa dự án về đích trúng tiến độ.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đây là dự án được xây dựng đầu tiên trong 8 trục ngang của khu vực Tây Nguyên, kết nối từ Cảng Nam Vân Phong, Khánh Hòa đến đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tổng chiều dài thực tế 116,4km, chia thành 3 dự án thành phần, giao cho tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT, tỉnh Đắk Lắk là cơ quan chủ quản.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết thêm, dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022, đã đáp ứng nguyện vọng kết nối biển - rừng của Nhân dân các dân tộc khu vực Nam Trung bộ - Tây Nguyên và hai tỉnh Đắk Lắk, Khánh Hòa.

leftcenterrightdel
 Ông Lâm Văn Hoàng - Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam báo cáo Thủ tướng tiến độ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Giàu

Đây là dự án rất có ý nghĩa quan trọng, kết nối 2 vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Dự án góp phần hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2025 khu vực Tây Nguyên sẽ có 87 km cao tốc, năm 2026 sẽ có 136km cao tốc và năm 2030 phấn đấu có 1.148km cao tốc.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị của tỉnh Đắk Lắk đã vào cuộc với tinh thần khẩn trương và quyết tâm cao nhất, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các Ban, bộ, ngành Trung ương, sự phấn khởi - đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến nay việc triển khai dự án trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả như sau:

Đối với dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6- Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tỉnh Đắk Lắk thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đến nay đã hoàn thành 307,54ha/317,54ha, đạt 96,8% (khoảng 35Km/36km).

Đối với dự án thành phần 3 do tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản: Đến nay đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, bàn giao: 331,98ha/332,98ha, đạt 99,7% (tương ứng với 48,09km/48,09km toàn tuyến, đạt 100%). Tổng giá trị khối lượng xây lắp 698/4.168 tỷ đồng đạt 16,8%; đã giải ngân 1.915/2.272 tỷ đồng, đạt 84,27% nguồn vốn được giao; công tác bố trí bãi thải, cung cấp mỏ vật liệu được đảm bảo theo tiến độ.

leftcenterrightdel
 Hầm Phượng Hoàng được mở tại Dự án Cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột. Ảnh: Ngọc Giàu

“Từ những kết quả đạt được như trên, tại kỳ họp Ban chỉ đạo công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao GTVT-lần thứ 13, Dự án thành phần 3 do tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản là 1 trong 2 dự án đã được Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa vào kế hoạch rút ngắn tiến độ hoàn thành từ năm 2026 sang năm 2025, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000km cao tốc trước ngày 31/12/2025. Đây sẽ là động lực, là mục tiêu để tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nhiệm vụ triển khai dự án trong thời gian tới”, ông Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh.

Tại lễ phát động thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc” diễn ra sáng 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương cho biết, Đắk Lắk là trung tâm kết nối của Tây Nguyên - vùng trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nhưng lại là "vùng trũng" về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, trong khi chúng ta cần hoàn thành mục tiêu 1.900 km đường cao tốc cho Tây Nguyên sau năm 2030 theo quy hoạch. Đây là quy hoạch đầy tham vọng, khó khăn nhưng không thể không làm cho Tây Nguyên.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm và động viên công nhân tại Dự án Cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột. Ảnh: NH

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, đến nay cả nước ta đã có 2.021km đường bộ cao tốc. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng coi phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược, trong đó phát triển hạ tầng giao thông là trụ cột quan trọng, đặt mục tiêu đến năm 2025 đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc.

Để hoàn thành mục tiêu trên, về phía Bộ GTVT chủ động xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương quyết liệt tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn lại, đặc biệt là xử lý triệt để công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm nguồn cung vật liệu, triển khai mọi giải pháp để rút ngắn thời gian thi công, đảm bảo chất lượng các công trình, các dự án với quyết tâm cùng với các địa phương trên cả nước hoàn thành đưa vào khai thác 3.000km đường bộ cao tốc trước 31/12/2025 theo đúng mục tiêu thi đua mà Thủ tướng Chính phủ phát động.

Ngọc Giàu