Nghị quyết số 93/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô nêu rõ, để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.

Tại Nghị quyết 128/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu tiếp tục ưu tiên tối đa cho thúc đẩy tăng trưởng, quyết liệt các giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung cao độ khắc phục hậu quả bão số 3; điều tiết sản xuất, ổn định cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, năng lượng...

Nghị quyết nêu rõ, để phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra năm 2024, trong đó, lạm phát phải kiểm soát dưới 4,5% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%, tạo tiền đề, khí thế cho năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.

Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Đến thời điểm này, 3/4 chặng đường năm 2024 đã qua đi. Dù khó khăn, thách thức còn rất lớn, trong bối cảnh kinh tế thế giới và cả trong nước có nhiều yếu tố bất định, song dự báo, 2024 sẽ là năm mà kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó đạt và vượt toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế cũng sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra, mà một trong số này chính là tăng trưởng GDP.

Sau mức tăng trưởng 5,87% của quý I, 6,93% của quý II và với việc nhiều địa phương duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm, như Bắc Giang (14,14%), Khánh Hòa (12,73%), Thanh Hóa (11,49%), Hải Phòng (10,32%)…, thì tăng trưởng GDP cả năm sẽ đạt 6,8 - 7%.

Trên thực tế, ngay sau khi con số tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 6,42% được công bố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm 2024. Theo đó, ở kịch bản 1, tăng trưởng GDP là 6,5% - cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị; còn kịch bản 2, tăng trưởng 7%.

Hơn hai tháng qua, xu hướng của nền kinh tế ngày càng tích cực hơn. Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng cho thấy, nền kinh tế tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện.

Trong bối cảnh kinh tế trong nước cũng như kinh tế thế giới dù phục hồi nhưng còn phải đương đầu với nhiều khó khăn, trong đó ảnh hưởng của cơ bão số 3 khiến cho nền kinh tế trong nước những tháng cuối năm gặp vô vàn khó khăn.

Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, kinh tế Việt Nam đã có những điểm sáng thể hiện qua tốc độ tăng trưởng GDP quý 1 và quý 2/2024 có xu hướng tăng lên, từ 5,87% lên 6,93%, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%. Các chỉ tiêu liên quan cũng cơ bản đạt được kết quả tốt như: vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đầu tư công, đầu tư tư nhân đều gia tăng, khu vực FDI tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Tiêu dùng trong nước ổn định, với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng khoảng 8,7%.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024 đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Trước hết, một trong những sự kiện về hội nhập quốc tế tác động tới kinh tế thế giới, khu vực cũng như Việt Nam nửa đầu năm 2024, đó là Vương quốc Anh gia nhập hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương). Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) được nâng cấp trong nội khối ASEAN đem lại tác động hết sức tích cực cho kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2024.

Theo các chuyên gia, dự báo trong thời gian tới kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn những rủi ro, biến động khó lường và có thể ảnh hưởng tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong khi đó, năm 2024 là năm áp chót của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -2025, nếu không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 6 đến 6,5% trong năm nay thì mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 sẽ trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Trong bối cảnh đó, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra, đòi hỏi cần củng cố, phát huy tối đa các động lực tăng trưởng để mở rộng không gian phát triển cho nền kinh tế. Theo Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về Kinh tế (Bộ Công Thương) Trịnh Minh Anh, mở rộng thương mại quốc tế và xuất nhập khẩu tác động rất lớn tới kinh tế Việt Nam, đến tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài. Hiện, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia, là thành viên tích cực của 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Việt Nam cũng là một trong 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Đặc biệt, Việt Nam là nước đứng đầu trong 15 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thu hút FDI; trong top 46 nước đứng đầu thế giới về Chỉ số đổi mới và sáng tạo.

Bên cạnh những cơ hội từ các FTA mang lại cho xuất khẩu từ việc gỡ bỏ các rào cản thuế quan, việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Đó là sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường quốc tế, phải đáp ứng các cam kết tiêu chuẩn có chất lượng cao cũng như tốc độ và quy mô sản xuất, những rào cản kỹ thuật. Ngoài ra, để tận dụng được những lợi thế mà các FTA mang lại, các doanh nghiệp phải luôn cập nhật những thông tin mới, hướng dẫn, đào tạo đội ngũ nhân viên tiếp cận và tận dụng FTA một cách triệt để.

Để đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong năm 2024, theo các chuyên gia, thời gian còn lại của năm 2024 không còn nhiều, các bộ, ngành, địa phương cần tăng tốc phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, đồng lòng, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Lê Phương