Tại huyện Bá Thước đã thành lập đoàn kiểm tra, kết quả tại lô 133, khoảnh 1, tiểu khu 287 (khu vực phá rừng làm đường vận chuyển lâm sản) thuộc thôn Đắm, thị trấn Cành Nàng phát hiện một tuyến đường bị san ủi, cải tạo dài 150m, trong đó có đường mòn cũ được cải tạo lại dài 116m được sửa lại nền đường, dọn dẹp phần taluy dương, chiều cao khoảng 80cm, mặt đường rộng 3m, đoạn đường tự mở mới rộng dài 34m, rộng 6m, diện tích 204m2.

Theo quy hoạch 3 loại rừng, vị trí tuyến đường thuộc đất rừng sản xuất là rừng trồng, không có cây rừng. Đối tượng vi phạm được xác định là ông Phạm Đình Thượng, trú tại thôn Đắm, thị trấn Cành Nàng là chủ rừng.

Theo đó, UBND thị trấn Cành Nàng đã lập hồ sơ, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật đất đai tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/9/2019 đối với ông Phạm Đình Thượng, mức tiền xử phạt 4 triệu đồng và buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu do vi phạm.

Đối với việc khai thác gỗ, số cây hộ gia đình ông Phạm Đình Thượng đã khai thác là 20 cây, trong đó có 8 cây lim xanh đường kính gốc từ 30-60 cm trên diện tích đất đã giao cho hộ gia đình, quản lý, sản xuất từ năm 1990. Số cây này do hộ gia đình bỏ tiền ra trồng và chăm sóc, số gỗ đang còn tại hiện trường 1,308m3 (có 0,747m3 gỗ lim, 0,516m3 gỗ thông thường).

Khu vực khai thác là đất lâm nghiệp thuộc đối tượng rừng sản xuất là rừng trồng, trước khi khai thác UBND thị trấn Cành Nàng và kiểm lâm địa bàn đã hướng dẫn trình tự, thủ tục theo quy định và truy xuất nguồn gốc lâm sản.

Tại huyện Cẩm Thủy, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp với các phòng chuyên môn, UBND xã Cẩm Quý, chủ rừng Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc kiểm tra, xác minh. Kết quả, khu vực san gạt đồi tại đồi Đá Mé, thôn Quý Lâm, xã Cẩm Quý, vị trí tại lô 60, khoảnh 4, tiểu khu 345, thuộc đối tượng rừng tự nhiên quy hoạch là rừng sản xuất, chủ rừng là Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc. Đối tượng san ủi đường là bà Trương Thị Dung (vợ ông Cao Văn Thơm), trú tại thôn Quế Lâm, xã Cẩm Quý.

Theo báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc, bà Dung, ông Thơm đã san ủi đường từ tháng 10/2022, có chiều dài 30m, rộng 3m, diện tích 90m là rừng tự nhiên thuộc quản lý của Công ty để lên khu vực rừng trồng thuộc gia đình. Khi san ủi đã làm gãy đổ một số bụi nứa và 13 cây gỗ (vẫn đang còn tại hiện trường).

Ngày 4/11/2022, Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc đã kiểm tra, phát hiện sự việc, bảo vệ hiện trường, lập biên bản kiểm tra ban đầu. Tuy nhiên, ông Cao Văn Thơm (người cùng san ủi đường) đang bị ốm, điều trị tại Hà Nội nên chưa ký được biên bản. Ông Thơm, bà Dung cũng đã thừa nhận việc san gạt, ủi đường  trái phép.

Vụ việc đã được Hạt Kiểm lâm Cẩm Thủy kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với đơn Công ty Lâm nghiệp Cẩm Ngọc do thiếu trách nhiệm để rừng bị san ủi trái pháp luật. Số gỗ bị thiệt hại còn tại rừng là 13 cây gỗ thông thường, khối lượng 0,219m3 tịch thu bảo quản tại Hạt Kiểm lâm Cẩm Thủy.

Đối với bà Trương Thị Dung đã bị Hạt Kiểm lâm xử phạt 5 triệu đồng, buộc trồng lại rừng là cây bản địa vào vụ trồng năm 2023.

Về xử lý trách nhiệm, tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm nói trên, UBND các huyện đang chỉ đạo những người liên quan báo cáo, giải trình làm căn cứ xem xét, xử lý trách nhiệm theo quy định.

Văn Thanh