Trước việc người dân sinh sống tại ngõ 124 Âu Cơ liên tục có đơn kiến nghị gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư  (KH&ĐT) Hà Nội về các nội dung liên quan đến quá trình đầu tư, xây dựng và cải tạo nâng cấp ngõ 124, mới đây Sở có Văn bản số 5026 ngày 31/12/2015 về việc giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến việc giải phóng mặt bằng khi thực hiện DA xây dựng tuyến ngõ 124 Âu Cơ, phường Tứ Liên, nêu:

Về nội dung này, ngày 12/11/2014, UBND TP Hà Nội đã có văn bản số 7698/VP - XDGT giao UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của nhân dân theo quy định của pháp luật. Căn cứ Luật Khiếu nại và ý kiến chỉ đạo trên của UBND TP, ngày 18/6/2015 Sở KH&ĐT đã có Văn bản số 2080 chuyển đơn đến UBND quận Tây Hồ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngày 17/12/2015, Sở KH&ĐT đã có buổi tiếp công dân. Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân đã được các hộ dân mời cùng dự. Sau khi nghe ý kiến của các hộ dân và luật sư, Sở KH&ĐT đã có ý kiến tập trung vào 02 vấn đề: Sự cần thiết đầu tư, hiệu quả của DA và các điều kiện pháp lý, kỹ thuật khi UBND quận Tây Hồ quyết định đầu tư DA. Đồng thời, ghi nhận những ý kiến của các hộ dân như sau:

 

Quyết định 4177/ UBND ngày 8/8/2014 về phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị Hồ Tây và Phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2000 đã nhấn mạnh đến việc xây dựng các tuyến đường cấp khu vực. Nhưng quận Tây Hồ đã vận dụng không đúng Quyết định 47/QĐ – UBND ngày 29/6/2001 và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam (TCVN 104: 2007), bởi nội dung quy hoạch tỷ lệ 1/2000 không có việc mở rộng ngõ 124 Âu Cơ lên 20,5m. Theo tiêu chuẩn XDVN thì ngõ 124 Âu Cơ là ngõ nội bộ nên việc mở rộng chỉ từ 13 - 17m.
Đề nghị xem xét việc thực hiện hệ thống thoát nước của DA có thể gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều.

 

Xem xét điều chỉnh việc thu hồi đất để làm vỉa hè (hiện tại đang dự kiến chiều rộng khoảng 5m) hạn chế việc thu hồi đất làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của các hộ dân cũng như giảm thiểu chi phí GPMB tiết giảm chi phí thực hiện DA.

Luật sư Trần Đình Triển cho rằng: “Ngõ 124 chưa có trong quy hoạch và nếu có thực hiện DA này thì phải trình cấp trên phê duyệt. Đây là một DA phải đầu tư một khoản tiền lớn lên đến 197 tỷ đồng và chưa dừng lại đó, tính ổn định của DA chưa cao. Mặt khác, DA này đã bị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu dừng vì liên quan đến Luật Đê điều và chưa tuân thủ Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…”.

Theo ý kiến của ông Phán (cư trú tại số nhà 95 ngõ 124, nguyên là đại tá công tác tại Bộ Công an) phát biểu trong cuộc họp dân ngày 8/01/2016 cùng Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng: “Cách đây 7 năm DA bắt đầu tiến hành mở rộng với mục đích gì? Mở rộng vỉa hè mỗi bên lên 5m là quá rộng dẫn đến việc phải GPMB gần 200 hộ dân kéo tiền đền bù lên hơn 170 tỷ đồng. Quá trình phá nhà cưỡng chế các hộ dân có thực sự dân chủ? Chúng tôi chỉ yêu cầu UBND quận Tây Hồ thực hiện đúng Quyết định 4177 năm 2014 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2007”.

Mặc dù Sở KH&ĐT và TP Hà Nội yêu cầu quận Tây Hồ tổ chức đối thoại với các hộ dân. Tuy nhiên tại cuộc đối thoại này trước câu hỏi của Luật sư Triển cùng nhiều hộ dân khác về việc làm rõ QĐ 47/2001 về việc ngõ 124 Âu Cơ có được quy hoạch không và tổng mức đầu tư của DA lên đến 197 tỷ đồng đã được HĐND TP thông qua chưa thì ông Phó chủ tịch Hoàng không trả lời được. Điều này làm cho người dân không đồng ý cách trả lời mập mờ theo kiểu "cho có" của quận Tây Hồ là trái với tinh thần chỉ đạo của Sở KH&ĐT và của TP Hà Nội.

 Nam Dũng