Vì sao quận Tây Hồ “nôn nóng” thực hiện dự án?

Ngày 11/3/2009, UBND quận Tây Hồ có Quyết định 698/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ - phường Tứ Liên, với mức khái toán kinh phí là 49,19 tỷ đồng (trong đó giải phóng mặt bằng là 40 tỷ đồng) với chiều dài vài trăm mét.

Gần 1 năm sau, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (D.A) trên với tổng mức đầu tư đã dự kiến lên đến 107,814 tỷ đồng, ngân sách TP hỗ trợ là 70%, còn lại là ngân sách quận Tây Hồ.

Đầu năm 2011, UBND TP Hà Nội có văn bản ủy quyền cho UBND quận Tây Hồ làm chủ đầu tư. Tháng 4/2011, UBND quận Tây Hồ ra quyết định phê duyệt D.A, mức đầu tư lúc này đã lên đến… 136,034 tỷ đồng (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2009). Mức đầu tư “khủng” như vậy, nhưng cái gọi là D.A chỉ là việc mở rộng một con ngõ cụt, đang có chiều rộng từ 7 - 8m sẽ được mở rộng lên thành 20,5m; trong đó, vỉa hè mỗi bên rộng 5m còn lòng đường là 10,5m.

Để D.A có thể thực hiện được, theo đề nghị của quận Tây Hồ, tháng 2/2010, UBND TP đã đồng ý cấp 15 căn hộ cho các hộ bị ảnh hưởng tại Khu tái định cư X2 - phường Xuân La. Đến đầu năm 2013 thì TP đã phải tăng bố trí lên 34 căn hộ tái định cư để giải phóng mặt bằng thực hiện D.A.

Như vậy, tổng số căn hộ tái định cư đã phải tăng thêm 19 căn. Nhưng đến nay mới chỉ có một vài hộ chấp nhận đến ở tại khu tái định cư vì còn thiếu thốn đủ thứ.

Theo dõi diễn tiến vụ việc, chúng tôi ngạc nhiên khi thấy rằng, UBND quận Tây Hồ quá “nhanh nhảu” khi tiến hành các bước triển khai D.A. Đơn cử, ngày 17/6/2009, mới thuê vẽ xong chỉ giới đỏ tỷ lệ 1/500, thì 5 ngày sau đã có thông báo chủ trương thu hồi đất. Và đến ngày 30/12/2009, quận Tây Hồ đã có phương án tổng thể về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của D.A và dự kiến tháng 12/2010 thì xong công việc tổ chức thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư đã được phê duyệt và tiếp nhận mặt bằng.

Nhanh là tốt, nhưng trên thực tế mãi đến ngày 16/11/2012, UBND TP Hà Nội mới có Quyết định 5303/QĐ-UBND do Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh ký về việc thu hồi đất và bàn giao cho quận Tây Hồ thực hiện D.A. Như vậy, quận Tây Hồ đã “nôn nóng” thực hiện D.A khi chưa có đủ cơ sở pháp lý?

Đầu tư hơn 136 tỷ đồng… đi vào ngõ cụt?

Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Tiến Thành, Phó Giám đốc Ban Quản lý D.A quận Tây Hồ khẳng định, trong quá trình triển khai thực hiện các D.A thi công mở rộng tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ, quận đã tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước ban hành.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sinh sống tại 124 Âu Cơ, ngõ này hiện tại là ngõ cụt, dân sinh nối từ đường Âu Cơ (đê Quốc gia) ra bờ đê bối sông Hồng, bên ngoài là đất bãi bồi. Đây là 1 trong 4 ngõ thuộc hệ thống đường xương cá lưu thông nội bộ cụm dân cư ngoài bãi sông ra đường Âu Cơ. Ngõ đã qua nhiều lần được người dân hai bên đường hiến đất, đóng góp công sức cải tạo, nâng cấp đến nay có được đường ngõ rộng 4 - 5m, phần lớn rộng từ 7 - 8m. Không có nhu cầu gì cấp bách, phục vụ an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai, du lịch hay nhu cầu cấp bách khác của xã hội liên quan đến lợi ích quốc gia.

“Vậy tại sao và vì mục đích gì mà các cấp chính quyền vẫn dễ dàng chấp thuận chủ trương đầu tư thực hiện D.A và vẫn cố tình ép nhân dân chủ yếu bằng văn bản, thiếu đối thoại cởi mở, thậm chí còn ra quyết định thu hồi đất khi D.A chưa có đủ cơ sở pháp lý. Nay chính quyền muốn đầu tư hàng trăm tỷ đồng mở rộng ngõ quá to là không hiệu quả, lãng phí tiền của Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của nhân dân.

Theo Quyết định số 47/2001/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ngày 29/6/2001 về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ, tỷ lệ 1/2.000 không hề có nội dung mở rộng đường ngõ 124 Âu Cơ mà chỉ có mở đường đê bối Tứ Liên. Nếu có áp dụng thì đây chỉ là đường nhánh với việc mở rộng hợp lý, còn nói cải thiện giao thông tránh ùn tắc cục bộ thì có nhiều cách chưa cần phải phá dỡ hàng trăm ngôi nhà kiên cố của người dân và tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước”, một người dân bức xúc.

Mới đây nhất, TP Hà Nội có Quyết định số 4177/QĐ-UBND ngày 8/8/2014 về việc phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6) tỷ lệ 1/2.000 đã nhấn mạnh đến việc xây dựng các tuyến đường cấp khu vực: “Xây dựng các tuyến đường cấp nội bộ: Mặt cắt ngang điển hình rộng từ 13m - 17,5m với lòng đường rộng từ 7m - 7,5m, hè hai bên rộng 3m - 5m. Khi đi qua khu vực quá khó khăn về giải phóng mặt bằng có thể xem xét thu hẹp cục bộ vỉa hè, tuy nhiên phải đảm bảo số làn xe theo quy định và sẽ được xây dựng cụ thể trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ở giai đoạn sau”.

Như vậy, quyết định mới nhất của TP thì tuyến đường ngõ 124 Âu Cơ này nếu có mở rộng thì cũng chỉ từ 13 - 17,5m và có thể phải nhỏ hơn vì gặp khó khăn lớn trong giải phóng mặt bằng.

Hiện tại, D.A này đã khiến cho 157 hộ dân phải đập nhà cửa khi mà quận Tây Hồ “cố tình” áp dụng Quyết định số 47/2001 ra đời hàng chục năm trước.

Khi phóng viên hỏi liệu con số 136,034 tỷ đồng kia đã dừng lại chưa thì ông Thành cho biết là chưa, vì khi làm mở rộng xong phần ngõ sẽ phải tiến hành mở rộng cửa khẩu để đấu nối với đê Hữu Hồng có mặt cắt rộng từ 32 - 45m. Việc này sẽ do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm theo Luật Đê điều, sẽ có nhiều tỷ đồng từ ngân sách phải đầu tư để hoàn thiện toàn bộ D.A này.

Những hộ dân sinh sống tại ngõ 124 kiến nghị TP Hà Nội cùng Sở Quy hoạch Kiến trúc xem lại phương án đầu tư mở rộng đường ngõ 124 Âu Cơ cho phù hợp để tránh lãng phí tiền tỷ của Nhà nước lại đảm bảo được quyền lợi cho người dân.

 

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc xây mới hoàn toàn tuyến đường nối Trần Phú - Kim Mã có chiều dài 450m, chiều rộng 22m (gồm 2 làn xe, mỗi làn rộng 6m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m) chỉ có tổng mức đầu tư khoảng 225 tỷ đồng. Cần nói thêm, đây là tuyến phố trung tâm, huyết mạch của TP.

 

Kỳ II: Không vi phạm Luật Đê điều thì cũng tạo thành “nút thắt” cổ chai

Nam Dũng