Công trình nhà xưởng “khủng” là của Công ty CP Tập đoàn Tiến Lên

Xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp, thậm chí có những công trình diện tích vi phạm lên tới hàng nghìn mét vuông. Đây là sự việc được người dân ở xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, phản ánh với chúng tôi.

Theo phản ánh, các công trình xây dựng trái phép từ nhiều năm trước chưa được xử lý, thì nhiều tháng trở lại đây tiếp tục có thêm nhiều công trình xây dựng trái phép khác mọc lên.

Cụ thể, cụm nhà xưởng của Công ty CP Tập đoàn Tiến Lên (Công ty Tiến Lên) rộng khoảng 2ha được xây dựng trái phép tại địa bàn ấp 7, xã An Phước. Cụm nhà xưởng “khủng” này tọa lạc tại thửa số 41, tờ bản đồ số 8 (là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm) và một số thửa đất khác xung quanh, nằm sát cạnh Quốc lộ 51.

Theo ghi nhận thực tế của chúng tôi, cụm nhà xưởng của Công ty Tiến Lên bao gồm 7 xưởng lớn và  khu vực bên trong khuôn viên, công ty này đã cho tráng nền xi măng gần hết toàn bộ diện tích, đồng thời cho xây dựng nhiều công trình phụ, xây tường bao xung quanh.

Quan sát từ trên cao, có thể thấy quy mô khuôn viên nhà xưởng này là rất lớn, bao quanh là rừng cây lâu năm.

Nhiều dãy nhà xưởng trái phép của Công ty Tiến Lên mọc lên san sát bất chấp phản ánh của dư luận từ nhiều năm nay, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa bị xử lý theo quy định pháp luật.

Công trình Resort Hoa Đệ Nhất “khủng” trái phép và nhiều công trình khác

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chủ công trình Resort Hoa Đệ Nhất là bà Phạm Thị Hoa. Resort này nằm ở ấp 7, xã An Phước có diện tích rộng 12.285m2 (hơn 1,2ha) được xây dựng trên đất nông nghiệp. Khuôn viên resort gồm có sân bóng đá, sân tennis, hồ bơi ngoài trời và một số công trình nhà hàng, khách sạn với quy mô “hoành tráng”.

leftcenterrightdel
Resort Hoa Đệ Nhất với nhiều tổ hợp du lịch được xây dựng trên đất nông nghiệp, lấn chiếm hành lang sông. Ảnh: Đình Thanh 

Ngoài ra, khu Resort Hoa Đệ Nhất còn cho xây dựng những công trình có phần diện tích lấn chiếm sông tự nhiên chảy qua địa bàn. Resort Hoa Đệ Nhất là một tổ hợp cung cấp nhiều phương tiện giải trí liên kết với nhau tạo thành một hệ sinh thái du lịch thu nhỏ nằm trên địa bàn xã An Phước. Tuy nhiên, tất cả những công trình trong khu Resort Hoa Đệ Nhất đều được xây dựng trên đất nông nghiệp và có dấu hiệu lấn chiếm hành lang sông, gây cản trở dòng chảy tự nhiên, làm suy thoái nguồn nước, ngăn cản sự phát triển hệ sinh thái thủy sinh, thực vật tự nhiên ven sông.

Ngoài công trình “khủng” Resort Hoa Đệ Nhất, thì tại địa bàn ấp 7 còn có công trình nhà xưởng xây dựng trái phép tọa lạc tại thửa đất 110, tờ bản đồ số 37.

Đặc biệt, một trường mầm non được xây dựng trái phép tại thửa đất 134, tờ bản đồ 43, tại ấp 7, xã An Phước. Công trình này nằm sát nhà lò gạch, chỉ 100m2 đất thổ cư nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng trường mầm non trên diện tích gần 800m2 (chủ yếu là đất nông nghiệp).

leftcenterrightdel
Trường mầm non xây dựng sai phép, chỉ 100m2 đất thổ cư nhưng chủ đầu tư đã cho xây dựng lên đất 800m2 (chủ yếu đất nông nghiệp). Ảnh: Nguyên Dũng  

Công tác quản lý trật tự xây dựng đang có “vấn đề”!

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã An Phước nói: “Trường hợp các khu nhà xưởng của Công ty Tiến Lên được xây dựng vào năm 2016, đất này là đất nông nghiệp, đất BHK. Qua quá trình kiểm tra hiện trạng thực tế, thì gần đó đang xây dựng công trình suối nước trong, còn lại thì hiện nay không xây dựng nữa”.

Ông Yên nói thêm: “Về công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, bởi vì đây là tập đoàn lớn do tỉnh cấp giấy phép, nên khi phía UBND xã liên hệ kiểm tra thì gặp nhiều trở ngại, quản lý kho xưởng còn không cho vào để tiếp cận. Rất khó cho anh em làm việc".

Còn về vấn đề Resort Hoa Đệ Nhất và các công trình vi phạm trật tự xây dựng xảy ra trên địa bàn, ông Nguyễn Duy Khanh, cán bộ UBND xã An Phước cho biết: “Năm 2023, UBND xã đã có văn bản cho thi công công trình xây dựng suối nước trong, nên có vận động Resort Hoa Đệ Nhất tháo gỡ 4 căn nhà nằm trong dự án, phá tường rào và 1 sảnh bên phần kinh doanh khách sạn để thi công công trình xây dựng suối nước trong”.

Chúng tôi có đặt câu hỏi: Các công trình xây dựng “khủng” này đã được chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa? Cán bộ địa chính xã trả lời rằng: “Mình mới chuyển vị trí công tác nên chưa nắm rõ được thông tin". Đồng thời, cho biết một số thửa nằm trong khu nhà xưởng đã chuyển đổi thành đất ở, còn lại là đất nông nghiệp.

leftcenterrightdel
UBND xã An Phước trả lời Báo Thanh tra. Ảnh: Nguyên Dũng 

Theo quy định tại khoản 2, Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp dùng để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ cho đời sống và vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được công nhận là đất ở.

Muốn xây dựng nhà xưởng trên đất ở, buộc người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất sản xuất phi nông nghiệp).

Trường hợp xây dựng khu nhà xưởng trên đất ở và đất nông nghiệp của Công ty Tiến Lên đang có hiện tượng vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng, làm thay đổi kết cấu và chức năng sử dụng đất.

Vi phạm trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp nếu không ngăn chặn sẽ tạo tiền lệ xấu cho hàng loạt những vi phạm tiếp theo. Không chỉ đất nông nghiệp, bờ sông, nơi vốn dĩ nằm trong phạm vi bảo vệ đê điều cũng sẽ trở thành mục tiêu lấn chiếm, xây nhà dựng cửa trái phép.

Như vậy, với hàng loạt công trình có quy mô rất lớn được xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã An Phước, huyện Long Thành đến nay vẫn không bị xử lý mà để ngang nhiên tồn tại từ nhiều năm nay. Liệu công tác quản lý trật tự xây dựng của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thực sự có “vấn đề”?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Nguyên Dũng - Đình Thanh