Lùm xùm tại gói thầu gần 500 tỷ đồng

Ngày 12/9/2024 vừa qua, Vicem Bỉm Sơn đã công bố kết quả lựa chọn Gói thầu: Cung cấp thiết kế, vật tư - thiết bị, GCCT, xây lắp và dịch vụ kỹ thuật cho dự án, thuộc Dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện - Vicem Bỉm Sơn. Gói thầu có giá hơn 499,128 tỷ đồng.

Theo đó, bên trúng thầu được xác định là liên danh C-HOPE-NARIME với giá trúng thầu 467,793 tỷ đồng.

Đáng nói, gói thầu đang được dư luận quan tâm suốt thời gian qua, bởi có những phản ánh bên phía các nhà thầu khác tham gia đấu thầu về công tác chấm thầu của chủ chủ đầu tư là Vicem Bỉm Sơn.

Theo đó, ngày 29/3/2024, Vicem Bỉm Sơn đã ban hành quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu số 1: “Cung cấp thiết kế, vật tư - thiết bị, GCCT, xây lắp và dịch vụ kỹ thuật cho Dự án Tận dụng nhiệt khí thải để phát điện”, với kinh phí gần 500 tỷ đồng. Phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ và thời gian thực hiện trong vòng 16 tháng với hình thức đấu thầu quốc tế rộng rãi. Thời gian đóng thầu vào ngày 20/5/2024.

Đến ngày 20/8, bên mời thầu (Vicem Bỉm Sơn) cho biết, trong số 5 nhà thầu thì chỉ có liên danh C-HOPE-NARIME đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để tiếp tục được đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính.

Trong số các nhà thầu tham gia, liên danh nhà thầu SINOMA-T&TCONS-PETROCONS (liên danh nhà thầu) được đánh giá không đáp ứng được yêu cầu.

Bên mời thầu cho biết, nguyên nhân là bởi một thành viên của liên danh không đáp ứng về nguồn lực tài chính đối với phần công việc đảm nhận. Cụ thể, thành viên này đảm nhận 37,5% khối lượng công việc nhưng đã không đủ nguồn lực tài chính tương đương là 33,75 tỷ đồng. Theo đó, hợp đồng tín dụng của ngân hàng đối với công ty này không có nội dung cung cấp cho gói thầu và đã hết hiệu lực từ 11/8/2024; đồng thời, tài liệu kiểm kê tiền mặt không hợp lý...

Tuy nhiên, liên danh nhà thầu khẳng định, trong giai đoạn chấm thầu đã chủ động bổ sung tài liệu nhằm chứng minh năng lực, kinh nghiệm như: Cam kết cung cấp tín dụng ngày 24/6/2024 của ngân hàng hơn 22,1 tỷ đồng... Như vậy, thành viên liên danh nhà thầu đủ năng lực tài chính theo yêu cầu.

Phía liên danh nhà thầu SINOMA-T&TCONS-PETROCONS thông tin thêm, theo quy định của Luật Đấu thầu thì họ được bổ sung các tài liệu nhằm làm rõ về năng lực kinh nghiệm. Bên mời thầu phải đánh giá, xem xét các tài liệu này để đảm bảo cạnh tranh công bằng, khách quan giữa các nhà thầu. Tại khoản 25.1, mục 25, chương I và khoản 2.1, mục 2, chương III của hồ sơ mời thầu đã quy định rõ về nội dung này.

Hơn nữa, việc chủ đầu tư kết thúc đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật vào ngày 19/8/2024 là vi phạm quy định. Bởi thời điểm này đã quá thời hạn theo kế hoạch lựa chọn nhà thầu (120 ngày kể từ ngày 29/3/2024 thì thời điểm muộn nhất để hoàn tất việc lựa chọn nhà thầu phải là 29/7/2024). Đây chính là nguyên nhân khiến hợp đồng tín dụng của họ bị hết hạn 8 ngày.

Liên danh nhà thầu cho rằng, có dấu hiệu của việc cố tình thực hiện sai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, kéo dài thời gian để dẫn đến hợp đồng tín dụng bị quá hạn thời gian. Tuy nhiên, lại không chấp thuận hồ sơ thay thế hợp lệ, nhằm loại bỏ liên danh nhà thầu để đưa duy nhất một nhà thầu vượt qua bước đánh giá kỹ thuật và không phải cạnh tranh về giá. Từ đó, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của gói thầu và không đảm bảo tính công bằng trong đấu thầu.

Thời gian lựa chọn nhà thầu “chưa đạt”

Trả lời, Vicem Bỉm Sơn vẫn không chấp nhận các tài liệu mà liên danh nhà thầu cung cấp. Bên mời thầu cho rằng chỉ được phép làm rõ, bổ sung tài liệu về tư cách hợp lệ, hợp đồng tương tự, năng lực sản xuất, báo cáo tài chính, nghĩa vụ kê khai thuế và nộp thuế, tài liệu nhân sự, thiết bị.

Về thời gian lựa chọn nhà thầu, tại Văn bản số 2503 ngày 5/9/2024, bên mời thầu thừa nhận thời gian tổ chức lựa chọn nhà thầu “chưa đạt” so với kế hoạch, nhưng vẫn trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu của các nhà thầu. Điều này không ảnh hưởng đến kết quả lựa chọn nhà thầu, bảo đảm công khai, minh bạch.

Dù vậy, liên danh nhà thầu khẳng định, thời gian lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư là “không đạt” chứ không phải là “chưa đạt”. Trong khi các nhà thầu đã thực hiện đúng thời gian chuẩn bị hồ sơ, thì chính bên mời thầu lại vi phạm thời gian lựa chọn nhà thầu. Nếu bên mời thầu tuân thủ kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì hợp đồng tín dụng của nhà thầu đã không bị quá hạn.

Cùng với đó, liên danh nhà thầu cho rằng, việc niêm phong, lưu trữ hồ sơ đề xuất tài chính đã có “kẽ hở”, dẫn đến việc có thể không đảm bảo tính nguyên vẹn của hồ sơ thầu. Theo đó, khi thực hiện niêm phong các hồ sơ đề xuất tài chính, bên mời thầu đã cùng các nhà thầu niêm phong riêng từng hồ sơ của nhà thầu. Sau đó, tất cả 5 túi hồ sơ của 5 nhà thầu được để chung vào thùng và niêm phong bởi bên mời thầu. Tuy nhiên, lại không có chữ ký niêm phong thùng hồ sơ của bất kỳ nhà thầu nào.

Liên danh nhà thầu cho rằng cách niêm phong trên là không đúng, bởi theo mục đ, khoản 4, Điều 38 của Nghị định 24/2024-NĐ/CP thì hồ sơ đề xuất về tài chính của tất cả các nhà thầu phải được niêm phong trong cùng một túi riêng biệt; được đại diện của bên mời thầu, nhà thầu tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật ký niêm phong. Việc chỉ duy nhất bên mời thầu ký niêm phong ở thùng đựng hồ sơ là không khách quan.

Tại Văn bản số 2503, Vicem Bỉm Sơn lại cho rằng, tại lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào 14 giờ ngày 20/8/2024, các nhà thầu đã xác nhận thùng đựng chung hồ sơ đề xuất tài chính của các nhà thầu đang được niêm phong, bảo đảm nguyên vẹn và thống nhất.

Dù vậy, liên danh nhà thầu khẳng định việc xác nhận thùng hồ sơ tài chính đang niêm phong với chữ ký của bên mời thầu không đồng nghĩa với việc thùng hồ sơ được đảm bảo nguyên vẹn so với thời điểm bên mời thầu niêm phong vào ngày 20/5/2024. Hơn nữa, thùng hồ sơ chỉ có chữ ký niêm phong của bên mời thầu cũng không có cơ sở khẳng định các niêm phong này chính là niêm phong trước đó 3 tháng. Bởi thùng hồ sơ do bên mời thầu bảo quản, trong khi đó, con dấu, chữ ký niêm phong thì bên mời thầu có thể tạo ra bất cứ lúc nào.
Thanh Giang