Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng mới đây qua kiểm tra đã phát hiện Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc khai thác khoáng sản ngoài ranh giới giấy phép và khai thác khoáng sản sâu hơn độ cao được phép khai thác. Đơn vị này đã đề nghị cơ quan thuế khu vực Bảo Lộc - Bảo Lâm và tỉnh Lâm Đồng xem xét nghĩa vụ thuế mà công ty này chưa thực hiện đối với khối lượng khai thác vượt ranh giấy phép nói trên, nếu phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo quy định.

Sự việc được phát hiện qua kiểm tra báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản từ năm 2005 đến tháng 5/2017 của Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc. Theo đó, trữ lượng địa chất đã khai thác từ thời điểm được cấp giấy phép (trữ lượng địa chất được cấp phép khai thác trong khu mỏ là 503.787m3/diện tích khu mỏ 6,2018ha) khai thác đá từ năm 2005 đến ngày 6/5/2017 (năm báo cáo) là 435.726,8m3, trữ lượng địa chất còn lại tính đến ngày 6/5/2017 (năm báo cáo) là 68.060,2m3 (trữ lượng còn lại tương đương 13,5% trữ lượng được phép khai thác).

Phát hiện ban đầu cho thấy số liệu sản lượng khoáng sản đá kê khai nộp thuế của Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc có sự sai khác với số liệu của cơ quan thuế.

leftcenterrightdel
Khối lượng hàng m3 đá khai thác ngoài ranh đã đi về đâu? Ảnh: Nhóm PV

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng yêu cầu doanh nghiệp giải trình chi tiết về thời điểm, các khoản phí, thuế và các vấn đề liên quan đối với khối lượng đá phát sinh thêm khi công ty khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao), không đúng Giấy phép số 31/GP-UB ngày 6/5/2005 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Dù khai thác vượt ranh ra khỏi khu vực được phép khai thác, nhưng ở một vị trí khác nằm trong ranh giấy phép thể hiện Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc chưa khai thác khoáng sản đá phía Đông khu vực mỏ (điểm mốc số 1, 2, 3) với diện tích 1,81ha (hiện trạng còn nguyên trữ lượng đá, cho người dân đang trồng cà phê).

Cơ quan chức năng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc báo cáo lý do tại sao không khai thác và trữ lượng khoáng sản đá còn lại trong khu vực diện tích 1,81ha nêu trên và cá nhân, tổ chức nào cho thuê 1,81ha để người dân trồng cà phê sai quy định.

Khai thác ngoài ranh là từ đời lãnh đạo trước

Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Nguyễn Duy Tiên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc thông tin: Mỏ đá tại xã Đại Lào thuộc sở hữu của công ty có lịch sử khai thác từ năm 2005 (nhận chuyển nhượng từ Công ty Công trình giao thông Lâm Đồng) đã qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, nên cần thời gian để rà soát, kiểm tra hồ sơ và sẽ thông tin lại cho báo. 

Khi được hỏi về trách nhiệm của lãnh đạo, cá nhân trong từng thời kỳ xảy ra đối với các sai phạm, số lợi bất hợp pháp (nếu có) trong khai thác khoáng sản do khai thác vượt quá phạm vi ranh giới được phép khai thác (theo độ sâu hoặc độ cao), không đúng giấy phép (nếu có), ông Tiên cho biết, mới về làm lãnh nên chưa nắm rõ. Lúc nhận bàn giao chuyển nhượng từ Công ty Công trình Giao thông Lâm Đồng có báo cáo về khối lượng vượt ranh, nghĩa vụ thuế hay không ông cũng chưa nắm được, để kiểm tra lại…

leftcenterrightdel
 Mỏ đá Đại Lào có diện tích 6,2ha trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất thành phố Bảo Lộc. Ảnh: Nhóm PV

Về trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với địa phương, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND thành phố Bảo Lộc tổ chức kiểm tra, rà soát việc quản lý sử dụng đất thuộc diện tích 62.018m2 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Đồng thời, cho kiểm tra việc sử dụng đất, cho thuê đất các hộ dân đang trồng cà phê có diện tích 1,81ha tại mỏ đá Đại Lào đã cấp phép cho Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc nêu trên về trình tự, thủ tục, nghĩa vụ tài chính và các vấn đề khác liên quan.

Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc trú đóng tại địa chỉ số 261 Hoàng Văn Thụ, Phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Chủ tịch Hội đồng Quản trị đương chức là ông Nguyễn Duy Tiên; còn đại diện pháp luật là ông Lê Kim Hiền, giữ chức vụ Giám đốc.

Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc được UBND tỉnh cấp Giấy phép khai thác khoáng sản(chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản) số 31/GP-UBND ngày 6/5/2005, khai thác đá xây dựng tại mỏ thôn 5, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc. Tổng diện tích khai thác đá xây dựng là 62.018m2, có toạ độ được xác định bởi các điểm góc: 1, 2a, 3, 4, 5, 6 trên bản đồ vị trí tỷ lệ 1/2.000 hệ UTM; trữ lượng khai thác cấp C1 + C2: 503,787m3, công suất khai thác: 40.000m3/năm. Thời hạn giấy phép khai thác 12 năm kể từ ngày cấp. 

Về quyết định cho thuê đất để khai thác đá tại doanh nghiệp thực hiện theo Quyết định số 1146/QĐ-UBND ngày 25/5/2005, riêng Hợp đồng thuê đất số 44/HĐ-TĐ ngày 6/6/2005 đã hết hạn từ 2017. 

Tài liệu của cơ quan chức năng còn thể hiện, Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc đã thực hiện khai thác khoáng sản tại mỏ Đại Lào chưa đúng hồ sơ thiết kế kỹ thuật do Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam thành lập (được Sở Công Thương phê duyệt ngày 23/7/2003), khai thác thấp hơn độ cao được phép khai thác chỗ thấp nhất (sâu nhất so với thiết kế) trên 10m.

Trước đó, vào đầu năm 2024, UBND tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt Công ty Cổ phần Công trình đô thị Bảo Lộc 140 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính về thời hạn khai thác đá xây dựng tại thôn 5, xã Đại Lào, thành phố Bảo Lộc theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 31/GP-UBND ngày 6/5/2005 của UBND tỉnh đã hết hạn từ ngày 6/5/2017. Cụ thể, doanh nghiệp chưa hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan Nhà nước theo quy định.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin

Nhóm PV