Vừa qua, người dân ở thôn Quan Nam 4, Hòa Liên gửi đơn kiến nghị đến các cấp chính quyền, ngành chức năng TP và Trung ương trình bày: Cách đây hàng chục năm, những người dân hiện ở khu vực đã tự khai hoang đất đồi, xây dựng nhà cửa, đào ao hồ tưới tiêu, trồng cây, thả cá…

Đến năm 2020, khu vực thôn Quan Nam 4 được công bố nằm trong quy hoạch dự án (DA) khu tái định cư Tân Ninh mở rộng (giai đoạn 1).

Khi thực hiện kiểm định nguồn gốc đất để áp giá đền bù, Ban Giải tỏa đền bù huyện Hòa Vang xác định đất tại khu vực này là đất nông nghiệp và đất do UBND xã quản lý.

Vì vậy, người dân có nhà, đất chỉ được bồi thường, hỗ trợ từ 20 - 50% tổng giá trị bị ảnh hưởng và không được bố trí đất tái định cư; nên họ không đồng ý với việc giải quyết bồi thường như trên.

Riêng hộ ông Nguyễn Nhị (đã cưỡng chế), nhận hỗ trợ nhà cửa, vật kiến trúc 20%; đất đền bù 49.000 đồng/m2. Ông Nhị có tổng diện tích thu hồi là 1.200m2 đất cộng với vật kiến trúc, chuồng trại, hoa màu… nhận đền bù hỗ trợ mức 200 triệu đồng.

Tương tự, hộ ông Phạm Cường với hơn 1.000m2 đất chỉ được nhận hỗ trợ 83 triệu đồng…

Theo Báo cáo số 250 ngày 14/6/2022 của UBND huyện Hòa Vang về việc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và kiến nghị đối với các hộ dân thuộc diện giải tỏa DA khu tái định cư Tân Ninh mở rộng giai đoạn 1, xã Hòa Liên, thể hiện: DA có diện tích nghiên cứu quy hoạch 199.801m2, tổng số thửa đất thu hồi là 213 thửa, trong đó đất ở là 14; đất nông nghiệp 146; đất NTD, TIN 47; đất giao thông khác 6…

Trong quá trình triển khai công tác lập hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Hội đồng Bồi thường huyện nhận thấy có nhiều trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp sau khi công bố quy hoạch DA; nhằm mục đích trục lợi giá trị bồi thường và làm cơ sở để yêu cầu phải bố trí đất tái định cư.

leftcenterrightdel
Hộ ông Nguyễn Nhị đã bị cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: N.P 

Trước tình hình xây nhà trái phép như trên, UBND huyện Hòa Vang đã thành lập tổ liên ngành để kiểm tra, rà soát toàn bộ tính pháp lý về đất, xác định chính xác thời điểm xây dựng nhà cửa của từng hộ có nhà trên đất nông nghiệp; áp dụng ứng dụng công nghệ Google Earth nhằm xác định lại thời điểm sử dụng đất và thời điểm xây dựng nhà, vật kiến trúc để làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định.

Từ kết quả làm việc của tổ công tác, tại DA đã có khoảng 40 trường hợp xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp sau ngày 1/7/2014 và một số trường hợp xây dựng sau thời điểm công bố quy hoạch (ngày 1/9/2019).

Theo quy định hiện hành, những trường hợp nêu trên sẽ không được bồi thường về đất, về nhà, vật kiến trúc xây dựng trái phép và buộc phải tháo dỡ công trình hoàn trả lại nguyên trạng.

Tuy nhiên, để giải quyết một phần khó khăn cho các trường hợp nêu trên, Hội đồng Bồi thường DA đã báo cáo UBND TP xem xét, giải quyết hỗ trợ 20% giá trị nhà, vật kiến trúc để người dân có chi phí tháo dỡ bàn giao mặt bằng và không giải quyết bố trí tái định cư.

Sau khi có kết quả phê duyệt hỗ trợ của UBND TP, các hộ dân nêu trên vẫn không chấp hành bàn giao mặt bằng; để đảm bảo tiến độ của DA, UBND huyện đã ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các trường hợp xây dựng trái phép…

Đồng thời, UBND huyện Hòa Vang xin được cam kết sẽ tiếp tục triển khai công tác công tác giải phóng mặt bằng tại DA theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với PV, ông Phan Duy Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang cho biết, những hộ nào xây dựng nhà sau năm 2014, đã có chỗ ở ổn định nơi khác thì huyện cương quyết thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.

Trường hợp các hộ dân nào làm nhà trên đất nông nghiệp trước năm 2014, có hộ khẩu thường trú, không có chỗ ở nào khác trên địa bàn TP… thì sẽ xem xét bố trí đất tái định cư nơi ở mới. 

Trước đó, Báo Thanh tra ngày 26/10/2021 đã có bài phản ánh tại khu vực tổ 6, thôn Quan Nam 4 đã có hơn 30 hộ dân đến khai hoang gần 20 ha đất rồi xây dựng nhà ở; thể hiện sự buông lỏng quản lý của chính quyền xã qua nhiều thời kỳ, gây lãng phí lớn tiền của, công sức của người dân.

Liên quan đến vấn đề này, huyện sẽ xây dựng quy trình kiểm điểm trách nhiệm các cá nhân, tổ chức qua các nhiệm kỳ của lãnh đạo chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; từ đó đưa ra biện pháp xử lý phù hợp.

Ngọc Phó