Bị kiện ra tòa vì không cho thành viên góp vốn quản lý và điều hành

Như ở kỳ trước, Báo Thanh tra đã thông tin, Công ty Lionas Metals, đóng trên địa bàn tổ dân phố Liên Sơn, phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất ferrosilicon hàm lượng cao do Công ty TNHH Đầu tư Trung Hải Việt Nam và Công ty Lionas Fund góp vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay đã có việc xảy ra tranh chấp nội bộ giữa các bên ở Công ty Lionas Metals.

TAND tỉnh Thanh Hóa đã có Thông báo số 05/2023/TLST-KDTM thụ lý vụ án kinh doanh thương mại về việc “tranh chấp giữa các thành viên trong công ty”. Nguyên đơn là Công ty Lionas Fund, có địa chỉ tại tầng 1, Tòa nhà Hakozaki NSO, 20 -1 Nibonbashi, Hakozaki-cho Chuo, Tokyo-to, Nhật Bản, người đại diện pháp luật là ông Mitsui Shinya - Tổng Giám đốc. Bị đơn là Công ty Lionas Metals, địa chỉ tổ dân phố Liên Sơn, phường Hải Thượng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, người đại đại diện theo pháp luật là ông Liu Chun, Tổng Giám đốc.

Theo đơn khởi kiện, Công ty Lionas Fund là thành viên cơ sở hữu phần vốn góp 60.060.000.000 VND, tương ứng 26% vốn điều lệ của Công ty Lionas Metals. Tuy nhiên, kể từ thời điểm tháng 7/2022, người quản lý Công ty Lionas Metals đã cản trở không cho Công ty Lionas Fund tham gia quá trình quản lý, điều hành công ty, không cho người vào nhà máy, từ chối cung cấp toàn bộ tài liệu về hoạt động, giao dịch và sổ sách kế toán... Công ty Lionas Fund đã nhiều lần trao đổi và yêu cầu phía Công ty Lionas Metals và người quản lý cung cấp các tài liệu liên quan đến việc thực hiện dự án, các giao dịch được xác lập và hoạt động sản xuất, kinh doanh thường nhật của Công ty Lionas Metals, nhưng phía quản lý đơn vị này không đáp ứng.

leftcenterrightdel
 Công ty Lionas Fund cho rằng mình góp vốn 26% ở Công ty Lionas Metals và phải được biết về tình hình hoạt động và tài chính ở đơn vị này. Ảnh: VT 

Cực chẳng đã và để đảm bảo quyền lợi của mình, ngày 7/3/2023, Công ty Lionas Fund phát đi văn bản yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty Lionas Metals sắp xếp để Công ty Lionas Fund thực hiện quyền kiểm tra, xem xét, tra cứu các thông tin, tài liệu… của các thành viên.

Ngày 15/5/2023, tiếp tục yêu cầu Công ty Lionas Metals cung cấp thông tin và đề nghị khôi phục lại nguyên tắc làm việc công khai, cùng ký, cùng quản lý, nhưng cả hai lần đều không được phản hồi.

Ngày 3/6/2023, Công ty Lionas Fund nhận được thông báo triệu tập cuộc họp hội đồng thành viên để thảo luận về phương án, tiến độ đầu tư nhà máy hợp kim đặc chủng và các vấn đề khác liên quan đến đầu tư.

Vì Công ty Lionas Fund không được biết về tình hình hoạt động chân thực của công ty mình góp vốn, nên ngày 6/6/2023, Công ty Lionas Fund gửi văn bản đề nghị Hội đồng thành viên bổ sung nội dung công khai các giao dịch, hợp đồng, báo cáo tài chính… của Công ty Lionas Metals kể từ thời điểm 1/7/2023 đến thời điểm họp, để Công ty Lionas Fund xem xét trước khi quyết nghị các vấn đề trong cuộc họp, thế nhưng tất cả đều bị từ chối.

Triệu tập nhiều lần nhưng người đại diện pháp luật không đến tòa

Vẫn theo đuổi sự kiên trì của mình, đồng thời thể hiện quan điểm người góp vốn phải được tham gia điều hành, xem xét thông tin, hồ sơ, tài liệu… ngày 13/6/2023, ngay tại trụ sở Công ty Lionas Metals, người của Công ty Lionas Fund tiếp tục đề nghị được cho xem thông tin, hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của thành viên vốn góp. Tuy nhiên, phía Công ty Lionas Metals thể hiện thái độ không hợp tác và cử bảo vệ không cho người của Công ty Lionas Fund vào trụ sở Công ty Lionas Metals.

Việc cố ý không thực hiện yêu cầu cung cấp thông tin của thành viên là đang có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng Luật Doanh nghiệp Việt Nam, điều lệ công ty.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Công ty Lionas Fund mới làm đơn kiện Công ty Lionas Metals ra tòa và yêu cầu TAND tỉnh Thanh Hóa buộc Công ty Lionas Metals cung cấp các hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của Công ty Lionas Fund tại các văn bản đã đề nghị trong các ngày đã nói ở trên.

Đồng thời, cung cấp toàn bộ biên bản họp, nghị quyết, quyết định của Hội đồng Thành viên, hồ sơ ghi chép, theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm, hợp đồng, chứng từ mua bán nguyên liệu, mua bán thành phẩm ferrosilicon; các báo cáo tài chính liên quan bao gồm cả báo cáo lưu chuyển tiền tệ, chứng từ gốc, sao kê ngân hàng; các báo cáo xuất kho nội bộ nguyên liệu chính và thành phẩm; hợp đồng vay tài chính, hợp đồng thế chấp, các chứng từ liên quan đến khoản vay và các văn bản nội bộ của Công ty Lionas Metals, để phía Công ty Lionas Fund cùng kiểm soát và nắm về tình trạng hoạt động của đơn vị mình đã góp vốn.

leftcenterrightdel
 Thông báo thụ lý vụ án của TAND tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: VT

Sau khi TAND tỉnh Thanh Hóa thụ lý vụ kiện, quá trình thu thập hồ sơ, tài liệu, TAND tỉnh Thanh Hóa đã ủy thác cho TAND thị xã Nghi Sơn, địa bàn có Công ty Lionas Metals đóng chân và sản xuất, kinh doanh lấy lời khai.

TAND thị xã Nghi Sơn đã nhiều lần triệu tập người đại diện theo pháp luật của Công ty Lionas Metals đến làm việc nhưng người này đều không đến, nên việc thu thập lời khai gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được.

Việc có dấu hiệu “xem thường pháp luật” trong việc hợp tác làm ăn với Công ty Lionas Fund, đồng thời với TAND thị xã Nghi Sơn, cần được cơ quan công an vào cuộc, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật Việt Nam, tránh tình trạng mất ổn định tình hình an ninh trật tự, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.                                                                                                    

Văn Thanh