Theo quan điểm của Đoàn Kiểm tra số 433, vụ án “chống người thi hành công vụ” đã được toà án nhân dân hai cấp xét xử. Bản án đã có hiệu lực pháp luật và được thi hành. Thực tế, bị án Nguyễn Văn Khuê đã chấp hành xong bản án 15 tháng tù giam. Bản án cũng đã được Toà án Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xem xét theo trình tự giám đốc thẩm và khẳng định, bị cáo Nguyễn Văn Khuê trong vụ án “chống người thi hành công vụ”, được hai cấp toà án xét xử là có căn cứ, không oan. Tuy nhiên, theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP, ông Bùi Thế Thân không phải là người thi hành công vụ và nguyên nhân gây khiếu nại, tố cáo kéo dài trong vụ việc này là việc cơ quan chức năng đã áp dụng quy định trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật BTNN) về chống người thi hành công vụ để giải quyết vụ án.

Ký kết hợp đồng lao động trái thẩm quyền

Dẫn chiếu những phân tích của Thanh tra Chính phủ, đoàn kiểm tra nhận định: Ông Bùi Thế Thân, sinh năm 1981, không phải là cán bộ, công chức cấp xã theo khoản 3 Điều 4, khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức. Việc UBND phường Phương Lâm ký kết hợp đồng lao động (HĐLĐ) với ông Bùi Thế Thân làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ cũng không đúng quy định của pháp luật về HĐLĐ và đối tượng áp dụng để ký kết HĐLĐ khi dựa văn bản đã hết hiệu lực là Thông tư số 21/2003/TT-BLĐTBXH, ngày 22/9/2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để làm căn cứ ký kết HĐLĐ giữa UBND phường Phương Lâm với ông Bùi Thế Thân.

Theo quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP) thì việc ký HĐLĐ giữa Chủ tịch UBND phường Phương Lâm với ông Bùi Thế Thân là không đúng pháp luật, bởi vì theo quy định tại Điều 1 Nghị định 68/2000/NĐ-CP thì chỉ một số công việc mới được ký HĐLĐ trong cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó vị trí quản lý đô thị phường được mô tả tại mục 5 trong hợp đồng không thuộc diện công việc được phép ký HĐLĐ mà đây là công việc chuyên môn, nghiệp vụ được xác định thuộc vị trí của công chức xã. Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 161/2018/NĐ-CP, thì những người làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ ở các vị trí việc làm được xác định là công chức trong các cơ quan hành chính không thuộc diện thực hiện ký HĐLĐ;

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 2 Nghị định 68/2000/NĐ-CP thì việc ký kết HĐLĐ chỉ được phép thực hiện ở cơ quan hành chính Nhà nước ở Trung ương; ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh); ở quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (cấp huyện). Như vậy, cơ quan hành chính Nhà nước ở cấp xã không được ký kết HĐLĐ. Nói cách khác, UBND phường Phương Lâm không có thẩm quyền ký kết HĐLĐ với ông Bùi Thế Thân. 

Mặt khác, ngày 29/7/2014, Bộ Nội vụ có Công văn số 2845/BNV-CCVC gửi Bảo hiểm xã hội để giải đáp vướng mắc trong thực hiện bảo hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, trong đó đã khẳng định ở cấp xã không có đối tượng là người làm việc theo chế độ HĐLĐ. 

Làm rõ về đối tượng được giao thi hành công vụ

Đoàn Kiểm tra 433 cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật BTNN thì “người thi hành công vụ là người được bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng hoặc bổ nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan vào một vị trí trong cơ quan Nhà nước để thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án hoặc người khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án”. 

Như vậy, theo quy định này, người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ có liên quan đến hoạt động quản lý hành chính, tố tụng hoặc thi hành án được coi là người thi hành công vụ. Cần phải hiểu việc giao thực hiện nhiệm vụ phải được thể hiện qua hình thức ký kết HĐLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Bộ luật Lao động; Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 161/2018/NĐ-CP). Mà theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động thì HĐLĐ vô hiệu toàn bộ trong trường hợp “người giao kết HĐLĐ không đúng thẩm quyền”. 

Do đó, trong trường hợp này, Chủ tịch UBND phường Phương Lâm là người không có thẩm quyền giao kết HĐLĐ với ông Bùi Thế Thân. Nên HĐLĐ được ký kết giữa hai bên là vô hiệu. Vì vậy, cần làm rõ: Người được giao thi hành công vụ là bất kỳ người nào hay phải có các điều kiện khác như HĐLĐ trong trường hợp này để giải quyết khiếu nại, tố cáo ông Nguyễn Văn Khuê và bà Lê Thị Lý và các trường hợp khác. 

Với những vấn đề chưa thực sự thuyết phục như vậy, dù trong trường hợp này Luật BTNN có giá trị pháp lý cao hơn Nghị định 208, dẫn đến người tố cáo không chấp nhận phán quyết của tòa án; tố cáo bị trù dập do chống tham nhũng, tiêu cực và được cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng, tiêu cực Thanh tra Chính phủ có quan điểm đồng thuận. Việc áp dụng Luật BTNN có thể chưa phù hợp với nguyên tắc “suy đoán vô tội” - Đoàn Kiểm tra 433 nhận định.

Trở lại với hành động của ông Bùi Thế Thân, người được UBND phường Phương Lâm trao danh xưng “người thi hành công vụ”, khi tự ý trèo tường, xâm nhập vào địa phận của Hợp tác xã (HTX) Nghĩa Phương và tấn công bà Lê Thị Lý gây thương tích (tỷ lệ thương tật là 28%) mà Báo Thanh tra đã thông tin dù cơ quan chức năng đã trưng cầu giám định, gia đình bà Lý đã nhiều lần trình báo, nhưng ông Bùi Thế Thân không những không bị xử lý trách nhiệm, mà thậm chí còn được UBND phường Phương Lâm đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ để làm cơ sở ký tiếp HĐLĐ.

Theo Đoàn kiểm tra 433, việc Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) Công an TP Hoà Bình ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm là đúng quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng Hình sự. Tuy nhiên, việc chưa giải quyết dứt điểm nguồn tin về tội phạm, thời gian kéo dài gây khiếu kiện của vợ chồng bà Lý và ông Khuê là người có đơn trình báo và kiến nghị về việc bao che sai phạm.

Đặc biệt hơn, Cơ quan CSĐT Công an TP Hòa Bình đã dựa vào việc giải quyết vụ việc này để mời ông Nguyễn Văn Khuê (chồng bà Lý) lên làm việc, dựng lại hiện trường, rồi bắt ông Khuê để kết tội “chống người thi hành công vụ” với ông Bùi Thế Thân.

Từ những phân tích, nhận định trên, Đoàn Kiểm tra 433 kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình chỉ đạo Đảng ủy Công an tỉnh Hoà Bình chỉ đạo Công an TP Hoà Bình khẩn trương kiểm tra, xác minh; phục hồi giải quyết nguồn tin về tội phạm; kết thúc kiểm tra, xác minh, báo cáo cấp có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết nguồn tin về tội phạm nêu trên để chỉ đạo phối hợp, tháo gỡ.

Hoàng Nam