UBND quận Tây Hồ cho rằng việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều của DA, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đang thụ lý hồ sơ để thỏa thuận cho TP cấp phép.

Trước đó, ngày 20/1/2016, Tổng cục Thủy lợi đã có Văn bản số 105 đề nghị UBND TP Hà Nội giải quyết theo các quy định của pháp luật. Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã có Báo cáo số 39 về việc triển khai xây dựng DA đường ngõ 124 Âu Cơ và giải quyết đơn thư của một số hộ dân.

Tại Báo cáo số 39, UBND quận Tây Hồ đã khẳng định việc lập, trình duyệt DA xây dựng ngõ 124 Âu Cơ thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy chuẩn xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước và TP và khẳng định “việc cấp phép hoạt động liên quan đến đê điều của DA, Bộ NN&PTNT đang thụ lý hồ sơ để thỏa thuận cho TP cấp phép”.

Tuy nhiên, ngày 23/5/2016, Tổng cục Thủy lợi tiếp tục có Văn bản số 745 trả lời đơn thư của công dân, khẳng định: “Công văn số 105 ngày 20/1/2016 của Tổng cục gửi UBND TP Hà Nội không có nội dung mới so với Công văn 1672/TCTL-ĐĐ ngày 26/10/2015, không phải là văn bản thỏa thuận của Tổng cục Thủy lợi”.

 

Ngày 21/4/2016, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có Công văn số 911 gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu chỉ đạo giải quyết vụ việc theo đơn phản ánh của người dân tại ngõ 124 Âu Cơ và thông báo kết quả giải quyết về cơ quan này.
Như vậy, việc thực hiện DA mở rộng tuyến ngõ 124 Âu Cơ phải thực hiện theo Văn bản số 1672 của Tổng cục Thủy lợi đã nêu trước đó với nội dung: “Theo báo cáo của cơ quan chuyên trách quản lý đê điều của TP, phản ánh của nhân dân và qua công tác kiểm tra thực tế, DA nêu trên đã triển khai thi công một số hạng mục khi chưa có ý kiến của Bộ NN&PTNT là vi phạm các quy định của Luật Đê điều. Bộ NN&PTNT đề nghị UBND TP chỉ đạo dừng ngay việc thi công công trình, tổ chức kiểm tra làm rõ những nội dung vi phạm pháp luật về đê điều trong quá trình triển khai thực hiện DA để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tổ chức tiếp xúc, làm việc với người dân, tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ những quy định của pháp luật về đê điều liên quan đến DA, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Báo cáo kết quả xử lý về Bộ NN&PTNT làm cơ sở để thỏa thuận cấp phép thi công theo quy định…”.

 

Như vậy, báo cáo trả lời người dân và các cơ quan chức năng, quận Tây Hồ đã thiếu trung thực, không đúng với thực tế. Điều này khiến dư luận hoài nghi về sự minh bạch và mục đích của quận Tây Hồ khi thực hiện các báo cáo.

Mặt khác, theo những người dân đang sinh sống trực tiếp tại ngõ 124 Âu Cơ cho biết: Trong cuộc họp dân ngày 8/1/2016 do Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng chủ trì thì nhiều câu hỏi chưa được trả lời như: Cách đây 7 năm DA bắt đầu tiến hành mở rộng với mục đích gì? Mở rộng vỉa hè mỗi bên lên 5m là quá rộng dẫn đến việc phải giải phóng mặt bằng gần 200 hộ dân kéo tiền đền bù lên hơn 170 tỷ đồng. Quá trình phá nhà cưỡng chế các hộ dân có thực sự dân chủ? Chúng tôi chỉ yêu cầu UBND quận Tây Hồ thực hiện đúng Quyết định 4177 năm 2014 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội và tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 2007.

Mặc dù Sở Kế hoạch và Đầu tư và TP Hà Nội yêu cầu quận Tây Hồ tổ chức đối thoại với các hộ dân. Tuy nhiên, tại cuộc đối thoại này, trước câu hỏi của luật sư cùng nhiều hộ dân khác đề nghị làm rõ Quyết định 47/2001 về việc ngõ 124 Âu Cơ có được quy hoạch không và tổng mức đầu tư của DA lên đến 197 tỷ đồng đã được HĐND TP thông qua chưa thì Phó Chủ tịch quận không trả lời được. Điều này khiến cho người dân không đồng ý cách trả lời mập mờ theo kiểu "cho có" của quận Tây Hồ là trái với tinh thần chỉ đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư và của TP Hà Nội.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Nam Dũng