18 năm “đội hồ sơ” đi làm GCNQSDĐ

Trao đổi với chúng tôi, ông Từ Phước Thiện cho biết, vào năm 1981 ông cùng vợ là bà Lý Thị Lợi (67 tuổi) lên khai hoang, ở ổn định trên mảnh đất rộng hơn 1ha tại khu khu vực đồi núi bên hồ Dầu Tiếng (thuộc ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, Bình Dương). Sau này mảnh đất này được cơ quan chức năng đo đạc, xác định thuộc thửa đất số 210, tờ bản đồ 52, có diện tích hơn 1,1ha.

leftcenterrightdel
Năm 1981, gia đình ông Thiện lên khai hoàng, làm nhà ở ổn định trên mảnh đất không thuộc diện quy hoạch, không có tranh chấp và có đóng thuế đầy đủ cho Nhà nước. Ảnh: Nguyên Dũng

Năm 1981, lúc mới lên khai hoang, gia đình ông Thiện đã xây dựng 2 căn nhà cấp bốn (mỗi căn rộng khoảng 140m2) để ở và vào năm 1995 khi 5 người con trưởng thành thì ông tiếp tục xây thêm căn nhà cấp bốn thứ 3, tương đương diện tích với 2 căn nhà xây trước đó. Cả 3 căn nhà này nằm liền kề nhau.

Từ đó cho đến nay, toàn bộ gia đình ông Thiện sinh sống ổn định tại 3 căn nhà cấp bốn nói trên và thực hiện tốt nghĩa vụ tài chính, hàng năm đều đóng thuế đầy đủ cho Nhà  nước.

Vào năm 2004, vì nhu cầu bức thiết, các con lập gia thất cần nơi ở riêng nên ông Thiện đã làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng địa phương xin cấp GCNQSDĐ. Dù đã nhiều lần bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đúng quy định theo yêu cầu của UBND xã Định Thành và huyện Dầu Tiếng, đến nay gia đình ông Thiện vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ với những lý do “khó hiểu”.

leftcenterrightdel

Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng xác nhận thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 của ông Thiện nằm ngoài cao trình +27m và không thuộc đất phạm vi bảo vệ công trình hồ Dầu Tiếng 

Ông Thiện cho biết, suốt 18 năm qua, ông cùng các con đã chạy ngược xuôi hàng chục lần lên UBND xã Định Thành; Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT); UBND huyện Dầu Tiếng để bổ sung hồ sơ, làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ nhưng vẫn vô vọng.

“18 năm qua, tôi đã nhiều lần gửi văn bản hỏi lý do vì sao gia đình tôi không được cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định pháp luật thì các cơ quan chức năng của huyện Dầu Tiếng vẫn không trả lời. Vừa qua, một cán bộ Phòng TN&MT huyện nói lại rằng gia đình tôi không làm được GCNQSDĐ là vì ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng đã có chỉ đạo trước đó rằng, nếu ai làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình tôi thì ông ấy sẽ kỷ luật người đó nên không ai dám làm”, ông Thiện nói trong nước mắt.

Lý do “không cấp sổ” khó hiểu từ Chủ tịch huyện Dầu Tiếng

Ông Từ Phước Thiện cũng cho biết, 18 năm qua (từ năm 2004 đến nay), trong quá trình làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ, đã nhiều lần bổ sung hồ sơ và được một số cơ quan chức năng có liên quan trả lời về các tính pháp lý lô đất của gia đình.

Ngày 6/11/2006, ông Thiện có đơn đề nghị Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - đơn vị được giao quản lý hồ Dầu Tiếng - xin xác nhận thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 của gia đình có nằm trong phạm vi bảo vệ an toàn hồ Dầu Tiếng hay không?

leftcenterrightdel

Văn bản số 281/BQLR-KT, Ban Quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng trả lời thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 nằm ngoài ranh giới rừng phòng hộ và không thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng

Ngày 8/11/2007, Công ty Khai thác Thủy lợi Dầu Tiếng xác nhận thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 của gia đình ông Thiện nằm ngoài cao trình +27m, tức là không thuộc đất phạm vi bảo vệ công trình hồ Dầu Tiếng.

Tiếp đó, ngày 23/8/2022, Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng đã có Công văn số 297/PTNMT-QLĐĐ gửi tới Ban Quản lý Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng (thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Dương - đơn vị được UBND tỉnh Bình Dương giao quản lý rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng, rừng giáp ranh với khu đất của gia đình ông Thiện) “đề nghị cung cấp thông tin đến thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 của gia đình ông Thiện”.

leftcenterrightdel

Văn bản số 293/PTNMT-QLĐĐ của Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng xác nhận, khu đất số 210, tờ bản đồ 52  của gia đình ông Thiện được vợ chồng ông khai phá và làm nhà, ở ổn định từ năm 1981 đến nay. Ảnh: Nguyên Dũng

Ngày 5/9/2022, tại Văn bản số 281/BQLR-KT, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng trả lời Phòng TN&MT: Qua kiểm tra, đối chiếu ranh giới thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 của gia đình ông Từ Phước Thiện với cơ sở pháp lý về quy hoạch sử dụng đất, phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn năm 2020-2030; bản đồ cấp GCNQSDĐ; bản đồ quản lý do Bộ Quốc phòng đo đạc, xác lập năm 2009 thì thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 nằm ngoài ranh giới rừng phòng hộ và không thuộc sự quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Núi Cậu Dầu Tiếng.

Ngoài ra, ngày 23/8/2022, Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng đã có Văn bản số 293/PTNMT-QLĐĐ gửi Sở TN&MT đề nghị hỗ trợ về mặt pháp lý để có cơ sở tham mưu cho UBND huyện Dầu Tiếng trong việc cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Từ Phước Thiện tại đất số 210, tờ bản đồ 52.

Tại Văn bản 293/PTNMT-QLĐĐ, Phòng TN&MT huyện Dầu Tiếng xác nhận, khu đất của gia đình ông Thiện được vợ chồng ông khai phá và làm nhà, ở ổn định từ năm 1981 đến nay.

Ngoài 3 căn nhà đang ở (tổng diện tích khoảng 420m2) thì phần lớn diện tích còn lại đã được gia đình trồng các loại cây như tràm, dừa, cau, me cùng nhiều cây kiểng.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng (bên phải) thừa nhận đã có chỉ đạo về việc không cho phép các cơ quan chức năng không làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thiện. Ảnh: Nguyên Dũng 

Đại diện UBND xã Định Thành cho biết, khu đất của gia đình ông Thiện được gia đình ông quản lý, sử dụng từ trước tới nay và không có bất kỳ tranh chấp với cá nhân, tổ chức nào.

Ông Nguyễn Tiến Luật, cán bộ địa chính xã Định Thành cho biết, vừa về phụ trách mảng địa chính tại xã này một thời gian ngắn nhưng cũng nắm được vụ việc gia đình ông Từ Phước Thiện nhiều năm nay làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ nhưng không thành.

Cũng theo ông Luật, đối chiếu với các quy định pháp luật thì khu đất của gia đình ông Thiện đang sinh sống, ở ổn định từ lâu nay được quyền cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, thẩm quyền cấp GCNQSDĐ thuộc UBND huyện Dầu Tiếng nên xã không có ý kiến gì thêm.

Ông Trần Quốc Dương, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Dầu Tiếng (thuộc Sở TN&MT tỉnh Bình Dương) cho biết, sắp tới đơn vị sẽ phối hợp với UBND huyện Dầu Tiếng để tiến hành đo đạc, kiểm tra, xác minh lại khu đất của gia đình ông Thiện.

Theo ông Dương, căn cứ vào các quy định pháp luật và kết quả kiểm tra nguồn gốc đất, quy hoạch… thì thửa đất số 210, tờ bản đồ 52 của gia đình ông Thiện thuộc diện được cấp GCNQSDĐ theo quy định.

Trả lời về vụ việc tại sao nhiều năm qua cơ quan chức năng không làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Từ Phước Thiện theo đúng quy định pháp luật, ông Nguyễn Phương Linh, Chủ tịch UBND huyện Dầu Tiếng cho rằng đất của gia đình ông Thiện đang “dính quy hoạch”.

Tuy nhiên, lúc PV hỏi những dữ liệu, hình ảnh, bằng chứng về lô đất của gia đình ông Thiện “dính quy hoạch” thì ông Linh không chứng minh được mà nói rằng đang chờ ý kiến trả lời của Sở TN&MT tỉnh Bình Dương về công tác quy hoạch.

Ông Linh thừa nhận đã có chỉ đạo về việc không cho phép các cơ quan chức năng của huyện Dầu Tiếng làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Từ Phước Thiện. “Nếu người nào làm thủ tục cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Thiện tôi sẽ kỷ luật ngay”, ông Linh khẳng định.

Ông Linh cũng cho rằng không có chuyện như dư luận phản ánh, nhiều năm nay ông cố tình ngăn cản, gây sức ép buộc cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng không cấp GCNQSDĐ cho khu đất của gia đình ông Thiện vì có mục đích, động cơ cá nhân riêng muốn lấy hoặc mua lại lô đất này với giá rẻ mạt!

Vì sao 18 năm nay gia đình ông Từ Phước Thiện phải chạy ngược xuôi khắp nơi để làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ theo quyền lợi chính đáng, hợp pháp vẫn vô vọng? Câu trả lời thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng liên quan của huyện Dầu Tiếng và tỉnh Bình Dương.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nguyên Dũng - Chí Cường