Tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, chiều ngày 15/11.

Chưa có tờ trình, quyết định ngay thì chưa chặt chẽ

Theo kế hoạch đầu tư công 2020, dự án này tới cuối 2022 mới giải ngân được 16.697 tỷ đồng, còn hơn 2.510 tỷ chưa giải ngân hết. Trình Quốc hội hôm 26/10, Chính phủ đề xuất kéo dài thời gian giải ngân số vốn này tới hết năm 2024 để hoàn thành dự án.

Đây là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ (27/10) và hội trường (9/11).

Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp hôm nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết theo Luật Đầu tư công, kế hoạch đầu tư công 2020 -2021 chỉ được giải ngân tương ứng đến hết năm 2021 và 2022.

Tức là, hơn 2.510 tỷ đồng còn lại chưa giải ngân hết đã bị hủy dự toán theo quy định.

Theo ông Thanh, về nguyên tắc, UBND tỉnh Đồng Nai phải nộp toàn bộ số vốn chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 về ngân sách Trung ương. Do đó, số tiền hơn 2.510 tỷ đồng (gồm hơn 1.543,623 tỷ đồng thuộc kế hoạch vốn năm 2021 và 966,75 tỷ kế hoạch vốn năm 2020) đã hủy dự toán theo quy định.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho hay phương án Chính phủ đề xuất không thể thực hiện được, vì số tiền hơn 2.510 đã hủy dự toán, không còn tiền để chuyển nguồn.

Mặt khác, hiện chưa có tờ trình chính thức của Chính phủ về đề xuất nguồn để bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 và bố trí dự toán hằng năm.

“Nếu trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ngay thì chưa chặt chẽ. Trường hợp Chính phủ có tờ trình về nguồn vốn, cũng cần có cơ quan thẩm tra để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm đầy đủ quy trình, thủ tục”, ông Vũ Hồng Thanh nêu.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: P.Thắng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, Chính phủ có tờ trình thì xem xét dễ hơn, chứ không có tờ trình thì “chịu chết”. Ông đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nêu ý kiến.

Dự toán đã hủy, không có cách gì kéo dài được

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh cho hay, dự toán đã hủy rồi thì “không có cách gì kéo dài được”.

Dẫn lại báo cáo Chính phủ đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân số vốn hơn 2.510 tỷ đồng, tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn kế hoạch năm 2018 và tương tự như Quốc hội đã cho phép gia hạn thời gian giải ngân nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2016 bổ sung cho tỉnh Bình Thuận để thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, ông Mạnh cho rằng, không thể áp dụng tương tự được vì 2 việc này không giống nhau.

“Với dự án hồ chứa nước Ka Pét, khi Quốc hội đồng ý cho phép kéo dài thì Quốc hội chưa phê chuẩn quyết toán năm 2022. Cạnh đó, khoản dự toán cho dự án hồ chứa nước Ka Pét cũng chưa bị hủy”, ông Mạnh nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Kết luận số 2847 ngày 5/10/2023 đã đề cập rõ về bố trí vốn cho dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, năm 2021 đã hủy bỏ theo quy định chưa, hay đang cho phép chuyển nguồn. Trường hợp đang để ở chuyển nguồn đề nghị làm rõ trách nhiệm việc không hủy bỏ số kinh phí này theo quy định. Chính phủ căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước và đầu tư công đề xuất phương án bố trí vốn cho dự án, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Theo ông Hải, số vốn chưa giải ngân hết đã hủy, về nguyên tắc Chính phủ cần đề xuất nhưng đến thời điểm này Chính phủ chưa đề xuất phương án cụ thể để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến; còn việc cân đối nguồn để phân bổ thuộc thẩm quyền Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: P.Thắng

Giải trình, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, các bộ, ngành chưa tham mưu được cho Chính phủ lấy từ nguồn nào và cần phải thực hiện đúng theo quy trình, do đó hiện chưa có tờ trình.

Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Chính phủ có thêm thời gian hoàn thiện tờ trình, ông Thắng cũng cho hay, Chính phủ sẽ rà soát, cân nhắc lại nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 hoặc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2024.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể cho ý kiến khi chưa có tờ trình của Chính phủ, trường hợp có tờ trình thì cơ quan của Quốc hội cũng phải thẩm tra.

Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra, các ý kiến tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương kéo dài thời gian thực hiện dự án, theo ông Vương Đình Huệ.

Còn việc bố trí nguồn vốn cho dự án, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, nghiên cứu phương án cụ thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến.

Hương Giang