Kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không hình sự hóa quan hệ kinh tế được Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định khi phát biểu kết luận hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với đại diện các doanh nhân tiêu biểu Việt Nam, ngày 4/10.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Việt Nam có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội.

Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân

Sau khi lắng nghe các ý kiến, phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự tự hào khi Việt Nam đã có các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế có quy mô lớn, giữ vai trò tiên phong dẫn dắt sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế.

Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp đã vươn lên làm chủ công nghệ, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có thương hiệu, tạo dựng được hệ sinh thái cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng phát triển, tiên phong trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tham gia giải quyết các thách thức, bài toán lớn của quốc gia.

Thời gian tới, trong bối cảnh khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Thứ nhất, kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các thành phần kinh tế.

Thứ hai, phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, toàn diện, gồm hạ tầng giao thông, năng lượng, viễn thông, y tế, giáo dục, văn hóa… để góp giảm chi phí logistics, giảm chi phí đầu vào, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và nền kinh tế, tạo không gian phát triển mới, các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, tăng giá trị của đất đai.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước nói chung và các doanh nghiệp nói riêng

Thứ tư, hoàn thiện mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Thứ năm, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp, doanh nhân, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp xứng tầm truyền thống lịch sử văn hóa, hào hùng dân tộc, anh hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và phát triển nhanh, bền vững trong thời đại hòa bình.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong. Ảnh: N.Bắc

"Tinh thần là thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Chính phủ, các bộ ngành, địa phương nói ít nhưng làm nhiều, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", Thủ tướng nhấn mạnh.

Doanh nhân, doanh nghiệp cần thực hiện 5 tiên phong

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện 5 tiên phong.

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng và nhân lực), đặc biệt là đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm…)

Thứ ba, tiên phong góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ tư, tiên phong xây dựng quản trị doanh nghiệp hiện đại để góp phần nâng cao năng lực quản trị đất nước theo hướng thông minh, Chính phủ trong sạch, liêm chính, vì Nhân dân phục vụ.

Thứ năm, tiên phong củng cố, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, làm tốt công tác an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

“Với tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hãy cùng lắng nghe, thấu hiểu, cùng sẻ chia tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng thắng và cùng phát triển, Thủ tướng phát biểu.

Người đứng đầu Chính phủ tin lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam luôn thể hiện sự tiên phong trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích của quốc gia và dân tộc, vì sự hùng cường, thịnh vượng của đất nước.

"Mỗi người chúng ta hãy thể hiện tinh thần này bằng hành động cụ thể, cùng nhau đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, tới năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao", người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Hương Giang