Trong phiên thảo luận ở nghị trường Quốc hội sáng ngày 17/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, chưa cần thiết ban hành dự án luật này.

Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, đến chiều ngày 17/11, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Tổng số đại biểu tham gia ý kiến là 393.

Nội dung được lấy ý kiến là có cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở.

Kết quả cho thấy, có 96 đại biểu thấy cần thiết, tương đương 24,42% trên số phiếu và chiếm 19,96% trên tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu thấy chưa cần thiết là 290, tương đương 73,79% trên tổng số phiếu và 60,29% tổng số đại biểu Quốc hội. Không chọn phương án và ý kiến khác có 25 đại biểu.

Nội dung thứ hai được nêu ra trong phiếu xin ý kiến là “trên cơ sở ý kiến thẩm tra và thảo luận của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, đề nghị Chính phủ tiếp thu nghiên cứu, hoàn thiện dự án luật”.

Kết quả là có 169 đại biểu đồng ý, chiếm 43% trên tổng số phiếu và 35,14% tổng số đại biểu Quốc hội.

Số đại biểu chọn phương án không đồng ý là 206 phiếu, chiếm 52,42% trên tổng số phiếu, tương đương 42,83% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó, cùng ngày, 302 đại biểu Quốc hội (tương đương 72,95% trên tổng số phiếu) đã thể hiện chính kiến không tán thành tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Đại biểu Quốc hội cũng không tán thành việc chuyển chức năng quản lý, đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an.

Hương Giang