Sáng 25/4, Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, thẩm tra nội dung về kinh tế - xã hội, sẽ được trình Quốc hội ngay phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 sẽ khai mạc vào ngày 20/5 tới.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, năm 2023 có 1/3 số chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Nếu năm 2024 không duy trì được đà phục hồi và phát triển thì khó có thể hoàn thành mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021- 2025. 

Theo nghị quyết của Quốc hội, tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5-7%.

3 năm đầu nhiệm kỳ GDP tăng bình quân chỉ có 5,24 %. Cho nên, muốn đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, thì 2 năm cuối nhiệm kỳ phải tăng 8,5%, mà quý I năm nay mới chỉ tăng 5,66 %.

Từ thực tế trên, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị các vị đại biểu đánh giá tình hình trung thực, khách quan, nhất là các yếu tố nội tại của nền kinh tế đã phục hồi chưa, cần tìm các động lực mới nào để có thể đạt chỉ tiêu năm 2024, cũng như của kế hoạch 5 năm. 

Sản xuất kinh doanh khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung trình bày, những tháng đầu năm nay, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn. “Tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm”, ông Trung khái quát.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do khô hạn, xâm nhập mặn tăng cao. 

Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu; tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý I thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011-2019.

Đáng lưu ý, trong quý I, có gần 74 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi, tăng trưởng tín dụng đến ngày 4/4 chỉ tăng 0,95% so với năm 2023.

“Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội. Ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm, làm tăng giá vé máy bay nội địa, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của người dân”, ông Trung cho hay.

Khó khăn nữa, theo ông Trung, là tốc độ tăng CPI bình quân có xu hướng tăng dần trong các tháng đầu năm khi CPI tháng 1 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 2 tháng tăng 3,67 và quý I tăng 3,77%.

Thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. 

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%). Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn.

Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, còn phiền hà, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. 

“Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm, kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm”, theo lời Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Tiết kiệm chị, dành tiền cho dự án trọng điểm, cải cách tiền lương

Nhận định năm nay, cơ hội, thuận lợi đan xen, nhất là từ các xu thế lớn, sự dịch chuyển thương mại, dòng vốn đầu tư toàn cầu, sự phục hồi nhu cầu của một số thị trường, đối tác xuất khẩu… ông Trung cho rằng, Việt Nam có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển.

leftcenterrightdel
 Ủy ban Kinh tế Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 14, thẩm tra nội dung về kinh tế - xã hội. Ảnh: M.Đức

Nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra.

Trong đó, ông nhấn mạnh tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đi cùng là thúc đẩy và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.

Giải pháp nữa là tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn lực cho các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia và nguồn thực hiện cải cách tiền lương, an sinh xã hội. 

Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm nay sẽ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các bộ, ngành, địa phương. 

Các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia, sân bay, cảng biển, đường cao tốc…

“Năm 2024, phấn đấu đưa vào khai thác, sử dụng ít nhất 130 km đường bộ cao tốc”, ông Trung thông tin.

Báo cáo cho thấy, quý I giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Với chính sách tiền tệ, quan điểm điều hành là tiếp tục chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; cân đối hài hòa giữa việc giảm lãi suất và ổn định tỷ giá; tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng. 

Ông Trung cũng cho biết, sẽ hoàn thiện các quy định và tăng cường quản thị trường vàng; bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; sẵn sàng phương án cung ứng, điều tiết nguồn điện để bảo đảm cung cấp điện, ứng phó với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra.

Chấn chỉnh, khắc phục triệt để việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành cũng là giải pháp trọng tâm được đề ra.

Hương Giang