Ngày 4/5, Ủy ban Xã hội tổ chức phiên giải trình trách nhiệm quản lý Nhà nước về phòng, chống tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Vấn đề cấm hay cho phép kinh doanh thuốc lá điện tử được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến, tranh luận.

Bộ Y tế đề nghị cấm, Bộ Công Thương muốn quản lý

Bộ Y tế đề nghị cấm thuốc lá điện tử, Bộ Công Thương lại muốn thí điểm quản lý các loại thuốc lá mới. Đại biểu Quốc hội liên tục đặt ra câu hỏi tại sao?

Đại biểu Trần Thị Vân hỏi Bộ Công Thương đã nghiên cứu kỹ tác động của đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử hay chưa và người dân, Nhà nước được hưởng lợi gì từ đề xuất này?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cũng băn khoăn khi hành lang pháp lý chưa có, trong khi thuốc lá điện tử đang tác động rất lớn đến xã hội.

Ông Phong đặt loạt câu hỏi hỏi với Bộ Y tế và Bộ Công Thương: Buông bỏ quản lý, trách nhiệm thuộc về ai? Căn cứ của việc cấm hay hợp pháp hóa cho kinh doanh thuốc lá điện tử?

leftcenterrightdel
 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong. Ảnh: P.Thắng

Trong khi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị làm rõ tính “được, mất” giữa lợi ích về mặt kinh tế nếu kinh doanh thuốc lá điện tử đem lại và cái hại về chi phí bỏ ra để chăm sóc sức khỏe?

Giải trình, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho hay từ khi xuất hiện tác tại của thuốc lá điện tử, Bộ đã triển khai nhiều công việc để tham mưu cho công tác quản lý Nhà nước về vấn đề này,

“Xây dựng luật không phải một sớm một chiều, cứ xuất hiện trên thị trường là điều chỉnh được ngay, mà cần bằng chứng, đánh giá tác động, nên Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch sửa Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá”, bà Lan nói.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhất trí quan điểm của Bộ Y tế là phải bảo vệ sức khỏe người dân, cộng đồng.

Bà Thắng khẳng định Bộ Công Thương soạn thảo các văn bản, nghị định theo hướng làm sao để quản lý xã hội tốt nhất, và việc đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá điện tử cũng nhằm mục tiêu “quản lý tốt hơn”.

Khi xây dựng chính sách về nội dung này gửi xin ý kiến, tất cả các bộ nhất trí, nhưng Bộ Y tế không đồng ý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, Chính phủ yêu cầu hai bộ ngồi lại thống nhất với nhau nhưng đến nay, hai bộ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung và chưa thể trình phương án cuối cùng lên Chính phủ.

Chưa thỏa mãn với trả lời của bà Thắng, nhiều đại biểu tiếp tục đặt câu hỏi về căn cứ để Bộ Công Thương đề xuất thí điểm kinh doanh thuốc lá điện tử, cũng như tác động của đề xuất này tới kinh tế - xã hội.

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phạm Thị Thắng 

Thứ trưởng Phạm Thị Thắng nói, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ nghiên cứu quy định để quản lý sản phẩm thuốc lá điện tử. Đó là nhiệm vụ chính trị đặt ra, chứ không phải “chúng tôi đi ngược lại với ý kiến của Bộ Y tế.

Với tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với sức khỏe người dân, theo Bộ trưởng Y tế Đào Thị Hồng Lan, “không thể quản lý rồi lại đưa ra thị trường”.

Theo bà Lan, với phương pháp quản lý và sự đa dạng của thuốc lá điện tử như hiện hại, việc quản lý được hay không rất đáng lo ngại. Bà đề nghị cần cấm thuốc lá ngay từ đầu.

“Tại sao lại thí điểm với loại giết người như thuốc lá điện tử”

“Tôi thấy kỳ lạ, tại sao lại thí điểm với chất gây nghiện, loại giết người mà thí điểm. Không thí điểm gì cả”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm.

Theo ông Trí, thuốc lá điện tử tràn lan trên thế giới và ở Việt Nam, rất có hại, hại toàn diện và rõ ràng… “Với tư cách người thầy thuốc, tôi đố ai tìm ra một chút ưu điểm về loại thuốc lá điện tử này”, ông Trí nói và nhấn mạnh, thuốc lá điện tử còn kích thích hút thuốc lá thông thường, đi kèm với đó là chứa rất nhiều chất gây nghiện, ung thư.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí . Ảnh: P.Thắng

Trong nhiều lần được mời làm rõ ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Đào Hồng Lan tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Bộ Y tế là “cấm”.

Bà dẫn số liệu thống kê cho thấy mỗi năm có khoảng 40.000 người chết vì thuốc lá. “Với trào lưu mới, tập trung chính ở thế hệ trẻ, có nên mở ra cho thử, thí điểm hay không? Mai sau mở ra rồi mà không dừng lại được, lúc đó ai chịu trách nhiệm trước sinh mạng của người dân Việt Nam?”, bà Lan thể hiện quan điểm.

Nhất trí với quan điểm của Bộ Y tế, Thiếu tướng Trần Nguyên Quân, Cục phó Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, nhận định thuốc lá điện tử có tác hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Theo ông Quân, sản phẩm này không chỉ gây hại về sức khỏe, mà còn về kinh tế khi chi phí mua thuốc lá điện tử đắt hơn loại thông thường rất nhiều, cộng với đó, chi phí khám chữa bệnh khi thuốc lá điện tử gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần cũng rất tốn kém.

Đặc biệt, Thiếu tướng Quân nhấn mạnh, hiện nay các đối tượng phạm tội về ma túy thường lợi dụng sản phẩm thuốc lá điện tử để tẩm ướp, trộn ma túy.

“Thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử rất phổ biến. Đi ngoài đường, khi dừng chờ đèn đỏ người ta cũng rút thuốc lá điện tử ra hút. Tỷ lệ này gia tăng đáng lo ngại nên cái hại nhiều hơn là lợi ích về kinh tế và xã hội”, đại diện Bộ Công an ủng hộ quan điểm cấm thuốc lá điện tử.

Hương Giang