Đây là sự kiện có ý nghĩa nổi bật trong chuỗi hoạt động của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội chào mừng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).

Tự hào đóng góp công sức làm nên chiến thắng Điện Biên

Buổi gặp mặt có sự tham dự của 250 đại biểu đại diện cho các gia đình liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội cùng Trung tướng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu 4); Đại tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu...

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã cùng ôn truyền thống lịch sử và ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ. Trong không khí xúc động, tự hào, Đại tá Nguyễn Thụ, nguyên Trung Đội trưởng Đại đội 269, Tiểu đoàn 54, Trung đoàn 102, Đại đoàn 38, trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, đã phát biểu cảm tưởng, chia sẻ kỷ niệm về những năm tháng chiến đấu oanh liệt 70 năm về trước, khi ông tham gia tấn công cứ điểm A1.

Ông chia sẻ luôn ghi nhớ những ngày tháng chiến đấu ác liệt, đầy hy sinh, gian khổ; ghi nhớ công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Tổng Tư lệnh Mặt trận Điện Biên Phủ tài ba - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng biết bao đồng bào, đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh; đồng bào Tây Bắc, các đồng chí thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… đã đùm bọc, giúp đỡ.

"Giờ phút này đây, tôi vẫn cảm thấy vinh dự và tự hào vì đã đóng góp một phần công sức của mình vào thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và càng xúc động hơn khi được trực tiếp đánh vào cứ điểm A1 - nơi trận chiến ác liệt nhất của chiến dịch" - Đại tá Nguyễn Thụ xúc động.

Hà Nội hiện có khoảng 2.200 người là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hoả tuyến và 159 gia đình thân nhân liệt sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống trên địa bàn TP.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng vạn người con của Hà Nội đã tham gia các lực lượng: Bộ đội chủ lực, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và nhiều lực lượng khác phục vụ chiến dịch như lực lượng y tế, nhà khoa học, văn nghệ sĩ...

Những đóng góp ấy đã được ghi vào lịch sử của đất nước và lịch sử Thủ đô, mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Chiến thắng Điện Biên mãi là nguồn cổ vũ lớn lao

Trân trọng gửi tới các chiến sĩ Điện Biên năm xưa những lời chúc tốt đẹp nhất, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, với tinh thần anh dũng vô song, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn thương lượng và ký Hiệp định Geneva, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Đồng thời, xác lập vị thế của đất nước, con người Việt Nam với thế giới, góp phần to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.

Đối với Thủ đô Hà Nội, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề đi đến sự kiện giải phóng Thủ đô ngày 10/10/1954.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống văn hiến, anh hùng và tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ, trong gần 40 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, có ý nghĩa lịch sử.

Điểm lại những thành tựu nổi bật, nhất là từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Bí thư Đinh Tiến Dũng khẳng định, 70 năm đã trôi qua nhưng tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ sẽ mãi là nguồn cổ vũ lớn lao cho toàn thể nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay và mãi mãi về sau.

“Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn trân trọng, tự hào và biết ơn những người con ưu tú của Thủ đô đã không quản gian khổ, hy sinh, chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng như trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” - Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Ông bày tỏ, các đại biểu cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ dự cuộc gặp mặt hôm nay thực sự là những gương tiêu biểu, là niềm tự hào của Thủ đô, là những tấm gương sinh động, có sức lan tỏa trong sự nghiệp bồi dưỡng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, cách mạng cho các thế hệ người Hà Nội, nhất là thế hệ trẻ.

Ôn lại chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, mỗi chúng ta hôm nay đều cảm nhận sâu sắc hơn niềm vinh dự, tự hào dân tộc. Đồng thời, cũng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm và nghĩa vụ đối với vận mệnh của Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân…

Trong thời gian này, bên cạnh gặp mặt những nhân chứng lịch sử góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ, TP Hà Nội cũng tổ chức các đoàn đi thăm, tặng quà tại gia đình các thân nhân liệt sĩ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân quân hoả tuyến của 30 quận, huyện, thị xã.

Quà tặng tri ân đối với đối tượng gia đình thân nhân liệt sĩ là 2 triệu đồng tiền mặt/gia đình và phần vật phẩm thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ trị giá 1 triệu đồng; đối với đối tượng là chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến là 5 triệu đồng tiền mặt/đại biểu và quà lưu niệm trị giá 1 triệu đồng.

Trước đó, Hà Nội cũng đã hỗ trợ tỉnh Điện Biên 15 tỷ đồng xây dựng 300 ngôi nhà đại đoàn kết; tặng chương trình an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh Điện Biên kinh phí 3 tỷ đồng; tặng quà 70 gia đình chính sách, 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá các suất quà là 570 triệu đồng… 

Hải Hà